Sign In

Nhận diện, đấu tranh xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình - Bài 3: Đồng bộ giải pháp để chặn “sóng ngầm”

08:35 25/03/2024
Thực tiễn ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hệ thống chính trị cơ sở cùng vào cuộc, thế trận an ninh nhân dân được củng cố nên từng bước xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Tuy nhiên, cơn “sóng ngầm” của tổ chức bất hợp pháp này vẫn đang nhen nhóm nguy cơ tái hoạt động. Điều này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững, hiệu quả.

Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị

Như chúng tôi đã đề cập ở các bài viết trước, mưu đồ đen tối chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động người dân chống phá sự nghiệp cách mạng, thành lập “vương quốc riêng” của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình là rất rõ ràng. Nhận định đây là nhiệm vụ khó khăn, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn từng địa phương, tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình từng bước được xóa bỏ; các đối tượng từng tham gia tổ chức này dần nhận ra sai lầm, trở về nhịp sống bình thường và cam kết thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Theo đồng chí Nguyễn Thái Nam, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên, kinh nghiệm thành công cho thấy, trước hết là có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; từ cấp ủy, chính quyền địa phương, sự quyết tâm chính trị cao của lực lượng vũ trang và sự đồng tình, ủng hộ của người dân, các tổ chức đã vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp đấu tranh hiệu quả.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý số đối tượng cốt cán, cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những đối tượng cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, củng cố, chuyển hóa địa bàn bị ảnh hưởng. Đồng chí La Hồng Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tuyên Quang khẳng định: “Đây là giải pháp căn cơ làm cho nhân dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, kích động mâu thuẫn giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp, chia rẽ đồng bào các dân tộc và các tôn giáo”.

Khảo sát cho thấy, các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đều thành lập các tổ công tác thường trực phối hợp với tổ công tác của địa phương tổ chức những đợt cao điểm tuyên truyền, vận động. Thông qua việc triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội tạo tiền đề cho việc tiếp cận, thâm nhập địa bàn, tiến hành vận động tập trung, hoặc vận động cá biệt. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các thành viên trong tổ công tác về cơ sở thực hiện "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) từng bước cảm hóa người dân.

 

left center right del
Đội an ninh công an huyện Na hang luôn thực hiện "4 cùng" với đồng bào Mông trên địa bàn huyện. Ảnh: TTXVN 

 

Là một trong những địa bàn sớm nhất ở Cao Bằng hóa giải thành công điểm nóng do tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình gây ra, Trung tá Đàm Xuân Hội, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hòa An (Cao Bằng) nhận định, công tác xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân luôn được coi trọng. Trong cao điểm “100 ngày đêm tuyên truyền, vận động, đấu tranh với tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” ở Hòa An, các lực lượng Công an, Quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, kịp thời giải quyết triệt để những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên không gian mạng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao. Chủ động kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải thông tin trên các mạng xã hội có nội dung kích động, biểu tình, gây rối, bạo lực của số đối tượng cầm đầu, cốt cán trong tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.

Hóa giải “điểm nghẽn”, đồng bộ nhiều giải pháp

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cho đến nay, theo số liệu từ các địa phương như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, số người dân tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình cơ bản đã ký cam kết từ bỏ; phá dỡ nhà đòn và những hủ tục trong sinh hoạt tín ngưỡng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những con số mang tính cơ học.

Bởi lẽ suốt hơn 30 năm tồn tại, những tư tưởng lệch lạc của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã bám sâu vào nhận thức, hành vi của một bộ phận đồng bào nên không dễ phá bỏ trong một sớm một chiều. Quá trình tiếp xúc với các công dân sau khi từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, chúng tôi thấy rằng, phần lớn họ đang gặp phải những khó khăn về tái hòa nhập cộng đồng. Đó là tâm lý mặc cảm, tự ti, thậm chí thấy người lạ là ngại tiếp xúc; một số đã ký cam kết song vẫn lo lắng sợ bị cô lập, tẩy chay. Mặt khác, việc định hướng, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho số người dân đã ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình tại nhiều địa phương cũng đang lúng túng vì không thể định hướng, hay chuyển hóa niềm tin cho họ một cách dễ dàng.

Các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội vẫn liên tục móc nối, tuyên truyền, dụ dỗ người dân. Trong khi đó, việc triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn... Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục có những giải pháp căn cơ, bền vững để đồng bào ổn định cuộc sống, không bị lôi kéo tham gia các tổ chức bất hợp pháp khác đang núp bóng tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Xuân, nguyên Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, hiện là giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giải quyết các vấn đề về dân tộc, tôn giáo cần phải xuất phát từ yếu tố lịch sử, đặc trưng văn hóa tộc người và những chính sách về dân tộc, tôn giáo để đưa ra các giải pháp. Để đẩy mạnh phát triển bền vững, toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Từ chủ trương của Đảng, theo đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, vấn đề cốt lõi và lâu dài để bảo đảm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình là phải tập trung mọi nguồn lực, triển khai phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, thực hiện hiệu quả các chính sách y tế, giáo dục.

Theo đó, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai những chương trình, dự án phát triển KT-XH tại các địa bàn bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, trọng tâm là Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, tập trung giải quyết các vấn đề nóng như: Tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc...

Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình hoạt động phức tạp, kéo dài nhiều năm. Do vậy, để xóa bỏ tận gốc, tăng sức đề kháng cho đồng bào trước các tín ngưỡng, hoạt động của đạo lạ cần phải có một quá trình tác động tích cực đến mọi mặt trong đời sống. Vì vậy, theo đồng chí Vũ Ngọc Khánh, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang, cần chú trọng việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Trong đó chú trọng lựa chọn bố trí hợp lý cán bộ đồng bào dân tộc Mông tham gia bộ máy chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Vận động người có uy tín trong dân tộc Mông, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đạo Tin lành làm lực lượng “cốt cán đặc thù, cốt cán phong trào” phục vụ quá trình tuyên truyền, vận động.

Từ thực tiễn đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình ở địa bàn, đồng chí Nguyễn Quốc Trung, Bí thư Huyện ủy Hòa An cho rằng: Cần tiếp tục xây dựng và duy trì mô hình "Tổ tương trợ” tại các địa bàn từng có hoạt động của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Thực tế cho thấy, các tổ công tác này đã và đang phát huy hiệu quả trong việc nắm tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào Mông trong lao động, sản xuất và các mặt hoạt động của đời sống xã hội... Từ đó, giúp đồng bào tránh bị các đối tượng xấu o ép, dụ dỗ; tạo niềm tin cho họ hòa nhập cộng đồng dân cư.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, giải pháp mang tính bền vững là các địa phương cần khảo sát, đánh giá triển khai nhiều mô hình, câu lạc bộ bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Mông. Đây là biện pháp góp phần loại bỏ những hủ tục, mê tín dị đoan, nhất là trong việc cưới, việc tang. Đồng thời tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả hoạt động của các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc Mông bị ảnh hưởng; gắn kết chặt chẽ Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Từ bài học đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, chúng ta càng có thêm niềm tin khẳng định: Với hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, đời sống KT-XH được nâng cao; văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; đồng bào Mông và các dân tộc anh em đoàn kết chính là sức đề kháng chống lại mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, dựng xây nếp sống mới ấm no, mạnh giàu.

>> Bài 1: Lật mặt “chúa trời” tự xưng
>> Bài 2: Di chứng nặng nề từ “virus” ác tính

 

Theo QĐND

Tag:

File đính kèm