Báo cáo trước Đoàn kiểm tra, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết: Công tác PBGDPL đã được Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và các cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật. Lực lượng CAND đã chủ động triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PBGDPL, bám sát nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được đề ra tại Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, chỉ thị và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về công tác công an.
“Bộ Công an rất coi trọng công tác truyền thông chính sách, không chỉ tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành mà còn các dự thảo chính sách để mọi cơ quan, tổ chức, người dân được sớm tiếp cận các quy định pháp luật ngay từ khi soạn thảo; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội. Công an các đơn vị, địa phương cũng chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL cho phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và các đối tượng đặc thù”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho biết.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp.
Lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiện toàn bổ sung đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL trong công an nhân dân (CAND). Đến nay, số báo cáo viên pháp luật Trung ương được Bộ Tư pháp công nhận là 421 đồng chí; số lượng làm công tác pháp chế, công tác tuyên truyền, PBGDPL là trên 3600 người, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Bộ cũng giao công an đơn vị, địa phương chủ động bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí thường xuyên phục vụ công tác pháp chế nói chung, PBGDPL nói riêng. Ngoài ra còn huy động nguồn kinh phí xã hội hoá.
“Chúng tôi chủ trương mỗi cán bộ chiến sỹ công an là 1 tuyên truyền pháp luật, vi phạm pháp luật ở cơ sở phải được phát hiện, xử lý sớm, tránh để thành tội phạm”, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, hạn chế là một số đơn vị, địa phương chưa theo kịp tình hình thực tiễn, đôi khi còn nặng hình thức, đội ngũ báo cáo viên, cán bộ làm công tác PBGDPL còn thiếu về số lượng, chủ yếu kiêm nhiệm, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu…
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ Công an đề xuất Bộ Tư pháp đẩy mạnh hơn vai trò đầu mối phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành địa phương, tạo sự liên kết trong triển khai thực hiện nhằm động viên, phát huy tối đa mọi nguồn lực thực hiện PBGDPL; đề xuất cấp có thẩm quyền tăng cường kinh phí, thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Hàng năm cần có đánh giá hình thức khen thưởng, động viên kịp thời đối với các cơ quan tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác PBGDPL.
Các thành viên trong Đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao công tác PBGDPL của Bộ Công an, đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề về PBGDPL tại những địa bàn đặc thù, công tác phối hợp giữa Bộ Công an và các ngành; công tác truyền thông chính sách…Nhiều thành viên Đoàn công tác cũng đề nghị Bộ Công an chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm mới, hiệu quả trong công tác PBGDPL.
Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục truyền thông CAND. Đại diện một số đơn vị của Bộ Công an cũng làm rõ thêm một số vấn đề Đoàn công tác quan tâm, đặc biệt cung cấp nhiều thông tin về sự chủ động và những cách làm sáng tạo của Bộ Công an trong công tác PBGDPL.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá công tác PBGDPL của Bộ Công an đã bám sát kế hoạch của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức; đạt nhiều kết quả tích cực. Trong triển khai Đề án 06, Bộ đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo hiệu ứng tốt, lấy người dân làm trung tâm. Công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù được quan tâm; Bộ Công an đã triển khai Ngày Pháp luật bài bản, phong phú, sinh động. Công tác truyền thông dự thảo chính sách theo Đề án 407 của Thủ tướng Chính phủ thực chất, đến tận cơ sở. Việc thực hiện các Đề án về PBGDPL triển khai toàn diện, hiệu quả.
Thứ trưởng đề nghị Bộ Công an bổ sung thêm số liệu kết quả thực hiện PBGDPL trong toàn bộ lực lượng, cả Công an địa phương để thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành.
Trong triển khai Đề án 1379 về nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng CAND, Thứ trưởng đề nghị Bộ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh để thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí bảo đảm nguồn lực để phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của Công an xã trong PBGDPL, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp trong xây dựng, thực hiện đề án số hoá trong PBGDPL.
Đề nghị Bộ Công an làm việc Bộ Tài chính lập dự toán bảo đảm kinh phí công tác PBGDPL theo Thông tư 56 để triển khai hiệu quả truyền thông về PBGDPL trong toàn ngành, quan tâm vùng sâu, vùng xa, đối tượng đặc thù.
Với thế mạnh của Bộ Công an, Thứ trưởng cũng đề nghị có kế hoạch xây dựng mô hình điểm về truyền thông PBGDPL, tập trung nguồn lực, sự lãnh đạo, chỉ đạo để tổng kết, đánh giá nhân rộng mô hình hiệu quả trong toàn quốc.
Thứ trưởng cũng ghi nhận kiến nghị của Bộ Công an trong việc đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PBGDPL.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định vai trò quan trọng của công tác PBGDPL trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Công an.
Đáp từ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định vai trò quan trọng của công tác PBGDPL trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Công an; đồng thời cho biết lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực công tác này. Với sự nỗ lực của toàn ngành, công tác PBGDPL đạt nhiều kết quả quan trọng. Thứ trưởng cám ơn Đoàn kiểm tra đã có những tham gia, đóng góp ý kiến, Bộ Công an sẽ tiếp thu và mong tiếp tục nhận được sự phối hợp trong thời gian tới.
Bình An