Bám sát chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và tình hình thực tế tại địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện hương ước, quy ước: Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND ngày 19/9/2024 về việc Quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu" trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; ban hành Kế hoạch thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2024…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị, thành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 61/2023/NĐCP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; gắn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước vào hoạt động của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong kế hoạch chung về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; Rà soát, đánh giá về nội dung, quy trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại địa phương, kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp để định hướng sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế theo quy định tại Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ; Rà soát, kiểm kê, đưa tập quán xã hội tiêu biểu được ghi nhận trong hương ước, quy ước vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn và phát huy giá trị theo quy định.
Các huyện, thành, thị căn cứ văn bản chỉ đạo của tỉnh, ban hành đầy đủ văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xã, phường, thị trấn xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đảm bảo quy định. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đưa nội dung xây dựng và thực hiện quy ước trong kế hoạch thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và kế hoạch thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hằng năm. Nội dung của quy ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, đẩy mạnh khuyến học, duy trì và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần thực hiện chính sách dân số, bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội … Quy ước có vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư, đồng thời còn là công cụ thực hiện mở rộng, phát huy dân chủ ở cơ sở.
Tính đến tháng 10/2024, tổng số khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có: 2.328 khu dân cư. Tổng số quy ước hiện có: 2.328/2.328 khu dân cư (đạt tỷ lệ 100%). Tổng số quy ước đã được công nhận: 2.237/2.328 khu dân cư (đạt tỷ lệ 96,1%; trong đó 12/13 huyện, thị xã, thành phố đạt tỷ lệ 100% khu dân cư có quy ước; có 91 khu dân cư đã xây dựng quy ước đang trong thời gian đề nghị UBND cấp xã phê duyệt).
Công tác đánh giá thực hiện quy ước tại cơ sở được các địa phương lồng ghép thông qua: Các cuộc họp của khu dân cư; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hoặc tổng kết Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; đa số người dân ý thức, trách nhiệm trong giám sát, tự quản tại cộng đồng, góp phần thúc đẩy hoạt động Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Công tác gia đình phát triển, tạo động lực thi đua, phấn đấu giữa các địa phương.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến rõ nét, cụ thể:
Đối với việc cưới: Trong việc cưới, đã giảm các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, hầu hết việc kết hôn đều đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không còn hiện tượng ép hôn, tảo hôn, thách cưới. Nghi lễ tổ chức đám cưới được bố trí gọn nhẹ hơn, nhiều đám cưới được tổ chức trang trọng theo nếp sống mới, nhiều gia đình chỉ mời cơm trong phạm vi hẹp hoặc tổ chức báo hỷ bằng tiệc trà và không tiếp thuốc lá trong đám cưới.
Đối với việc tang: Các đám tang đều được tổ chức trang trọng theo phong tục địa phương, chấp hành tốt các quy định về nếp sống văn hoá, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được loại bỏ, không còn tình trạng thổi kèn thờ thâu đêm, khóc thuê, để người chết quá 48 giờ, hạn chế việc sử dụng vòng hoa, đốt mã, rải mã v.v…
Hoạt động lễ hội được chính quyền các địa phương quan tâm, chú trọng. Tại các lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội có nội dung phong phú, lành mạnh phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của lễ hội, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, bói toán, bốc thẻ, lên đồng, cờ bạc trá hình đều được xử lý kịp thời. Ngoài ra, quy ước còn góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường thực hiện phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình v.v… Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình và bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quy định trong quy ước; trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng đầy đủ, được đến trường học tập đúng độ tuổi; tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, thất học, bỏ học … đã được khắc phục. An ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; nhiều khu dân cư thành lập các tổ hòa giải, tổ liên gia tự quản hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cắp…), giữ vững ổn định chính trị xã hội tại các địa phương.
Nhìn chung, công tác phổ biến, quán triệt, quản lý, xây dựng, thực hiện quy ước được các cấp, các ngành quan tâm, gắn với việc thực hiện một số phong trào và cuộc vận động tại địa phương, cơ sở, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Việc xây dựng, thực hiện quy ước đã được triển khai toàn diện trên địa bàn tỉnh, các khu dân cư đã tổ chức biên soạn, xây dựng quy ước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.