Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Chúng ta có tiền, có dự án mà không giải ngân được chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo, đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, Xây dựng, TN&MT…
Phó Thủ tướng dành thời gian phân tích tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu… đã tác động đến nền kinh tế đất nước trong quý I/2023. Nhiều ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như điện tử viễn thông, dệt may… giảm mạnh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy đầu tư công, quan tâm đến đầu tư từ khu vực tư nhân, mở rộng thị trường xuất khẩu,…
"Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trong những yếu tố quyết định tốc độ, chất lượng tăng trưởng GDP. Chúng ta có tiền, có dự án mà không giải ngân được chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Từ thực tiễn tại các địa phương, chúng ta cần nhận diện, chỉ ra những vướng mắc, tồn tại của tình trạng giải ngân chậm, đề ra giải pháp khắc phục", Phó Thủ tướng nói.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 giao cho 13 địa phương là 129.478 tỷ đồng (vốn Trung ương là 38.844 tỷ đồng, vốn địa phương là 96.634 tỷ đồng). Đến nay các địa phương đã giải ngân 13.803 tỷ đồng, đạt 10,66%. Dự kiến cả năm 2023 các địa phương sẽ giải ngân 124.975 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch.
Lãnh đạo nhiều địa phương nêu khó khăn về nguyên, vật liệu thi công dành cho dự án đầu tư công - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Nhận thức rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công
Các địa phương cho biết, do đặc thù chi ngân sách Nhà nước giao kế hoạch vào thời điểm đầu năm, trong khi dự án phải có khối lượng mới có thể giải ngân, nên tiến độ giải ngân sẽ tăng nhanh vào những tháng cuối năm.
Một số dự án có trình tự thủ tục nhiều bước, kéo dài liên quan đến chuyển đổi đất rừng, đàm phán hiệp định, thương thảo hợp đồng, đấu thầu, giải ngân vốn vay nước ngoài.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án ở một số địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao, còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Năng lực, trình độ của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý dự án, hiểu biết pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng còn hạn chế…
Các địa phương chưa chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là dành quỹ đất tái định cư, thoả thuận với người dân chưa đạt được sự đồng tình cao.
Công tác đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm triển khai các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn thu từ tiền sử dụng đất.
Lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hoá… cho biết, nhiều dự án đầu tư công gặp khó khăn về nguyên, vật liệu thi công. Đơn cử như nhiều mỏ đất phục vụ đắp, san nền thuộc trường hợp chủ đầu tư tự thoả thuận với người dân gặp nhiều khó khăn.
Một số địa phương đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, khẩn trương ban hành những hướng dẫn còn lại để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP
Nhiều địa phương nêu thực tế, các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia giao vốn muộn, thiếu văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện còn lúng túng.
"Có những định mức thì Trung ương quy định, có những định mức giao địa phương ban hành có thể dẫn đến quy định không đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố", Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn nói.
Một số địa phương đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, khẩn trương ban hành những hướng dẫn còn lại để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ KH&ĐT, đại diện Bộ NN&PTNT trao đổi cụ thể về kiến nghị rút ngắn thủ tục kéo dài thời gian bố trí vốn cho các dự án tại địa phương; thẩm quyền của địa phương trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn; kéo dài thời gian thực hiện dự án theo kế hoạch vốn giao năm 2022; hướng tháo gỡ vướng mắc về chuyển đổi đất rừng…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trong những yếu tố quyết định tốc độ, chất lượng tăng trưởng - ẢNh: VGP/Minh Khôi
Tái định cư phải đi trước giải phóng mặt bằng
Qua các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá các địa phương đều quyết tâm, nhận thức rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Về vướng mắc trong thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là khâu chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
"Tái định cư phải đi trước giải phóng mặt bằng thì mới bảo đảm tiến độ dự án. Các địa phương phải có trách nhiệm trong chuẩn bị các khu tái định cứ gắn với quy hoạch phát triển đô thị có hạ tầng đồng bộ. Các đồng chí phải chủ động, sát sao, nhất là trong công tác quy hoạch, không để nước đến chân mới nhảy", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đối với việc chậm phân bổ vốn đầu tư công trung hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT xác định rõ nguyên nhân do địa phương, do bộ ngành, do Chính phủ để giải quyết ngay.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc, Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT thêm thẩm quyền, trách nhiệm khẩn trương ban hành ngay thông tư, văn bản hướng dẫn còn thiếu liên quan đến chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa về nhà ở, sinh kế…
Phó Thủ tướng cũng gợi mở hướng tháo gỡ cho các địa phương về vướng mắc trong định giá đất; bảo đảm nguyên, vật liệu cho các dự án đầu tư công; điều tiết nguồn vốn cho các dự án đầu tư công trung hạn,…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thị sát khu vực xây dựng cảng Vũng Rô - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Các địa phương khẩn trương gỡ vướng các dự án bất động sản
Trao đổi thêm về những khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản ở nhiều địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố phải khẩn trương điều chỉnh đồng bộ quy hoạch, từ quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh đến quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu…; khẩn trương thực hiện xác định giá đất tại các dự án bất động sản được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính và các quyền liên quan đến sử dụng đất; đề xuất những vấn đề cần rà soát, sửa đổi trong thông tư, nghị định về quản lý đất đai, xây dựng, đô thị nhằm tháo gỡ, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế, xã hội.
Các địa phương cần đưa vào quy hoạch đô thị các dự án xây dựng nhà ở dành cho đối tượng cần hỗ trợ xã hội, lập danh mục nhà đầu tư, dự án nhà ở xã hội để ngân hàng cấp nguồn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về quy hoạch cảng Vũng Rô và khu công nghiệp, quy hoạch giao thông, logistic, đô thị liên quan - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thị sát, nghe báo cáo quy hoạch khu vực dự kiến xây dựng cảng nước sâu Vũng Rô gắn với các khu công nghiệp, lọc dầu ở khu vực phía Nam tỉnh Phú Yên.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Phú Yên quy hoạch đồng bộ hạ tầng về giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ), trung tâm logistics, khu đô thị, nhà ở xã hội cho công nhân, điện, nước, bảo vệ môi trường… nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án cảng Vũng Rô tạo động lực phát triển mới cho địa phương.
"Phú Yên nhìn đâu cũng thấy tiềm năng, lợi thế, phải tận dụng để phát triển đồng bộ 'hệ sinh thái' kinh tế, xã hội bền vững", Phó Thủ tướng nói.