Sign In

Những lần lỡ hẹn cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức

09:09 22/06/2024

Tại buổi họp báo định kỳ mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bãi bỏ mức lương cơ sở cùng hệ số lương được đề ra vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện. Việc cải cách tiền lương theo vị trí việc làm vẫn chưa thể thực hiện từ 1.7, vậy nước ta đã có bao nhiêu lần "lỡ hẹn" cải cách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức?

Từ năm 2018, khi ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW, do nhiều yếu tố tác động mà chính sách cải cách tiền lương đã bị hoãn lại.

Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng là một trong những yếu tố không nhỏ tác động đến việc hoãn cải cách tiền lương. Theo đó, kể từ ngày công bố Nghị quyết 27 năm 2018 tới nay, cán bộ, công chức, viên chức đã có những lần “lỡ hẹn” cải cách gồm:

Lần 1 - ngày 9.10.2020: Lùi cải cách vì đại dịch COVID-19 đến ngày 1.7.2022 theo Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Lần 2 - ngày 13.11.2021: Tiếp tục lùi cải cách tiền lương cho tới thời điểm thích hợp theo Nghị quyết số 34/2021/QH15.

Tuy nhiên, một trong những điểm quan trọng được quy định tại Nghị quyết 34/2021/QH15 là Chính phủ đưa ra mục tiêu ưu tiên quan tâm, điều chỉnh mức lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995.

Lần 3 - ngày 11.10.2022: Hoãn cải cách tiền lương nhưng thực hiện tăng mức lương cơ sở năm 2023 từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.

Lần 4: Mới nhất, tại buổi họp báo định kỳ chiều ngày 20.6, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, do phát sinh nhiều bất cập và cần phải cẩn trọng trong việc nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở cùng hệ số lương được đề ra vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện.

Theo đó, hiện Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung trong đề án cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024. Theo tính toán, mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6% chưa bao gồm tiền thưởng.

Như vậy, với mức tăng 30% thì dù hoãn cải cách tiền lương, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức vẫn sẽ được tăng 30% - nghĩa là tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

Ngoài ra, các trường hợp hưởng chính sách và chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng sẽ được hưởng mức tăng tương ứng mức 30%.

Tuy lần này chưa cải cách tiền lương theo vị trí việc làm nhưng cán bộ, công chức, viên chức vẫn được tăng thu nhập do tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2024.

Mặt khác, người lao động được tăng 15% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, đồng thời đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức lương thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.

Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

https://laodong.vn/cong-doan/nhung-lan-lo-hen-cai-cach-tien-luong-voi-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-1355914.ldo

MINH HƯƠNG (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm