Sign In

Bộ TN&MT cùng 28 tỉnh, thành có biển đánh giá công tác quản lý biển, đảo

00:00 26/09/2024
Sáng 26/9, tại Hà Nội, Bộ TN&MT, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Đánh giá công tác quản lý Nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo với cán bộ quản lý biển, hải đảo của 28 tỉnh, thành có biển. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân dự và chủ trì Hội nghị.

_mg_0322.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Về phía Cục Biển và Hải đảo Việt Nam có ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng; ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Cục trưởng và toàn thể Lãnh đạo cấp phòng và Chuyên viên trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo đến từ 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; đại diện Lãnh đạo 17 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố có biển; đại diện Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF tại Việt Nam; Các cơ quan truyền thông, báo chí.

Dựa trên lợi thế tự nhiên, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Phát biểu khai mạc Hội Nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường biển hải đảo đã được định hướng trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Chiến lược sử dụng khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đây là những công cụ quan trọng hỗ trợ cho công tác quản lý Nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp, là quy hoạch mang tính khung tổng thể, tích cực đa dạng, đồng thời dẫn dắt cụ thể chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về quản lý khai thác sử dụng không gian biển” - Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

_mg_0345.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định, để phát huy các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, vị trí địa lý của biển, đảo, thực trạng, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển và các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cần thiết phải có sự chung tay quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Theo đó, Hội nghị Đánh giá công tác quản lý Nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được tổ chức để Bộ TN&MT làm việc, trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; về cơ chế phối hợp giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam với các Sở TN&MT 28 địa phương có biển nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả về quản lý khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Sở TN&MT của 28 tỉnh, thành phố có biển trao đổi, thảo luận tập trung vào 6 nhiệm vụ, giải pháp sau trọng tâm. Trong đó, yêu cầu đẩy mạnh triển khai các chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý biển đảo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính và quản lý rác thải nhựa đại dương; nâng cao số lượng các-bon thông qua bảo tồn, quản lý bền vững tài nguyên, hệ sinh thái biển và hải đảo.

 "Các địa phương cần giải quyết các chồng lấn để bố trí, sắp xếp khoanh vùng định hướng phát triển các vùng dựa trên lợi thế với điều kiện tự nhiên địa phương, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn của cả nước; quan tâm, thúc đẩy đầu tư khai thác năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng khác."

Ông Lê Minh Ngân - Thứ trưởng Bộ TN&MT

Mặt khác, các địa phương cần nghiên cứu triển khai thực hiện Quy hoạch không gian biển; rà soát, bổ sung Quy hoạch tỉnh; đưa nội dung vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, trong đó, cần xác định các nhiệm vụ ưu tiên, đột phá, phù hợp với tiềm năng, nguồn lực của tỉnh; chú trọng xây dựng hạ tầng kết nối đất liền ra biển, kết nối vùng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, rác thải nhựa ven biển và trên các đảo; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trên biển, vùng biển ven bờ; đặc biệt là hoạt động nhận chìm, xả nước thải vào môi trường biển…; đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá phạm vi, mức độ tác động của các nguồn gây ô nhiễm biển từ đất liền, nhất là từ các lưu vực sông.

Ngoài ra, đẩy mạnh giáo dục về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực. Xem xét những vướng mắc trong việc thực hiện luật tài nguyên biển, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước của lĩnh vực này trong thời gian tới.

thiet-ke-chua-co-ten-1-.png

Đại diện các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố có biển tham luận tại Hội nghị

Phối hợp chặt chẽ để quản lý biển bền vững

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; giới thiệu một số nội dung chính về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tình hình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển; tình hình triển khai thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đề xuất những định hướng sửa đổi, bổ sung,…

Hội nghị còn lắng nghe các tham luận từ Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa về thực tế triển khai chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo tại địa phương.

Một số địa phương mong sớm phê duyệt ranh giới quản lý hành chính trên biển giữa các địa phương; Ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; hướng dẫn kỹ thuật phục hồi môi trường sau sự cố môi trường; hướng dẫn điều tra, đánh giá, xác định thiệt hại và lập hồ sơ bồi thường thiệt hại về môi trường do dầu tràn trong vùng biển Việt Nam; Nghiên cứu bãi bỏ quy định xin ý kiến của 4 Bộ trong việc thẩm định hồ sơ giao khu vực biển đối với các dự án nuôi thủy hải sản cho cá nhân có diện tích trên 1ha mặt nước …

cuc-truong.png

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu kết luận Hội nghị

Ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Lê Minh Ngân và đại diện 28 tỉnh, thành phố có biển đã tham dự và đóng góp ý kiến quan trọng. Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo của 28 tỉnh, thành phố có biển trong thời gian qua. Qua các bài tham luận, ý kiến trao đổi và theo dõi hoạt động của các địa phương cho thấy nhiều địa phương đã chủ động giải quyết các vấn đề về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đạt được những kết quả tích cực.

Tuy vậy, theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, vẫn còn nhiều thách thức lớn cần tập trung giải quyết. Do đó, Cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, các địa phương có biển cần phải tích cực hơn nữa trong việc triển khai các quy định, chính sách, pháp luật hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. Đặc biệt, tư duy quản lý cần được đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận bị động sang chủ động và từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tiếp thu và triển khai đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân. Trên cơ sở đó, cùng các địa phương triển khai thành các chương trình hành động cụ thể, gắn với các nội dung cụ thể, thời gian hoàn thành.

Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo làm cơ sở cho các tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung đánh giá, tổng kết thi hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

thiet-ke-chua-co-ten(1).png

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đại diện các Sở TN&MT các địa phương có biển

Song song đó, tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế biển; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch.

Đặc biệt, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn đánh giá, việc tăng cường phối hợp và trao đổi thông tin giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các Sở TN&MT là rất quan trọng nên cần phải thường xuyên trao đổi, thông suốt. Cục Biển và Hải đảo Việt Nam luôn lắng nghe và sát cánh cùng các địa phương để kịp thời trả lời những vướng mắc trong công tác quản lý thực tế cần tháo gỡ; tích cực phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế trong phạm vi, thẩm quyền quản lý của mình.

Cục cũng mong muốn, các địa phương có biển tích cực hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, khảo sát thực tế về các hoạt động trên biển và ven bờ, đánh giá hiện trạng môi trường, cũng như phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường biển. Ngoài ra, cần chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, cùng với việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống khẩn cấp.

Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh: “Tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sự hợp tác phối hợp chặt chẽ của các địa phương, chúng ta sẽ hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng của Đảng và Chính phủ đề ra trong năm 2024 và các năm tiếp theo đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo”.

 

 

Ngọc Trâm

Tag:

File đính kèm