Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27 do Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào Suanesavanh Vignaket chủ trì. Hội nghị tập trung thảo luận về việc triển khai các hoạt động trong Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025 cũng như các ưu tiên quan trọng khác trong giai đoạn 2023-2024 nhằm hỗ trợ hơn nữa sự phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch. Phù hợp với chủ đề "Du lịch chất lượng và có trách nhiệm: Vì tương bền vững của ASEAN", Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong tất cả các lĩnh vực liên quan để đảm bảo tính bền vững và khả năng phục hồi của du lịch ASEAN.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng thảo luận và đưa ra những chỉ đạo để tiếp tục thúc đẩy hợp tác du lịch ASEAN.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tại cuộc họp Hội đồng Liên hợp quốc tháng 10/2023, lãnh đạo Chính phủ các nước đã khẳng định ASEAN đang dẫn đầu việc thực hiện nội dung mục tiêu của Liên hợp quốc cũng như đóng góp quan trọng cho hòa bình và sự phát triển kinh tế khu vực và thế giới.
Cảm ơn sự đón tiếp trọng thể của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sự chủ động của Lào rất phù hợp với xu thế phát triển du lịch chung, góp phần đẩy mạnh du lịch nội khối, tăng cường kết nối giữa các nước thành viên.
Qua báo cáo của nước chủ nhà Lào - Chủ tịch Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN, có thể nhận thấy kết quả du lịch năm 2023 của khu vực ASEAN đang có nhiều khởi sắc, nhờ sự phục hồi tích cực từ các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á cũng như từ các nước nội khối. Tuy nhiên, các nước thành viên vẫn cần tiếp tục nỗ lực, tăng cường hợp tác đẩy mạnh du lịch ASEAN để bắt kịp tốc độ của các khu vực khác trên thế giới trong bối cảnh có những nơi đã phục hồi và thậm chí vượt mức trước đại dịch Covid-19.
Cũng theo xu thế phát triển chung của khu vực, du lịch Việt Nam đang vượt qua những khó khăn thách thức và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2023 Việt Nam đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, đạt 70% so với năm 2019, phục vụ 108 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 27% so với năm 2019, tổng thu từ ngành du lịch đạt khoảng 28 tỷ đô-la Mỹ.
Khu vực ASEAN là một trong những thị trường nguồn khôi phục nhanh nhất của Việt Nam, đặc biệt lượng khách từ các quốc gia: Lào, Campuchia và Singapore đến Việt Nam năm 2023 đã vượt mức trước đại dịch. Có thể khẳng định thị trường nội khối ASEAN là một trong những động lực thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2023, du lịch Việt Nam đã được vinh danh bằng những giải thưởng uy tín tầm khu vực và quốc tế, đặc biệt năm thứ 4 liên tiếp, Việt Nam đạt được giải thưởng "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới".
Bộ trưởng cho biết, tháng 12/2023 vừa qua, Việt Nam tổ chức Hội thảo về Du lịch Lễ hội ASEAN với sự tham gia và ủng hộ của các nước ASEAN. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng ASEAN có nền văn hóa lâu đời, lễ hội đa dạng và nhiều màu sắc, tuy nhiên còn chưa được khai thác hiệu quả để làm nổi bật thế mạnh này. Bộ trưởng đề nghị thời gian tới các nước có thể phối hợp cùng quảng bá sản phẩm du lịch lễ hội có trọng tâm hơn, mỗi năm tập trung giới thiệu và tổ chức hoạt động kỷ niệm lễ hội ASEAN tại một nước thành viên theo hình thức luân phiên.
Để du lịch ASEAN phát triển bền vững hơn nữa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng các nước cần tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Mỗi quốc gia xây dựng 1 sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối theo định hướng: 1 cung đường 10 quốc gia. Đồng thời, các quốc gia thành viên cũng cần xây dựng kế hoạch nhằm giảm bớt khó khăn, tạo thuận lợi hơn nữa cho du lịch, đặc biệt là giao thông hàng không và tàu biển, qua đó tăng sức hấp dẫn cho du lịch ASEAN, phát triển bền vững, là điểm đến xanh hấp dẫn du khách trên toàn thế giới.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra hoạt động tham vấn với các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên quan đến ASEAN và các tổ chức bên ngoài như: Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (US-ABC), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA)… Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các tổ chức quốc tế và các đối tác đối thoại của ASEAN trong thời gian qua góp phần vào hiệu quả phục hồi, phát triển du lịch bền vững và bao trùm của khu vực.
Thông tin thêm về du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Việt Nam luôn cố gắng làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với mọi nhu cầu của du khách. Hiện nay, một trong những sản phẩm du lịch Việt Nam chú trọng phát triển là du lịch nông nghiệp, nông thôn. Việt Nam rất vinh dự có làng Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới. Đây là sáng kiến hiệu quả nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn và du lịch bền vững, một xu hướng của thế giới sau đại dịch đồng thời cũng là thế mạnh của du lịch Việt Nam.
Quan điểm phát triển du lịch Việt Nam luôn coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, doanh nghiệp và nhân dân giữ vai trò tổ chức thực hiện và sẽ trực tiếp hưởng thụ những thành quả đã tạo ra. Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, góp phần phát triển tích cực ngành du lịch.
Vì vậy, Việt Nam mong muốn các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với ngành du lịch Việt Nam, xem xét đăng cai tổ chức một số hội nghị, hoạt động, sự kiện, dự án du lịch quy mô lớn tại Việt Nam trong những năm tới nhằm hỗ trợ du lịch ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, theo nhu cầu và phù hợp với thế mạnh, khả năng của từng điểm đến.