Thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật Bảo hiểm y tế đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần được điều chỉnh về đối tượng tham gia, phạm vi được hưởng của bảo hiểm y tế; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng bảo hiểm y tế…
Đồng chí Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.
Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế là cần thiết để bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung sẽ tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở và hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Bổ sung một số đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm y tế
Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi, thảo luận các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế. Về đối tượng được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí vận chuyển giữa các cơ sở khám bệnh chữa bệnh trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú có chỉ định phải chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đại diện Bệnh viện Bạch Mai đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét bổ sung đối tượng là các sỹ quan công an, quân đội cơ yếu đang hưởng lương hưu để đồng bộ, thống nhất với khoản 9 Điều 1 của dự thảo Luật.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện nay dự thảo đang quy định 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm của những lần đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 Luật này lớn hơn tháng lương cơ sở. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người bệnh như hiện hành, đồng chí đề nghị bổ sung thêm các trường hợp khám bệnh trong trong trường hợp cấp cứu (bất khả kháng), khám lại theo hẹn trước đó được chuyển tuyến, đặc biệt là các trường hợp bệnh nặng như K, chạy thận... sử dụng giấy chuyển tuyển một lần vào nhóm đối tượng trên.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá các nội dung được đề xuất sửa đổi khá rộng, vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động tài chính một cách đầy đủ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Về giám định bảo hiểm y tế, đồng chí cho biết, dự thảo Luật có đánh giá giám định bảo hiểm y tế là hoạt động đặc trưng trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh, người hành nghề, chất lượng dịch vụ y tế và quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên Luật Bảo hiểm y tế hiện hành còn thiếu các quy định về nguyên tắc, cách thức, điều kiện thực hiện, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và bảo hiểm y tế… Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi toàn diện, thay đổi nội hàm công tác giám định; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác này.
Đại diện Bộ Quốc phòng.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có nhiều nội dung liên quan đến Luật Cơ yếu, Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ; do đó cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung, tránh chồng lấn. Cùng với đó, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tách riêng nội dung “Học viên quân đội nhân dân, học viên công an nhân dân người Việt Nam và người nước ngoài; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí người Việt Nam và người nước ngoài được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế” thành một điều khoản riêng để thống nhất với các quy định khác của dự thảo Luật.
Về việc đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung đối tượng trên vào nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng hoặc bổ sung vào nhóm do ngân sách nhà nước đóng, cụ thể tại điểm g “Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người từ đủ 70 đến 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng” để đảm bảo đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội.
Rà soát, quy định đầy đủ các đối tượng hỗ trợ bảo hiểm y tế
Phát biểu kết luận phiên thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của Bộ Y tế; đồng thời cho biết Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và thể hiện đầy đủ các ý kiến trong Báo cáo thẩm định. Theo Thứ trưởng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là một Luật khó, có tác động nhiều đến người dân, đặc biệt là các đối tượng khó khăn, yếu thế. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các khó khăn, vướng mắc của hoạt động bảo hiểm y tế trong thực tế để sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế một cách bài bản và đảm bảo phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.
Về sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát và thể chế hoá đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành trung ương khoá XII; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần giải trình về tỷ lệ phần trăm trong các điều khoản và đánh giá tác động của việc thanh toán các chi phí khi điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Về đối tượng hỗ trợ bảo hiểm y tế, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định đối tượng mới ngay tại dự thảo Luật; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát kỹ, đánh giá tác động cụ thể, đặc biệt là đến các đối tượng yếu thế. Đồng thời nghiên cứu quy định giao dự toán cho cơ quan bảo hiểm y tế; xây dựng cơ chế thống nhất quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và bảo hiểm y tế trong công tác giám định y tế; cân nhắc quy định thời gian thẩm định quyết toán năm đối với quỹ bảo hiểm y tế là trước ngày 01/10 năm sau; làm rõ quy định về phòng khám, cơ sở khám tư nhân.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin