Sign In

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch

15:34 21/03/2024
Ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong đã có buổi làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về kết quả hoạt động du lịch năm 2023, 3 tháng đầu năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tham dự buổi làm việc về phía Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh; Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy; lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Cùng dự có lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.


 

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Báo cáo Thứ trưởng về tình hình hoạt động, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ tháng 07/2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chuyển đổi mô hình tổ chức từ Tổng cục Du lịch thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam theo Nghị định 01/2023/NĐ-CP ngày 16/01/2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL.

Trong năm 2023, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch. Trong công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo Chính phủ tổ chức 02 Hội nghị toàn quốc với sự chủ trì của Thủ tướng, gồm: Hội nghị toàn quốc về du lịch với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" vào tháng 3/2023 và Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững vào tháng 11/2023. Sau Hội nghị, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Thủ tướng ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới với những giải pháp căn cơ, tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” của Ngành đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam; Chính phủ ban hành các Nghị quyết 127/NQ-CP và 128/NQ-CP về thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước và nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với các nước được miễn thị thực đơn phương. Đây được xem là bước đột phá nhằm tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã trình Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành Chiến lược tiếp thị du lịch Việt Nam đến năm 2030; Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP...

Trong công tác xúc tiến, quảng bá, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động, sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch ở trong và ngoài nước và các hội nghị, hội thảo chuyên ngành về du lịch như: Năm Du lịch Quốc gia, Hội chợ Travex, Hội chợ ITB Berlin (Đức), ASEAN - EXPO 2023 (Trung Quốc); Tổ chức các Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc và các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, ITE TP. Hồ Chí Minh…

 

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch - Ảnh 4.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh báo cáo Thứ trưởng về tình hình hoạt động du lịch thời gian qua. Ảnh: TITC

Trong công tác quản lý nhà nước, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai công tác quản lý nhà nước về du lịch; Hội nghị về đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, các đoàn kiểm tra đảm bảo chất lượng cơ sở lưu trú du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố ở cả 3 miền.

Với những nỗ lực của toàn ngành trong năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp 3,5 lần lượng khách năm 2022 và vượt 57% mục tiêu đặt ra ban đầu (8 triệu lượt); phục vụ 108,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 678 nghìn tỷ đồng.

Mục tiêu trong năm 2024, ngành du lịch phấn đấu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón trên 3,04 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 21,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành nhiệm vụ tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 và Hội chợ Travex 2024 tại Lào; phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2024 - Điện Biên với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” và Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững”.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL báo cáo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

 

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch - Ảnh 5.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TITC

 

Trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ VHTTDL triển khai thực hiện Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024; Công điện 06/CĐ-TTg của Thủ tướng về nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững; tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới...

Đối với công tác xúc tiến quảng bá, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch năm 2024; phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các sự kiện, hội chợ ở những thị trường trọng điểm. Cùng với đó, hỗ trợ các địa phương tăng cường liên kết, hợp tác, thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.

 

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch - Ảnh 6.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đã có các ý kiến báo cáo Thứ trưởng và đề xuất một số nội dung trong triển khai các nhiệm vụ chuyên môn như hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối liên ngành, liên địa phương, công tác thống kê du lịch; đồng thời đề xuất Lãnh đạo Bộ quan tâm tháo gỡ khó khăn liên quan đến cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; tổ chức tuyển dụng đủ công chức theo chỉ tiêu biên chế của Cục để có đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nhiều; ổn định trụ sở làm việc cho Cục và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; bố trí đủ nguồn kinh phí để triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam…

 

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch - Ảnh 7.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Tham mưu trúng, đúng trong xây dựng thể chế chính sách cho du lịch

Đánh giá cao những kết quả Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành du lịch đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ tham mưu trúng và đúng trong hoàn thiện các thể chế chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam có chức năng quan trọng nhất là quản lý nhà nước bằng pháp luật để tạo ra môi trường kinh doanh du lịch một cách lành mạnh; tạo ra cơ chế hoàn thiện, đồng bộ; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn để phát triển du lịch; khơi thông thị trường; cải cách thủ tục hành chính... Do vậy, Thứ trưởng đánh giá cao và đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục phát huy làm tốt công tác này trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Hồ An Phong: Phát huy công tác tham mưu xây dựng thể chế chính sách, tháo gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch - Ảnh 8.

Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TITC

Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, du lịch là ngành được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, xã hội đặt nhiều kỳ vọng. Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế.

Bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch đến từ bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, xung đột chính trị, quân sự ở một số nơi, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, chi tiêu của khách du lịch có xu hướng giảm... Thứ trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn mà Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam gặp phải thời gian qua trong bối cảnh nhiệm vụ ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao. Thứ trưởng đề nghị càng khó khăn càng cần phát huy bản lĩnh và ý chí để vượt qua, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao. Các khó khăn vướng mắc, trên cơ sở đề xuất của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các đơn vị liên quan, Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ xem xét, từng bước tháo gỡ.

Thứ trưởng đánh giá cao thời gian qua Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức tốt Lễ Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, thể hiện vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới Cục tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá hỗ trợ tỉnh Điện Biên phát triển du lịch.

Đẩy mạnh liên kết du lịch với các ngành, lĩnh vực

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác tham mưu về xây dựng chính sách trên cơ sở rà soát các văn bản Luật, Nghị định, Thông tư liên quan đến du lịch để đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung phù hợp trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch. Chủ động tham gia, phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan rà soát, góp ý sửa đổi những quy định, cơ chế chính sách phù hợp, thuận lợi hơn cho hoạt động du lịch như quy định về đất đai, thuế, giá điện...

Nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, Thứ trưởng đề nghị cần đẩy mạnh liên kết ngang, dọc, trên, dưới, nhất là phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan để phát huy vị thế, vai trò lan tỏa của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng gợi ý tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp để khai thác tốt hơn loại hình du lịch nông thôn vốn rất tiềm năng; thúc đẩy du lịch xanh, du lịch “net zero” không gây tổn hại đến môi trường thông qua trung hòa lượng các-bon; phối hợp với ngành đường sắt để khai thác một số điểm đến chặng ngắn... Tiếp tục hỗ trợ các địa phương tổ chức các chương trình quảng bá thu hút khách, phát triển các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách.

Cần quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, tăng cường hợp tác công tư, kết hợp quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia và các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương, doanh nghiệp.

Về định hướng thị trường, bên cạnh các thị trường truyền thống, Thứ trưởng đề nghị năm 2024 cần chú trọng đến Mỹ, Úc là những thị trường rất tiềm năng cần đẩy mạnh xúc tiến. Đây cũng là hai quốc gia vừa nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch cần được thúc đẩy, tăng cường tương xứng. Thứ trưởng cũng cho rằng cần lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có sức lan tỏa cao để thực hiện nhằm nâng tầm vị thế du lịch trong nước và quốc tế.

Cảm ơn những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hồ An Phong đối với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng về phương hướng triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời mong rằng, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch toàn diện, nhanh, bền vững.

Theo Trung tâm Thông tin, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam

Tag:

File đính kèm