Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Giai cấp công nhân luôn là giai cấp lãnh đạo cách mạng
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phân tích, trong bối cảnh mới, dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành, nghề; trình độ văn hoá và trình độ chuyên môn không ngừng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện...
Mặc dù thế giới hiện có nhiều thay đổi, bối cảnh đất nước cũng rất khác so với thời điểm giai cấp công nhân hình thành, tuy nhiên, nhiều quan điểm, chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân vẫn còn nguyên giá trị và cần được phát huy.
Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là lực lượng đại diện cho lợi ích, lý tưởng của giai cấp công nhân và lợi ích của quốc gia - dân tộc. Giai cấp công nhân luôn là giai cấp lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra bài học kinh nghiệm về tính tất yếu rằng giai cấp công nhân phải liên minh với các giai tầng và nắm quyền lãnh đạo khối liên minh ấy: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân. Với lý luận cách mạng tiên phong và kinh nghiệm của phong trào vô sản quốc tế, giai cấp công nhân ta đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hà trao đổi về một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong bối cảnh mới trên tinh thần chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, cần nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển đội ngũ công nhân thời kỳ mới trên tinh thần “xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Đổi mới nội dung, hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng cho giai cấp công nhân, hướng đến chất lượng, hiệu quả thực tế và sát đối tượng, hoàn cảnh; động viên, khuyến khích công nhân, người lao động phát huy tinh thần tích cực, tự giác, cống hiến sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động gắn với phát triển nền kinh tế bền vững.
Tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy đảng, tổ chức đảng, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp cần chăm lo đến lợi ích vật chất, tinh thần cho công nhân, để họ yên tâm công tác; từ đó, mới có nhiệt huyết, xác định động cơ đúng đắn, tiếp tục phấn đấu vào Đảng với tinh thần tự nguyện, tự giác…
Giai cấp công nhân tăng cường vai trò lãnh đạo
Trao đổi về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, TS. Phạm Thị Hoàng Hà - Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định những chuyển biến tích cực của giai cấp công nhân có ý nghĩa rất to lớn, là điều kiện đảm bảo cho đảm bảo giai cấp công nhân thực hiện ngày một tốt hơn sứ mệnh lịch sử của mình trong thời kỳ đổi mới. Không ai khác, họ chính là lực lượng đi đầu, chủ đạo trong thực hiện “Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...”; cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế...; “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh…
Quan điểm này được TS. Phạm Thị Hoàng Hà phân tích từ những thành tựu đạt được trong thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, được biểu hiện ra thông qua những thành tựu đạt được trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới đất nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gồm: Kinh tế; chính trị - xã hội; tư tưởng, văn hóa.
Trong đó, thành tựu trong thực hiện sứ mệnh lịch sử ở nội dung kinh tế được thể hiện ở một trong những khía cạnh là nhờ được đào tạo ngày càng bài bản, trình độ ngày càng nâng lên mà theo đó, năng suất lao động của công nhân Việt Nam cũng tăng lên không ngừng. Năng suất lao động của công nhân Việt Nam đã tăng gần 10 lần sau 30 năm (năm 1986 là 500 USD/người và năm 2018 là 4.512 USD/người). Thậm chí năng suất lao động của ngành công nghiệp so với năm 1986 đã gấp khoảng 22 lần. Số cụ thể: Năm 2018 một lao động công nghiệp đạt 154,1 triệu đồng/người/năm (tương đương 12.000 USD) so với năng suất lao động bình quân của một lao động năm 1986 là 500 USD/người/năm...
https://laodong.vn/cong-doan/nhung-gia-tri-ben-vung-cua-giai-cap-cong-nhan-1424869.ldo