Sign In

Các địa phương cần tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo

18:25 05/06/2024
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch và doanh nghiệp lớn đầu tư và tạo ra được các sản phẩm độc đáo.

Chiều 5/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao vào du lịch.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang chia sẻ, hiện nay, một số sản phẩm du lịch có hiện tượng lai căng, sao chép đặc trưng của nước ngoài, mặc dù thu hút được một bộ phận khách du lịch và tạo ra lợi nhuận tuy nhiên về lâu dài sẽ tạo ra hệ lụy làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng bản sắc dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và những giải pháp để khắc phục?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo - Ảnh 1.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian qua thực hiện Nghị quyết 82 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 08 của Bộ Chính trị, trong đó Thủ tướng đã xác định: sản phẩm du lịch độc đáo, môi trường du lịch văn minh, thân thiện, giá cả phải cạnh tranh và phải hợp tác, liên kết để phát triển du lịch.

Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi thực hiện Nghị quyết 82 và Chỉ thị 08, tình hình du lịch của nước ta đã được cải thiện.

Tổng số khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 7,6 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 352,2 nghìn tỷ đồng. Bộ sản phẩm du lịch hiện được nhận diện và đang áp dụng là đi đúng hướng.

"Ví như du lịch biển đảo là một hướng đi rất đúng, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng và nhiều sản phẩm du lịch khác… đều là hướng đi phù hợp.

Còn ở đâu đó có một vài sản phẩm cá biệt thì sẽ thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh trong thời gian tới.

Nhưng chúng ta không nên quá khắt khe, bởi đây là sự giao lưu về văn hóa. Những gì tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại thì cần tiếp thu để bổ sung và làm giàu cho văn hóa Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, ngành du lịch có sự phục hồi và phát triển rất tích cực, khách du lịch quốc tế cũng như nội địa đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị nói chung, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch nói riêng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chưa xây dựng đồng bộ hóa và liên thông cơ sở dữ liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa ngành du lịch với các ngành khác.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp giải quyết vấn đề này để ngành du lịch phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo - Ảnh 3.

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Song An, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong nền kinh tế số, rõ ràng ngành du lịch càng phải chuyển đổi. Chính vì vậy, để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian qua, ngành du lịch đã đề xuất và cũng đã được Chính phủ, Quốc hội bố trí cho một dự án về chuyển đổi số trong du lịch và Bộ đang triển khai.

Tuy nhiên, nguồn vốn cho dự án này chỉ trong hai năm, nên Bộ cũng đã báo cáo với Chính phủ cho phép lồng ghép vào nguồn vốn đầu tư công để có thể triển khai thực hiện, tránh lãng phí nguồn vốn ban đầu.

Bộ VHTTDL cũng chủ động phối hợp với Bộ Công an, làm việc với bộ phận triển khai Đề án 06 để tích hợp, kết nối dữ liệu từ đó đánh giá, phân tích thông tin về khách du lịch để có chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó là nâng cấp các website hiện có của ngành và kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung để thực hiện.

"Bộ VHTTDL xác định không thể đứng ngoài cuộc mà phải tranh thủ thành tựu của chuyển đổi số để phát triển du lịch", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Các địa phương cần tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển chậm hơn so với bản đồ du lịch quốc gia. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phát triển du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Trả lời đại biểu về các giải pháp phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và ngành kinh tế tổng hợp. Do đó có nhiều giải pháp phát triển lĩnh vực này.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 6 vùng kinh tế theo nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, trong đó, đều xác định các tuyến, trục, khu vực kết nối trong lĩnh vực du lịch, dựa trên kết nối giao thông là kết nối trọng yếu để phát triển các ngành dịch vụ khác.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Các địa phương cần tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo - Ảnh 4.

Quang cảnh phiên chất vấn chiều 5/6.

Đối với đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch đã đề cập đến các sản phẩm du lịch có lợi thế của vùng sông nước, như du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, trải nghiệm về thiên nhiên, cảnh quan và văn hóa bản địa. Những sản phẩm đó hiện nay đang được nhận diện, thu hút khách du lịch, còn nhiều điểm phát triển tốt và trở thành thương hiệu. Mỗi một vùng quê của khu vực này có một sản phẩm và quan điểm mỗi tỉnh có sản phẩm đặc sắc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian tới cần liên kết, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh – điểm đầu tàu để liên kết giữa đồng bằng sông Cửu Long với miền Đông Nam Bộ; liên kết các sản phẩm du lịch thông qua kết nối tour, tuyến và xây dựng các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng được du khách.

"Hy vọng với cách tiếp cận như vậy, chúng ta dần dần thúc đẩy vùng có nhiều tài nguyên về du lịch chưa được đánh thức", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương tập trung giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch và doanh nghiệp lớn đầu tư và tạo ra được các sản phẩm độc đáo.

Xuân Trường - Thế Công

Tag:

File đính kèm