Góp ý tại hội nghị tham vấn ý kiến các nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) diễn ra chiều 8.10, hầu hết đại biểu cho rằng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thể hiện nỗ lực của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong xây dựng dự thảo. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục kiến nghị với các cơ quan cấp trên để ủng hộ các quy định trong dự thảo.
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình, đánh giá cao với quy định tại Khoản 4 Điều 26 của dự thảo.
Khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của công đoàn.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi đoàn viên liên tục tăng, cơ sở của công đoàn liên tục phát triển.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đồng tình với quy định này, cho rằng, nếu được thông qua, điều khoản này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho công đoàn cấp dưới.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Hồng cũng đánh giá cao dự thảo luật đã cụ thể hóa về quyền đại diện của Công đoàn đã được Hiến pháp quy định, trong đó có quyền giám sát, phản biện của công đoàn là rất phù hợp với thực tiễn, phát huy được vai trò của công đoàn.
Các nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật, ông Nguyễn Văn Ngàng cũng đánh giá cao về quy định tại Điều 26 của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Các đại biểu đồng tình việc giữ 2% kinh phí công đoàn là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người lao động. Các đại biểu cũng cho rằng, về tài chính công đoàn cần đảm bảo công đoàn được chủ động, giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo việc giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng...
Ông Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội - đơn vị thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) - cho biết, dự thảo luật đã kế thừa những vấn đề cốt lõi nhất của Luật Công đoàn trước đây. Ông Đinh Ngọc Quý trao đổi với các đại biểu về quan điểm, quá trình xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu kết luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.