Đến dự buổi lễ kỷ niệm có Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Trịnh Thị Thuỷ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.
Tại Lễ Kỷ niệm, TBT Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật Hoàng Hà đã báo cáo thành tích đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển của Tạp chí. 50 năm qua, Tạp chí đã công bố hàng vạn công trình và bài báo có hàm lượng khoa học cao, cùng với hơn 30 đầu sách biên soạn, tuyển dịch có giá trị, góp phần nghiên cứu, phát triển lý luận văn hóa, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành VHTTDL, nhất là trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế.
TBT Hoàng Hà cho biết, từ năm 2020, thực hiện quy hoạch Báo chí của Bộ VHTTDL, cơ cấu của Tạp chí Văn học Nghệ thuật có sự thay đổi với việc tiếp nhận 6 Tạp chí thuộc các Cục chuyên ngành văn hóa và Thư viện Quốc gia Việt Nam, nâng cao tầm của tạp chí trong giai đoạn mới.
Từ chỗ xuất bản 01/kỳ tháng, từ năm 2020, Tạp chí đã tăng lên 03 kỳ/tháng với màu sắc khác nhau: nghiên cứu, thông tin lý luận (duy trì thương hiệu truyền thống); xây dựng đời sống văn hóa và thế giới nghệ thuật. Đồng thời, xuất bản tạp chí điện tử từ tháng 8/2021 góp phần lan tỏa nội dung các kỳ tạp chí in và bám sát kịp thời các hoạt động của ngành VHTTDL.
Tạp chí luôn đạt điểm khoa học cao thuộc tốp đầu chuyên ngành Văn hóa do Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận, góp phần đắc lực phục vụ công tác quản lý, đào tạo nhân lực bậc cao cho ngành cũng như xã hội.
Cùng với đó, Tạp chí cũng mở một số hội thảo, tọa đàm gắn liền với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc… qua đó tập hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến, hoàn thiện chính sách về văn hóa.
Với những thành tích đạt được qua 50 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1993), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2017), Cờ thi đua của Chính phủ (2022) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
TBT Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cũng khẳng định, những thành tựu đạt được 50 năm qua của tạp chí Văn hóa nghệ thuật có sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí qua các thời kỳ; sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương cũng như các nhà khoa học, cộng tác viên.
Phát biểu tại lễ Kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho biết, nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã từng bước khẳng định được vị thế của mình, xứng đáng là Tạp chí hàng đầu về nghiên cứu, thông tin lý luận và thực tiễn về văn hóa, nghệ thuật và gia đình; là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa nghệ thuật đến bạn đọc.
Tạp chí đã cho công bố hàng vạn bài báo, công trình nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao về văn hóa, nghệ thuật, phụng sự đắc lực công tác quản lý nhà nước của Bộ, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, Tạp chí còn làm tốt việc chọn lọc, giới thiệu tinh hoa văn hóa nghệ thuật thế giới đến với bạn đọc. Các bài viết trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao vì vừa mang tính học thuật, lý luận nhưng đồng thời gắn liền với thực tiễn phong phú của đời sống văn hóa, nghệ thuật. Chính vì vậy, nhiều bài viết trên tạp chí đã trở thành cẩm nang cho các nhà quản lý văn hóa, những người thực hành văn hóa và những người nghiên cứu văn hóa.
Không chỉ ấn hành các số tạp chí định kỳ có chất lượng, Tạp chí còn biên soạn, xuất bản các đầu sách nhằm định hướng và làm sâu sắc thêm bản sắc, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, cung cấp, cập nhật những phương pháp nghiên cứu, lý luận văn hóa thế giới tới bạn đọc với hơn 30 đầu sách có chất lượng, được bạn đọc ghi nhận, đánh giá cao.
Đặc biệt, trải qua nửa thế kỷ, Tạp chí đã trở thành ngôi nhà chung của các nhà nghiên cứu, nhà báo tâm huyết ở các lĩnh vực chuyên sâu về văn hóa, nghệ thuật; được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật và báo chí.
Với vai trò, chức năng là cơ quan nghiên cứu, thông tin và lý luận về văn hóa, nghệ thuật và gia đình, trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, Tạp chí cần bám sát các nghị quyết của Đảng về văn hóa, nghệ thuật, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 cũng như các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ VHTTDL để tổ chức công tác nghiên cứu, xây dựng các tuyến bài gắn với nhiệm vụ Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN trong 40 năm qua ở Việt Nam. Kịp thời tổng kết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, đúc rút và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về văn hóa như: văn hóa và phát triển; văn hóa trong kinh tế; hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị gia đình Việt Nam… Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông chính sách, tư vấn và phản biện chính sách văn hóa, nghệ thuật chính xác, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL.
Thứ hai, Tạp chí cần tăng cường phối hợp, kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật và các cơ quan thông tấn báo chí khác; đặc biệt phải huy động được sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà phê bình lý luận về văn hóa, nghệ thuật để nâng cao chất lượng nội dung, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Tạp chí, lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật tốt đẹp thông qua các tác phẩm uy tín trên Tạp chí.
Bên cạnh đó, Tạp chí cần tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Bộ VHTTDL giao, như: tổ chức các hội thảo, tọa đàm về những vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn đặt ra đối với công tác văn hóa, nghệ thuật, gia đình để kịp thời tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người thực hành văn hóa đối với việc hoàn thiện chính sách văn hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về văn hóa trong tình hình mới.
Thứ ba, Tạp chí cần xây dựng, hoàn thiện Đề án Phát triển Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Bộ phê duyệt theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; trong đó xác định mục tiêu giữ vững vai trò, vị trí là cơ quan nghiên cứu, thông tin lý luận về văn hóa nghệ thuật và gia đình; đồng thời, đa dạng hóa các ấn phẩm, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để đưa thông tin toàn diện, kịp thời, hiệu quả và thiết thực hơn nữa đến với công chúng.
Thứ tư, Tạp chí tập trung xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng; tinh thông, am hiểu sâu về nghiệp vụ báo chí, văn hóa, nghệ thuật và gia đình; nhạy bén, sáng tạo, tâm huyết, có kỹ năng, trình độ về công nghệ thông tin. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo; đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo tại chỗ để có thể đáp ứng và hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này kỷ niệm 50 năm thành lập, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực, cống hiến của các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, viên chức và người lao động qua các thời kỳ dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ VHTTDL.