Chiều 27.11, nằm trong chuỗi các hoạt động của tuần lễ Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị Xúc tiến du lịch năm 2024.
Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) và các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng.
Hà Tĩnh nằm trên tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung” với nhiều tiềm năng về du lịch biển, du lịch văn hoá lịch sử, văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng... Trong đó, có nhiều bãi tắm đẹp, hấp dẫn như: Xuân Thành, Xuân Hải, Chân Tiên, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim, thác Vũ Môn, hồ Ngàn Trươi, Hoành Sơn Quan…; nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị được UNESCO vinh danh như: dân ca Ví, Giặm, Ca trù…
Mảnh đất Hà Tĩnh còn là nơi có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, quê hương của nhiều danh nhân kiệt xuất, gắn liền với các di tích lịch sử - văn hóa như: chùa Hương Tích, đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, đền Chợ Củi, đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi; các khu di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Ngã ba Đồng Lộc, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác...
Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, ngành du lịch Hà Tĩnh đã có sự phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng cũng như sản phẩm dịch vụ du lịch.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã xác định “Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định “Du lịch là 1 trong 4 ngành trọng điểm, trụ cột trong phát triển của tỉnh”. Vì vậy, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương phát triển du lịch bền vững.
Các hoạt động kích cầu du lịch diễn ra khá sôi động, thu hút lượng lớn du khách về trên địa bàn, nhất là trong dịp quý 3, góp phần giúp ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành có thêm điều kiện phục hồi và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, đơn vị của Hà Tĩnh đã giới thiệu, quảng bá tiềm năng, các sản phẩm du lịch, dịch vụ và chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này; đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm hay để phát triển du lịch của địa phương.
Nhiều ý kiến của đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong và ngoài nước cho rằng: Hà Tĩnh cần tạo môi trường đầu tư, tập trung vào các hoạt động du lịch nông thôn mới; tuyên truyền, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về tiềm năng, các sản phẩm du lịch của địa phương; xây dựng các sản phẩm du lịch điểm nhấn, nổi bật để níu chân du khách, tăng lượng khách lưu trú; phát huy truyền thống văn hóa bản địa vào du lịch.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, Hiệp hội Du lịch các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch; Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Tĩnh ký kết biên bản hợp tác với Công ty CP Vận tải đường sắt Việt Nam.