Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt
Cùng dự buổi mặt gặp có, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long; Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Đào Xuân Vũ, Ban Lãnh đạo của Viettel Global và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT: Cục Viễn thông; Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Bộ…
Viettel Global phải là cầu nối hỗ trợ đưa các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài
Tại buổi gặp mặt, cùng với việc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà “các chiến binh dũng mãnh của Viettel” đã đạt được khi tham gia vào thị trường viễn thông nước ngoài, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng - người đã từng là anh cả của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đã yêu cầu trong thời gian tới Viettel Global phải là cầu nối hỗ trợ đưa các doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại 10 nước có mặt của Viettel.
Bộ trưởng giao Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì làm việc với các Bộ, Ban, ngành thông tin của 10 nước mà Viettel đã đầu tư để hỗ trợ những doanh nghiệp mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành có nhiệm vụ sinh ra để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, trong đó có hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài chinh phục thế giới nên doanh nghiệp có khó khăn, vướng mặc cần phải báo cáo và “phải luôn tin rằng sau lưng mình là cả quốc gia””.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết,cách đây 18 năm, khi Viettel đi ra nước ngoài đầu tư, người đầu tiên phải đi là Lãnh đạo tập đoàn. Tất cả những thị trường mà Viettel đang đầu tư là lãnh đạo tập đoàn đi trước. Lãnh đạo phải làm gương để đi tìm hiểu thị trường, tiếp xúc và gặp gỡ lãnh đạo Nhà nước, Bộ, ngành để đánh giá.
Bộ trưởng chỉ rõ, tất cả những khó khăn đều đã qua để có ngày hôm nay. Viettel phải giữ vững tinh thần “Việc khó lãnh đạo phải làm và đi trước. Lãnh đạo cũng phải luôn là chỗ dựa về tài chính, chính trị kể cả những khó khăn về pháp luật”.
Về những cách làm mới tại nước ngoài, theo Bộ trưởng, trước đây, viễn thông là thông tin liên lạc, là câu chuyện “alo”, là câu chuyện nhắn tin, câu chuyện truy cập Internet. Nhưng viễn thông bây giờ đã trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Nghĩa là, nền kinh tế chạy trên nền của viễn thông, do đó các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung, Viettel Global nói riêng cần phải sáng tạo ra các ứng dụng mới để phát triển cho các lĩnh vực.
Doanh nghiệp phải tạo ra ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, AI dạy học, dạy làm việc, thư viện điện tử, tạo ra các kênh bán hàng hay lớn hơn nữa là những bảo tàng số cá nhân, đây là những ứng dụng thiết thực và cần thiết đối với người dân.
Thế giới hiện giờ có tổng số 150.000 ứng dụng các loại. Ngoài 3 dịch vụ nhắn tin, alo, data, nên dành cỡ 0,5% doanh thu để chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Viễn thông giờ đã khác xưa, nếu làm được những việc đó, người dân không thể thiếu được doanh nghiệp và từ đó chính là người dân sẽ bảo vệ cho các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài.
Bộ trưởng chỉ rõ, nghề chính của Viễn thông không phải là trèo cột, không phải là bán dữ liệu mà nghề chính là sáng tạo ra các dịch vụ, các ứng dụng 3G, 4G, 5G, những dịch vụ mới để cung cấp cho người dân. Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Viễn thông, Cục Thông tin đối ngoại, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp Vietteld đầu tư ở nước ngoài.
Cuối buổi gặp mặt, Bộ trưởng chúc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong năm 2024, góp phần phát triển Việt Nam hùng cường.
Cũng tại buổi gặp mặt, chúc mừng thành tích của Viettel Global đạt được trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đề nghị Viettel ở nước ngoài cần gắn sâu chính quyền với viễn thông, biến viễn thông trở nên quan trọng với chính quyền bằng cách làm chuyển đổi số và gắn chuyển đổi số với người dân, chính quyền, như nhờ CĐS y tế, người dân được tiếp cận y tế gần hơn.
Theo Thứ trưởng, hiện nay Tập đoàn đã có đủ hệ sinh thái, Viettel ngoài việc cung cấp các dịch vụ Thanh toán số, Chính phủ số, Chính quyền số, còn có thể cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới. Riêng Viettel Global ở nước ngoài có thể gắn kinh doanh với chính quyền để tạo ra những ứng dụng phục vụ chính quyền sở tại.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Những chiến binh dũng mãnh của Việt Nam Viettel Global đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia tổng quy mô thị trường 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng. Nắm vị trí dẫn đầu tại 6 thị trường. Thành công của hoạt động đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa Viettel trở thành thương hiệu có giá trị đạt xấp xỉ 9 tỷ đô la Mỹ, là thương hiệu Việt Nam và thương hiệu viễn thông duy nhất của Đông Nam Á có mặt trên bảng xếp hạng Global 500 của Brand Finance. Viettel giữ vững ngôi vương tại Đông Nam Á, vị trí thứ 9 tại châu Á và 17 trên thế giới. - Trong năm 2023, doanh thu dịch vụ của Khối Viettel nước ngoài đạt 3,583 tỷ USD, tăng 594 triệu USD / 583 triệu USD tăng trưởng của toàn Tập đoàn (đóng góp 102% tăng trưởng của toàn Tập đoàn) +Thuê bao thực tăng 4,7 triệu / 4,6 triệu thuê bao tăng trưởng của toàn Tập đoàn (đóng góp 102% tăng trưởng thuê bao của toàn Tập đoàn). - Năm 2023, dòng tiền về của các thị trường đạt 395 triệu USD ~ 10.000 tỷ đồng, đánh dấu 3 năm liên tiếp dòng tiền về của VTG đạt tổng hơn 1 tỷ $, đưa Viettel trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài chuyển tiền về nhiều thứ hai tại Việt Nam, nâng mức hoàn vốn Viettel lên đến 78%, vượt mức 76% chúng ta đề ra cho năm 2023 và bám sát mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn vốn đầu tư. - Năm 2023 cũng là lần đầu tiên doanh thu dịch vụ của Khối viễn thông nước ngoài vượt doanh thu dịch vụ của viễn thông trong nước. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ của Viettel Global đạt 20%, gấp 4 - 5 lần so với tăng trưởng trung bình của thế giới, trong đó cao nhất có Lumitel tăng trưởng 33,8%, Natcom tăng trưởng 29,4%, Movitel tăng trưởng 27,5%, Mytel tăng trưởng 24,7%. - Tăng trưởng doanh thu trên 20% qua các năm. Cụ thể: 2021 tăng trưởng 16,3%; 2022 tăng trưởng 20,6%; 2023 tăng trưởng 20,5% - Thuê bao di động qua các năm: 2023 – gần 62 triệu thuê bao, 2022 – 57 triệu thuê bao, 2021 – 54 triệu thuê bao. |