Chia sẻ về nội dung Luật Công đoàn sửa đổi vẫn sẽ duy trì kinh phí công đoàn 2% để giúp tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo cho người lao động, ông Lợi cho rằng, đây là nội dung được duy trì và phát huy hiệu quả hơn 60 năm qua. Từ khi có Luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc luật hóa và duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động và bảo đảm bộ máy hoạt động công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội... bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, NLĐ, trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần ổn định, phát triển các cơ quan, đơn vị, DN.
“Điều quan trọng hơn, đây chính là thể hiện vai trò tập hợp lực lượng của công đoàn nhằm xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh có khả năng thu hút NLĐ tham gia tổ chức Công đoàn, hạn chế sự ra đời của tổ chức người lao động ngoài công đoàn” - ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Lợi khẳng định, hoạt động giám sát của tổ chức Công đoàn là hoạt động giám sát mang tính xã hội, giám sát mang tính nhân dân, khác với hoạt động giám sát của Quốc hội hay của Hội đồng nhân dân là giám sát mang tính quyền lực Nhà nước.
Rất nhiều các luật khác nhau quy định về quyền giám sát của tổ chức Công đoàn như Luật Công đoàn 2012, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015... Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quy định là các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì, giám sát nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Quy định của pháp luật thì công đoàn là chủ thể vừa có tư cách trực tiếp chủ trì giám sát lại vừa phối hợp giám sát với các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định này, nhằm phát huy quyền chủ động thực hiện giám sát của tổ chức Công đoàn, góp phần thực hiện tốt hơn vai trò của mình; đặc biệt là sớm phát hiện vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, từ đó, kiến nghị chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm kịp thời.
Nội dung Luật Công đoàn sửa đổi có bổ sung thêm quy định mới được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng phí Công đoàn trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn... ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quy định mới này sẽ bảo đảm tính linh hoạt, để xử lý được thực tiễn đa dạng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/vai-tro-tap-hop-luc-luong-cua-to-chuc-cong-doan-the-hien-ro-1427295.ldo