Sign In

Tiếp cận Y tế toàn diện – vì một Việt Nam khỏe mạnh

20:43 21/12/2024
Sáng 21/12/2024, tại Hà Nội đã diễn ra lễ mít tinh "Tiếp cận Y tế toàn diện – vì một Việt Nam khỏe mạnh" do Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị thực hiện. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại sự kiện.

 

Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Các đại biểu tham dự lễ mít tinh.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chương trình và chiến lược mang tính đột phá trong phòng, chống bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, trọng tâm là quản lý các bệnh không lây nhiễm và giám sát chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm.

 Bên cạnh những kết quả tích cực, tình trạng chênh lệch trong tiếp cận y tế giữa các khu vực, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách đầu tư và cải thiện toàn diện, để đảm bảo công bằng y tế cho mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước.

 Chương trình Tiếp cận Y tế toàn diện – vì một Việt Nam khỏe mạnh" là sáng kiến thể hiện khát vọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khẳng định vai trò trung tâm của thế hệ trẻ, đặc biệt là các thầy thuốc trẻ, trong sự nghiệp phát triển bền vững của ngành Y tế Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn hoan nghênh các sáng kiến như: Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Y tế, Chuyển đổi số vì sức khỏe phổi và Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa CAREME. Đặc biệt, chương trình "Tiếp cận Y tế toàn diện" không chỉ là một mục tiêu mà còn là sứ mệnh cốt lõi của ngành Y tế trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát biểu.

Tại sự kiện, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, các chương trình của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tập trung vào huy động rộng rãi sự tham gia của cộng đồng, các đơn vị chuyên môn và các tổ chức để cùng nâng cao năng lực chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị, chăm sóc, quản lý bệnh không lây nhiễm mạn tính thông qua việc triển khai các công cụ kỹ thuật số.

Để đảm bảo việc tiếp cận y tế toàn diện cho mọi người dân, cần triển khai các giải pháp một cách đồng bộ và chiến lược dựa trên ba hướng chính: tiếp cận chính sách, tiếp cận y tế cơ sở và tiếp cận người dân. Mỗi hướng đi đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả.

  • Tiếp cận chính sách: Là bước đi quan trọng để tạo ra sự thay đổi từ cấp độ quản lý, đảm bảo các chương trình y tế có sự hỗ trợ vững chắc từ phía Chính phủ và các bên liên quan;

  • Tiếp cận y tế cơ sở: Tăng cường năng lực tại tuyến đầu. Y tế cơ sở là nơi đầu tiên người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở là chìa khóa để đảm bảo tính bền vững của hệ thống y tế;

  • Tiếp cận người dân: Đưa y tế đến gần cộng đồng. Người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Do đó, cần triển khai các hoạt động trực tiếp để thu hẹp khoảng cách này như tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện đến tận làng, bản để khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí.

Ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật.

Chương trình khám sức khỏe miễn phí tại lễ tinh.

Chương trình "Tiếp cận Y tế toàn diện" cũng xác định 5 mục tiêu cụ thể từ nay đến 2030:

  • Ít nhất 50% cơ sở y tế tuyến quận, huyện được tập huấn, chuyển giao công nghệ AI ứng dụng trong sàng lọc các bệnh về phổi và các bệnh mạn tính khác;

  • 100% hội viên Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam được hỗ trợ, tập huấn và sử dụng thành thạo các công cụ AI, quản lý bệnh nhân qua app cũng như các nền tảng tân tiến khác của Trung ương Hội;

  • 100% hội viên thanh niên được giáo dục, tư vấn về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân;

  • Giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá của nam thanh niên xuống dưới 30% và không có hội viên thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử;

  • Thí điểm sử dụng AI y tế như công cụ tiền sàng lọc, làm căn cứ để bảo hiểm y tế thanh toán cho sàng lọc bệnh mạn tính.

 

Tag:

File đính kèm