Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương
Tại phiên họp, đa số các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Thường vụ Quốc hội rất quan tâm chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. "Đây là việc chúng ta bàn các giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Đảng và đặc biệt là phát biểu quan trọng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021" - nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đến nay, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đến văn hóa nhiều hơn, có chuyển biến nhận thức để chăm lo cho sự phát triển văn hóa của đất nước, như cố Tổng Bí thư nói "Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất".
Về nội dung Chương trình, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội nghị Trung ương 10 đã quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Do đó, Chương trình cần đầu tư theo hướng mới là phân cấp, phân quyền, cụ thể việc gì Trung ương làm, việc gì địa phương làm. Theo đó, Trung ương chỉ giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, định hướng cho địa phương.
"Tôi thấy Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện quyết tâm này, tuy nhiên, đề nghị tiếp tục quán triệt, thể hiện rõ trong báo cáo khả thi" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập, tại kỳ họp thứ 7, hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình được thiết kế gồm 7 mục tiêu tổng quát, 9 mục tiêu đến năm 2030 và 9 mục tiêu cụ thể đến năm 2035 và 153 chỉ tiêu chi tiết. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu tổng quát đã được chỉnh lý theo hướng tránh trùng lắp với các chương trình, dự án đã được phê duyệt hoặc đang triển khai; mục tiêu tổng quát đã có sự khái quát hơn, các mục tiêu cụ thể phù hợp, logic hơn với các mục tiêu tổng quát.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục rà soát để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, mục tiêu tổng quát phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa con người Việt Nam. Hệ thống các mục tiêu, cụ thể hóa đầy đủ các nội hàm, mục tiêu tổng quát phải thể hiện có trọng tâm, trọng điểm.
Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài - gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta tăng cường hội nhập quốc tế
Nêu ý kiến về vấn đề Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, ông hoàn toàn đồng tình, nhất trí với các chủ trương phát triển các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay chúng ta đã có 2 trung tâm là ở Pháp và Lào. Bước đầu những trung tâm này đang hoạt động có hiệu quả.
"Chúng tôi cho rằng với Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài ngoài việc góp phần duy trì bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài một phần nhiệm vụ rất lớn đó là giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài và qua đó gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta tăng cường hội nhập quốc tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại" - ông Vũ Hải Hà nhấn mạnh.
Bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã thể hiện, tuy nhiên, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc thì cho rằng, cần làm rõ thêm về nội hàm thống nhất trong đa dạng văn hóa.
"Nền văn hóa muốn tiên tiến, đậm đà thì cần phải thống nhất, cần có sự đa dạng, riêng biệt. Sự đa dạng, riêng biệt cần được thể hiện rõ nét và có chính sách cụ thể"- ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu quan điểm.
Nêu ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ thống nhất với sự cần thiết đầu tư chương trình. Tại thời điểm hiện nay việc đầu tư Chương trình đã có đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hồ sơ của Chương trình đã đáp ứng yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Về kinh phí thực hiện chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động bố trí các nguồn lực thực hiện chương trình đảm bảo khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách. Về cơ chế quản lý điều hành, cần quán triệt nguyên tắc phân cấp tối đa cho địa phương. Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc phân cấp tối đa cho địa phương trong quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và tổ chức triển khai thực hiện chương trình.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đầu tư với quản lý nhà nước, quản trị quốc gia về phát triển văn hóa
Tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định trong quá trình xây dựng Báo cáo Khả thi sẽ đặc biệt lưu ý đến những vấn đề các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu ra ngày hôm nay. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát tổng thể về các mục tiêu, các chỉ tiêu để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất. Đồng thời, đề xuất những công trình, những dự án đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm.
"Trong Chương trình cũng chỉ đề xuất để xây dựng những công trình văn hóa, thể thao mang tính trọng điểm quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt chứ không phải đầu tư một cách dàn trải hoặc thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vấn đề này chúng tôi sẽ cam kết có nghiên để trình với Chính phủ báo cáo khả thi theo đúng tinh thần chỉ đạo. Nguyên tắc mà cơ quan soạn thảo cũng quán triệt đó chính là phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương và trung ương sẽ chịu trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, quản lý, điều hành cũng như kiểm tra, đôn đốc để triển khai thực hiện đối với các nội dung đã được Quốc hội thông qua" - Thứ trưởng cho hay.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Thường vụ đều đồng thuận, thống nhất cho rằng đây là Chương trình rất quan trọng, có nội dung rất rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và toàn bộ đời sống xã hội.
Chương trình có tính đột phá sẽ cụ thể hóa, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa cũng như tư tưởng hiến định, mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa tại Điều 41 của Hiến pháp năm 2013. Chương trình được thực hiện sẽ góp phần rất tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh và hồn cốt của dân tộc.
Đánh giá cao tính chủ động của cơ quan soạn thảo, thẩm tra, để hoàn thiện Chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu tiếp tục rà soát mục tiêu của chương trình, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ của từng giai đoạn, bảo đảm tính khả thi, có tính chất đột phá, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bố trí nguồn lực của chương trình một cách trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng việc thiết kế các chương trình, nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, đảm bảo tính quy mô, khả thi; khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án cụ thể, bảo đảm phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn lực của quốc gia, phát huy mạnh mẽ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân. Tiếp tục phát triển các cuộc vận động xã hội, thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát triển các lĩnh vực trong phát triển văn hóa, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, trong đó quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa đầu tư với quản lý nhà nước, quản trị quốc gia về phát triển văn hóa./.