Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Hoàn thành nhiệm vụ vượt định mức
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023, Giám đốc Học viện AMC Trần Hữu Hà cho biết: Học viện đã tổ chức 247 lớp học, với 18.496 học viên được phân theo các loại hình. So với kế hoạch đăng ký với Bộ năm 2023 vượt 19% về số lớp, vượt 92,6% về số học viên.
Trong công tác quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Học viện AMC đã triển khai 8 đề tài, dự án cấp Bộ; 7 đề tài cấp cơ sở; thực hiện tập huấn về các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình môi trường. Tổng cộng, Học viện đã tổ chức được 27 lớp tại các địa phương.
Việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Học viện phần lớn được triển khai đảm bảo về mặt chất lượng và số lượng. Các nhiệm vụ đăng ký mới đã có sự chắt lọc, đúng chức năng, nhiệm vụ của Học viện và phù hợp với nhu cầu thực tế.
Về công tác giảng dạy, đội ngũ giảng viên cơ hữu tại Học viện có 17 đồng chí. Học viện luôn khuyến khích, động viên đội ngũ giảng viên tích cực tham gia công tác giảng dạy, đồng thời mời các giảng viên thỉnh giảng, kiêm nhiệm có trình độ, có kinh nghiệm tại các cơ quan quản lý Nhà nước các Viện, trường, Hội nghề nghiệp tham gia giảng dạy, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của Học viện.
Mặt khác, Học viện đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống chương trình, tài liệu hiện có, từ đó xây dựng kế hoạch biên soạn, bổ sung, chỉnh sửa và làm mới các chương trình, tài liệu để phù hợp với tình hình thực tế và theo đơn đặt hàng của đối tác. Trong năm 2023, Học viện đã xây dựng được 15 chương trình mới và chỉnh sửa bổ sung một số chương trình hiện có.
Giám đốc Học viện AMC Trần Hữu Hà báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023
Trong công tác hợp tác quốc tế, Học viện vẫn duy trì mối quan hệ với các đối tác như UN-Habitat, FES, IFC, UNIDO… để triển khai các nhiệm vụ có yếu tố nước ngoài.
Đặc biệt, Học viện đã phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện 2 dự án lớn, đó là dự án SECO “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị ở Việt Nam” phối hợp với UN-HABITAT và dự án VKC hỗ trợ kỹ thuật “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”. Ngoài ra, Học viện còn thực hiện 5 dự án tư vấn ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Bên cạnh những mặt đạt được, Học viện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như đội ngũ giảng viên cơ hữu còn thiếu; công tác tuyển dụng giảng viên gặp nhiều khó khăn; kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp bị cắt giảm; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo...
7 kiến nghị, đề xuất của Học viện
Bước sang năm 2024, Học viện AMC đăng ký với Bộ Xây dựng mục tiêu mở 216 lớp với 10.800 học viên. Học viện cũng sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, trọng tâm là thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024; Tổ chức các Hội thảo trong nước và quốc tế; Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo; Nâng cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện có của Học viện phù hợp với yêu cầu của đối tác; Tăng cường công tác quản lý và thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ và môi trường; Củng cố mối quan hệ với các tổ chức trong nước, quốc tế đã ký những bản ghi nhớ; Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Học viện; Rà soát chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện và ban hành các Quy chế, quy định của Học viện đảm bảo hoạt động hiệu quả…
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, Học viện đã gửi tới Bộ Xây dựng 7 đề xuất, kiến nghị. Thứ nhất là phê duyệt kế hoạch và cấp kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Bộ ngay từ quý I hàng năm để Học viện có căn cứ xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trao tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và Chiến sỹ thi đua ngành Xây dựng cho các tập thể, cá nhân của Học viện AMC
Thứ hai là đề nghị Bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Học viện sớm hoàn thành Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo”, trình Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba là hỗ trợ và tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên gia là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện tham gia công tác giảng dạy đối với một số lớp mang tính chất đặc thù, chuyên sâu và nâng cao.
Thứ tư là phê duyệt sớm các nhiệm vụ khoa học công nghệ của Học viện đã đề xuất trong năm 2023, cấp thêm kinh phí cho công tác nghiên cứu, thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. Thứ năm là hỗ trợ nguồn ngân sách và tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện, nhất là các dự án ODA.
Thứ sáu là hỗ trợ việc xây dựng các chương trình đào tạo và có nguồn kinh phí cho cán bộ công chức học tập nâng cao trình độ tại nước ngoài liên quan đến các lĩnh vực của ngành.
Thứ bảy là chấp thuận chủ trương đầu tư và trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt Dự án đầu tư tại trụ sở Phân viện miền Nam giai đoạn 2021 - 2025 và đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất tại Trụ sở chính tại Hà Nội bằng nguồn vốn trung hạn từ ngân sách Nhà nước.
Bám sát chức năng, nhiệm vụ và đổi mới công tác đào tạo
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá: Năm 2023 là một năm khó khăn với kinh tế đất nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng. Nhưng với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu cao, ngành Xây dựng vẫn hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của toàn ngành.
Bước sang năm 2024, Bộ trưởng dự báo ngành Xây dựng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khó lường. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm mới, Bộ trưởng đề nghị Học viện sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cần tiếp tục bám sát nhiệm vụ chức năng được giao, bám sát chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Xây dựng để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Toàn cảnh Hội nghị
Học viện cần chủ động phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Phát triển đô thị và các đơn vị chuyên môn có liên quan của Bộ để khẩn trương xây dựng, trình Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức, lãnh đạo chuyên môn về đô thị các cấp đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo.
Học viện cần quan tâm là công tác đổi mới chương trình, tài liệu giảng dạy dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bám sát với thực tiễn; Tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành Xây dựng, đồng thời chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của ngành.
Đối với công tác đào tạo, Bộ trưởng yêu cầu Học viện AMC cần tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đảm bảo số lượng và năng lực chuyên môn, phẩm chất, bản lĩnh chính trị. Để nâng cao chất lượng đào tạo, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đào tạo, phù hợp với xu thế khoa học công nghệ hiện nay cũng là một nhiệm vụ quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị
Bộ trưởng còn lưu ý Học viện quan tâm công tác nghiên cứu khoa học; Tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và các địa phương; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Triển khai các dự án hợp tác hiệu quả, đúng tiến độ và đúng quy định pháp luật; Chú trọng chăm lo đời sống, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động của Học viện.
Đối với 7 đề xuất, kiến nghị của Học viện AMC, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng phối hợp, giúp đỡ Học viện triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã trao danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho Học viện AMC và 2 tập thể trực thuộc Học viện đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 – 2023, đó là Phòng Quản lý đào tạo và Trung tâm Dịch vụ; Trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Xây dựng cho 2 cá nhân.