Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chính phủ, trong đó có báo cáo về công tác thi hành án.
Hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự có nhiều chuyển biến tích cực
Trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, về công tác thi hành án, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết, năm 2024, hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng; việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế tiếp tục được tăng cường, công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân tại các trại giam đạt kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ thi hành xong về tiền còn đạt thấp. Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng tăng về việc nhưng giảm về số tiền.
Về công tác thi hành án hành chính, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong thi hành án hành chính, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi công tác thi hành án hành chính ở địa phương.
Song, kết quả thi hành án hành chính mới chỉ đạt 38,02%; số vụ án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng ngày càng tăng, nhiều trường hợp người phải thi hành án hành chính là cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước không tự nguyện thi hành, dẫn đến Tòa án phải ra quyết định buộc thi hành án.
Trong phát biểu tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác thi hành án nói chung, trong đó có công tác thi hành án dân sự trong kỳ báo cáo.
Về công tác thi hành án hành chính, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương nêu tình trạng tỷ lệ án hành chính bị huỷ chưa đạt do nguyên nhân chủ quan còn cao, trong đó có nguyên nhân phối hợp của các cơ quan hành chính, nhất là người đứng đầu trong tham gia giải quyết vụ án, thi hành án.
Các đại biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch QH đề nghị có chế tài để xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan hành chính không phối hợp, không cung cấp thông tin và không tự giác thi hành án, buộc Tòa phải quyết định thi hành án dân sự.
Kết quả thi hành xong về việc và về tiền đều tăng
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay, trong thời gian qua, công tác thi hành án có đặc điểm tình hình rất khác biệt, đó là số việc và số tiền thụ lý mới tăng rất cao.
Cụ thể, Bộ trưởng thông tin, thời gian qua, số việc thụ lý mới tăng 59.526 việc, tương ứng 11,3%; còn về tiền tăng trên 62.400 tỷ, tương ứng 41,88% số tiền.
Trong khi đó, biên chế của hệ thống thi hành án dân sự vẫn phải cắt giảm theo chủ trương chung, dẫn đến áp lực quá tải cho chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng, tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê, mỗi chấp hành viên 1 năm phải tổ chức thi hành tới 233 việc, với số tiền 127 tỷ đồng. Đây là một con số rất đáng suy nghĩ trong việc thực thi nhiệm vụ với một áp lực công việc rất lớn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự và sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, kết quả thi hành án dân sự xong về việc là 465.462 việc, tăng 31.752 việc, tương ứng với 7,2%; số tiền đã thi hành xong là hơn 87.000 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng, tương đương 13,06% so với cùng kỳ năm 2023.
“Chúng tôi dự kiến rằng, tới báo cáo chính thức 12 tháng, chúng tôi sẽ đạt và vượt chỉ tiêu được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nêu rõ.
Liên quan đến ý kiến của Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương về công tác thi hành án hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho rằng, đây là ý kiến hoàn toàn chính xác và đúng với thực tiễn.
Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Chính phủ để có những biện pháp đổi mới hơn, quyết liệt hơn để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính
Minh Khôi