Mục đích của Chương trình nhằm tăng cường phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ NNPTNT để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền.
Chương trình đặt ra yêu cầu: Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi ngành; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Chương trình phối hợp phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thường xuyên với hình thức đa dạng, phong phú, đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Chủ động, tích cực, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động phối hợp.
Về hình thức phối hợp, hai bên sẽ ban hành các văn bản phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững. Thường xuyên trao đổi trực tiếp bằng văn bản, điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác.
Tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn khảo sát hoặc kiểm tra liên ngành liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Triển khai các mô hình thí điểm, các giải pháp cụ thể liên quan đến lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thuộc chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và các hình thức phối hợp khác theo quy định của pháp luật.
Nội dung phối hợp chính là tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp số 01/CTPH- BNN&PTNT-BVHTTDL ngày 20/11/2020 giữa 2 Bộ trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và bền vững, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Bộ NNPTNT và Bộ VHTTDL thống nhất tăng cường công tác phối hợp thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thống nhất trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương.
Đặc biệt là triển khai đưa nội dung phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vào triển khai thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố đảm bảo tính đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường cũng như khai thác các nguồn lực từ xây dựng nông thôn mới cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững.
Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Đảng, Nhà nước về phát triển du lịch. Cụ thể là Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025...
Tổ chức truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị, bao trùm và bền vững; đa dạng hóa các hình thức truyền thông nhằm thay đổi tư duy khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn, xây dựng, phổ biến các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả.
Hỗ trợ các địa phương phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn đa dạng, chất lượng với các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng vùng, miền, khai thác lợi thế nổi bật của khu vực nông thôn về tiềm năng nông nghiệp, cảnh quan sinh thái, văn hóa truyền thống.
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên khai thác liên kết chuỗi giá trị du lịch và nông nghiệp, đa dạng tính trải nghiệm, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước, hình thành các tour, tuyến du lịch đưa khách về khu vực nông thôn.
Hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý, kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho nhân lực du lịch nông thôn, từng bước hướng tới chuyên nghiệp, hiệu quả.
Phối hợp triển khai các kế hoạch, chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến, giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; lồng ghép, phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch; hỗ trợ xây dựng, phát triển, định vị thương hiệu điểm đến và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy kết nối du lịch nông nghiệp, nông thôn với hoạt động lữ hành, tăng cường thu hút khách du lịch về nông thôn.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về du lịch nông thôn, như: hệ thống tài nguyên du lịch nông nghiệp, nông thôn; điều tra số liệu, chi tiêu của khách tại khu vực nông thôn; hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và các nội dung liên quan, làm cơ sở cho việc quản lý, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phối hợp tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý điểm đến, quản lý chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững. Trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tài liệu trong thực hiện công tác; tổ chức khảo sát, làm việc và hướng dẫn các địa phương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Về tổ chức thực hiện, Bộ NNPTNT giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Bộ VHTTDL giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam làm đầu mối, là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo 2 Bộ xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, triển khai thực hiện, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phối hợp này.
Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở NNPTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình này; căn cứ điều kiện thực tiễn, tổ chức xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp để triển khai thực hiện các nội dung về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024- 2030.
Hàng năm, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện 2 Bộ luân phiên chủ trì phối hợp với các đơn vị của 2 Bộ đánh giá kết quả phối hợp thực hiện Chương trình, báo cáo lãnh đạo 2 Bộ; hằng năm tổ chức sơ kết việc thực hiện Chương trình./.