Chuyển biến tích cực trong hoạt động chuyển đổi số của Bộ, ngành
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, sau cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp vào ngày 20/10/2023, Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị thuộc Bộ đã bám sát Kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Thành Long, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế: Bộ Tư pháp đã ban hành các Quyết định quan trọng về Kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0; Tổ chức 1 hội nghị và 2 tọa đàm về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; Triển khai Quyết định số 58/QĐ-UBQGCĐS về Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Ngành Tư pháp.
Đồng chí Phạm Đức Dụ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin báo cáo tại cuộc họp.
Về cung cấp dịch vụ công, đến nay, Bộ Tư pháp đã kết nối 58/69 dịch vụ công với Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 24 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; Triển khai 4/4 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, thu nhận hơn 1,3 triệu hồ sơ liên thông khai sinh và khai tử; Triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.
Về hoạt động số hóa, phát triển dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu: Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai các nhiệm vụ xây dựng thể chế thúc đẩy các nhiệm vụ về số hóa, tạo lập dữ liệu số; đồng thời, chú trọng tập trung nguồn lực xây dựng; Phát triển CSDL Hộ tịch điện tử với hơn 93 triệu dữ liệu; Triển khai Cổng dữ liệu mở của Bộ Tư pháp.
Đồng thời, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai và hoàn thiện Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của Ngành Tư pháp; Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống CNTT của Bộ Tư pháp; Triển khai Kế hoạch nâng cao Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bộ Tư pháp; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn Ngành Tư pháp.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số Bộ Tư pháp vẫn còn gặp một số khó khăn như: Hầu hết các đơn vị chưa tuyển dụng và bố trí được biên chế chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; nhân sự chuyên trách chưa được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ các kỹ năng cần thiết; nhận thức về chuyển đổi số của một số đơn vị, cán bộ chưa theo kịp yêu cầu, chưa chủ động ứng dụng công nghệ; khối lượng nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số rất lớn, đòi hỏi tiến độ gấp, trong khi nguồn lực triển khai (nhân lực, kinh phí) chưa được bổ sung tương xứng...
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel chia sẻ tại cuộc họp.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng trong quản lý nhà nước
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe kiến nghị, đề xuất trong việc triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành Tư pháp của đại diện Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel; kết quả triển khai thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên nền tảng VNeID và kế hoạch nhân rộng toàn quốc của Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Nguyễn Văn Bốn; lộ trình và kết quả thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải. Đồng thời, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành Tư pháp đã đóng góp, cho ý kiến đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với từng lĩnh vực cụ thể…
Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Nguyễn Văn Bốn trình bày kết quả triển khai thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên nền tảng VNeID và kế hoạch nhân rộng toàn quốc. Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải nêu lộ trình và kết quả thực hiện số hóa dữ liệu Hộ tịch.
Trong cuộc họp, Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu đã trình bày, cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo một số kinh nghiệm trong chuyển đổi số tại các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức khác. Đồng chí nhấn mạnh, "chuyển đổi số thành công hay không 70% là phụ thuộc vào người dùng". Đồng chí cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong cuộc họp, trên cơ sở đó Cục Công nghệ thông tin sẽ tham mưu, đề xuất cho Lãnh đạo Bộ để thực hiện hiệu quả hơn công tác chuyển đổi số của Bộ, ngành trong thời gian tới.
Quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Phạm Quang Hiếu phát biểu tại cuộc họp.
Về giai đoạn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, Cục Công nghệ thông tin đã phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính để hướng dẫn các đơn vị đánh giá hiện trạng và đề xuất nhu cầu, từ đó có đánh giá sâu và hiệu quả hơn. Đồng thời, Cục Công nghệ thông tin sẽ tiến hành tổ chức Hội nghị nhằm hướng dẫn công việc này cho các đơn vị thực hiện thống nhất, đồng bộ, kịp tiến độ trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhận định, qua đánh giá thực trạng và so với yêu cầu của Chính phủ về Chính phủ số, Chính phủ điện tử, Bộ Tư pháp cần phải nỗ lực và cố gắng hơn nữa. Thứ trưởng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức của Bộ Tư pháp cần phải nhận thức rõ vấn đề chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình và tập trung triển khai ngay, đồng thời đề cao trách nhiệm và sự quyết liệt của người đứng đầu đơn vị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Cục Công nghệ thông tin, đơn vị Thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo cần chủ động phối hợp với các đơn vị, tham mưu, đề xuất phương án thực hiện cụ thể cho Lãnh đạo Bộ. Bên cạnh đó, Cục Công nghệ thông tin cần tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm giới thiệu về các mô hình, công nghệ mới nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nghiên cứu cơ chế, tổ chức bộ máy, rà soát kỹ lại vấn đề nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng,..
Thứ trưởng Mai Lương Khôi phát biểu kết luận phiên họp.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị lãnh đạo các đơn vị xác định rõ nhu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình cũng như các điều kiện đảm bảo để đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong đó đánh giá kỹ tính khả thi của các giải pháp để thực hiện hiệu quả.
Một số hình ảnh tại cuộc họp:
Đại diện Lãnh đạo các đơn vị đóng góp, cho ý kiến đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số./. Thu Nga