Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, cơ bản các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Đề án, trong đó có 34 ý kiến nhất trí hoàn toàn với nội dung dự thảo Đề án. Hầu hết các ý kiến nhất trí với bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Đề án.
Theo đó, Cục PBGDPL đã tiếp thu và giải trình một số ý kiến từ các bộ, ngành trung ương và địa phương liên quan đến các vấn đề như: mục tiêu tổng quát của Đề án, mục tiêu cụ thể của Đề án, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, tổ chức thực hiện và dự thảo Tờ trình Đề án.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên báo cáo tại buổi làm việc. Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ và đại diện Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cơ bản nhất trí với dự thảo Đề án và dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự buổi làm việc cũng đã phát biểu góp ý về một số nội dung để hoàn thiện Đề án như: Việc triển khai các giải pháp để nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Pháp điển điện tử đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp; làm rõ hơn về các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Đề án; mục tiêu, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng của công tác PBGDPL trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong Đề án; nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL...
Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc phát biểu tại buổi làm việc. Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc tiếp thu các ý kiến các đại biểu tham dự, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề án. Đồng chí Lê Vệ Quốc đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp để hoàn thiện các nội dung của Đề án.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại buổi làm việc. Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao Cục PBGDPL trong công tác nghiên cứu, chuẩn bị công phu, có chất lượng dự thảo Đề án.
Thứ trưởng cho rằng, Đề án cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số nhằm góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL. Từ đó, Thứ trưởng chỉ ra một số giải pháp chủ yếu có thể đưa vào Đề án như: Kho dữ liệu PBGDPL cần được phân cấp quản lý, đảm bảo dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống”; hướng tới đưa Cổng Phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia trở thành trung tâm dữ liệu về PBGDPL để các bộ, ngành trung ương và địa phương khai thác; tăng cường, đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện trên kho dữ liệu PBGDPL đề người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng; nghiên cứu, bổ sung các nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện Đề án chất lượng, hiệu quả.
Thứ trưởng đề nghị, Cục PBGDPL tiếp tục nghiên cứu, phối hợp các đơn vị liên quan, đảm bảo tiến độ, chất lượng của Đề án; nhanh chóng tổ chức lấy ý kiến dự thảo bằng văn bản tới các đơn vị có liên quan để hoàn thiện Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ.
Một số hình ảnh khác tại buổi làm việc:
N.H - Cổng TT Bộ Tư pháp