Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực NN&PTNT luôn là công tác trọng tâm được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Hội nghị này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, chất lượng xây dựng thể chế trên tinh thần cầu thị, góp ý giữa hai Bộ, từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng thể chế thời gian qua của Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin rằng với những kinh nghiệm thực tế và chuyên môn sâu sắc, Bộ Tư pháp cùng các cơ quan pháp chế sẽ có những ý tưởng, góp ý, tư vấn xây dựng văn bản, truyền thông chính sách trong lĩnh vực NN&PTNT.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo Báo cáo Hội nghị, Bộ NN&PTNT là một trong các bộ đã thành lập tổ chức pháp chế hoạt động bài bản, đúng Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Năm 2023, Bộ đã trình Chính phủ 3/6 dự thảo Nghị định; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành 13 Thông tư. Về công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, hai bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của hai bộ.
Về công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2023, Bộ NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền 200 văn bản do HĐND, UBND các tỉnh, thành phố ban hành liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ. Kết quả chưa phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị.
Công tác truyền thông chính sách cũng được Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm chú trọng. Năm 2023, Bộ đã ban hành 01 Quyết định về phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông, tiếp thị chính sách và phê duyệt 01 Đề án về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Bộ đã rà soát, kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Đến nay có 133 cá nhân được công nhận là báo cáo viên Trung ương.
Trong thời gian qua, Bộ Tư pháp và Bộ NN&PTNT thường xuyên phối hợp trong việc thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực NN&PTNT cũng còn những tồn tại, hạn chế như: việc xử lý văn bản tồn đọng còn chậm, muộn, tiến độ xây dựng văn bản chưa đảm bảo; việc xử lý các văn bản theo Kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp còn chưa thực sự chủ động; kết quả xử lý sau rà soát còn chậm; việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng và dự thảo VBQPPL hiệu quả còn hạn chế; việc ứng dụng các công cụ, mô hình truyền thông hiện đại chưa được chú trọng,...
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT.
Tại Hội nghị, đại diện một số đơn vị của Bộ NN&PTNT đã thẳng thắn trao đổi một số khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật, đó là yêu cầu rất cao sự hiểu biết về luật pháp cũng như kiến thức chuyên ngành, áp lực về thời gian; về khó khăn khi có những vấn đề chưa thống nhất giữa các Bộ, ngành; khó khăn trong quá trình lấy ý kiến vào dự thảo văn bản; về ứng dụng công nghệ thông tin…
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái.Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Nguyễn Chi Lan.Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức.
Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT thời gian qua, đồng thời làm rõ, giải đáp, đề xuất nhiều vấn đề về xây dựng văn bản quy định chi tiết, nâng cao tính chủ động trong những luật chủ trì và cả không chủ trì; nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế; hiệu quả công tác phối hợp, truyền thông chính sách; một số lưu ý trong theo dõi thi hành pháp luật cũng như hợp tác quốc tế; về xử phạt hành chính trong một số lĩnh vực thuộc quản lý của Bộ NN và PTNT; việc kiểm tra, rà soát văn bản theo thẩm quyền; những khó khăn trong thi hành án tài sản là tàu cá theo Nghị định 67/CP…
Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị chuyên sâu về công tác xây dựng thể chế trong lĩnh vực NN&PTNT. Qua đó, thể hiện sự quan tâm một cách thực chất, cụ thể, mong muốn có giải pháp về xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ làm pháp chế của Bộ NN&PTNT.
Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực trong công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua, măc dù vẫn còn nhiều khó khăn cả về số lượng và tính chất phức tạp. Khó khăn đến từ những quy định của chính sách, từ thực tiễn thực thi, từ quá trình thi hành Luật ban hành Văn bản QPPL; Bộ Tư pháp sẽ ghi nhận, cố gắng tối đa để xem xét, tháo gỡ từng nội dung, từng vấn đề.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhất trí đối với những kiến nghị của Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp để tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết về thời hạn, thời gian có hiệu lực của văn bản để đề xuất thời gian trình phù hợp.
Trong thời gian tới, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục kiến nghị và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác rà soát văn bản. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ chính của các bộ, ngành, cần sự chủ động, tích cực thực hiện để đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, Bộ tư pháp đang tiến hành tổng kết Luật ban hành VBQPPL trên cơ sở báo cáo của bộ, ngành, địa phương để đề xuất sửa đổi Luật trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu ý kiến của Bộ NN&PTNT trong quá trình xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi)...
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Thu Nga - Trung tâm Thông tin