Sign In

Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

15:44 17/01/2024
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Sáng 17/01, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024.

Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

 

Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có: Đồng chí Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam; đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ

quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Trần Xuân Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ; đồng chí Bùi Đức Việt, Phó trưởng Ban Dân vận, Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương.

Về phía Bộ Tư pháp có: Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư thường trực Đảng Ủy Bộ Tư pháp; đồng chí Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu là đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.

 

Quang cảnh Hội nghị
 
Bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp đã đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng; cải cách tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 

Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội nghị
 

Coi công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được coi là một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII của Đảng; luôn được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, dành nhiều thời gian, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc giúp Chính phủ lập đề nghị, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; phối hợp Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, thảo luận và cho ý kiến đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại các Phiên họp thường kỳ, Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 16 luật, 03 Nghị quyết quy phạm; xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 11 văn bản quy phạm pháp luật.

Kịp thời kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được Bộ Tư pháp quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, theo các đợt, các kế hoạch rà soát chuyên đề; kịp thời nhận diện, đánh giá các mâu thuẫn, vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét, xử lý trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Cụ thể, năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.492 văn bản; tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành tại các bộ, ngành, địa phương và kiểm tra theo địa bàn tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, giúp Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khóa XV; hoàn thành việc xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam, vượt tiến độ 01 năm so với thời hạn đề ra và tổ chức triển khai thực hiện hệ thống hóa VBQPPL thống nhất trong cả nước kỳ 2019 - 2023 nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận, quản lý, tra cứu, áp dụng quy định của pháp luật.

Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm

Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Kế hoạch, Đề án PBGDPL đã được ban hành; thường xuyên đổi mới, bám sát yêu cầu đời sống thực tiễn, lấy người dân là trung tâm thụ hưởng để tham mưu hoàn thiện thể chế và coi công tác PBGDPL là giải pháp thúc đẩy việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm, chú trọng triển khai đạt hiệu quả cao; tích cực tham mưu tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 với các nội dung và hình thức đa dạng, nhất là Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thành công Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV...

Công tác THADS, THAHC đều đạt kết quả cao

Công tác thi hành án dân sự tiếp tục được Bộ Tư pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện các Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng... Nhờ đó, công tác THADS đạt kết quả năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Cụ thể, năm 2023, các cơ quan THADS đã thi hành xong 575.667 việc, tăng 36.377 việc (tăng 6,75%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 83,24% (tăng 0,74%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,74% so với chỉ tiêu được giao; về tiền: Đã thi hành xong hơn 89.505 tỷ đồng, tăng 14.264 tỷ đồng (tăng 18,96%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 46,44% (tăng 1,03%) so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 0,94% so với chỉ tiêu được giao. Tính riêng kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc (tăng 19,47%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 67,10% (giảm 2,08%) so với cùng kỳ năm 2022; về tiền đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng, tăng 4.415 tỷ đồng (tăng 27,62%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt tỉ lệ 41,11% (tăng 4,43%) so với cùng kỳ năm 2022.

Công tác theo dõi thi hành án hành chính cũng tiếp tục được cơ quan THADS thực hiện nghiêm, trách nhiệm, chức năng theo dõi THAHC theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và các khuyến nghị qua hoạt động giám sát của Quốc hội; qua đó nâng cao kết quả THAHC năm 2023.

Các mặt công tác khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về pháp luật… đều đạt kết quả đáng ghi nhận.

Triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở

Việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được Lãnh đạo Bộ, các đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc. Qua tổng kết thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2023 cho thấy, hầu hết các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đã được điều chỉnh bằng các quy chế, quy định; quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được bảo đảm; cán bộ, công chức, viên chức được tham gia, được biết, được giám sát hoạt động của Bộ, ngành trong những vấn đề có liên quan và theo quy định của pháp luật. Các quy định về dân chủ cơ sở đã được tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, góp phần tăng cường nhận thức cho cán bộ, đảng viên, tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở hơn trong cơ quan Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ; bảo đảm mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị được biết và được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với cơ quan, đơn vị, qua đó tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và của toàn Ngành thời gian qua.

Nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa quan trọng của dân chủ và thực hành dân chủ trong hệ thống cơ quan Bộ Tư pháp

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình kinh phí hoạt động năm 2023; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp năm 2023; báo cáo về kết quả công tác cán bộ của Bộ Tư pháp năm 2023; báo cáo công tác đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Công đoàn Bộ Tư pháp năm 2023; báo cáo kết quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cơ quan Bộ Tư pháp năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2023; đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường thực hiện dân chủ, tạo không khí, môi trường làm việc thuận lợi để mỗi công chức, viên chức, người lao động cống hiến, làm việc là cực kỳ quan trọng.

 

Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
 

Thứ trưởng cho biết thêm, dự báo tình hình quốc tế và trong nước năm 2024 tiếp tục có những thuận lợi và cả khó khăn, thách thức đan xen; Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nhận được sự kỳ vọng lớn hơn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân nên khối lượng công việc với yêu cầu về chất lượng, tiến độ, tính phức tạp cũng như trách nhiệm sẽ ngày càng cao. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác năm 2024, Thứ trưởng đề nghị cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống cơ quan Bộ Tư pháp, nhất là người đứng đầu, về vai trò, ý nghĩa quan trọng của dân chủ và thực hành dân chủ; thực hiện nghiêm, hiệu quả các Quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của Bộ, của đơn vị về thực hành dân chủ, Nghị quyết của Hội nghị thông qua hôm nay và thường xuyên có rà soát, đánh giá thực hiện để làm tốt hơn. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình, nhất là trong bối cảnh tình hình mới khi chính sách về cải cách tiền lương sẽ có hiệu lực từ 01/07/2024, qua đó động viên, khích lệ, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, cống hiến. Quyết tâm những quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được giải quyết đúng pháp luật.

Thứ hai, nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ Bộ Tư pháp, tổ chức công đoàn, Thanh tra nhân dân; sớm xây dựng Kế hoạch, Chương trình công tác năm, trong đó bám vào các nội dung đã được thảo luận tại Hội nghị; qua đó đưa công tác dân chủ ngày càng thực chất hơn.

Thứ ba, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dân chủ tại Bộ Tư pháp đã được chỉ ra tại Hội nghị cần Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo đơn vị nhận thức đúng và nghiêm túc có kế hoạch cụ thể khắc phục, làm tốt hơn.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cần đổi mới việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công việc của Bộ và từng đơn vị; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ; tăng cường tính dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch hoạt động của Bộ và đơn vị;…

Thứ trưởng hy vọng, với truyền thống vượt khó khăn, trách nhiệm trong công việc và luôn nỗ lực, cố gắng trong công việc, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, từng đơn vị và Bộ Tư pháp sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, góp phần thiết thực vào thành công chung của đất nước.

 





 








 
Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Thanh tra nhân dân nhiệm kỳ 2024-2025 và trao các danh hiệu, khen thưởng: Cờ thi đua ngành Tư pháp; Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”; giải thưởng “Gương mặt của năm”; Cờ thi đua và Bằng khen của Công đoàn Viên chức Việt Nam cho các tập thể và cá nhân.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:
 















 
Anh Thư, Thu Nga - Trung tâm Thông tin


Tag: