Trước sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang triệt để lợi dụng mạng xã hội (MXH) nhằm tác động tiêu cực, làm “chuyển hóa” suy nghĩ, bản lĩnh và tư tưởng của thanh niên đối với Đảng... Những vấn đề này đang đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho tổ chức Đoàn trong công tác giáo dục, bồi dưỡng nhận thức, ý chí, bản lĩnh chính trị cho thanh niên, nâng cao ý thức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
ĐVTN Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tích cực tham gia tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam để nâng cao hiểu biết, tăng cường nhận thức về Đảng.
Nhận diện những âm mưu thâm độc
Vào đêm 1/9/2024, trên MXH Facebook xuất hiện một dòng trạng thái của tài khoản mang tên “Chu Vinh” có nội dung không phù hợp, xa rời thực tế. Qua quá trình tìm hiểu, xác minh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái xác nhận chủ tài khoản “Chu Vinh” là học sinh Chu Ngọc Quang Vinh, lớp 12 Anh của nhà trường. Nam sinh này từng giành ngôi vô địch, mang về vòng nguyệt quế cuộc thi tháng 1, quý I trong Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24” (năm 2023).
Dòng trạng thái của Vinh mang nhiều nội dung quan tâm đến bản thân, lợi ích cá nhân viển vông ở xứ “thiên đường” và cho rằng bản thân ôn tập, tham gia Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” để đạt được mục đích sống ở nước ngoài với mưu cầu lợi ích cá nhân, việc học lịch sử không phải theo ý muốn của bản thân... Những phát ngôn lệch chuẩn, non nớt, thiếu suy nghĩ của Vinh đã gây bức xúc trong cộng đồng, đặc biệt khi phát ngôn này là của một thí sinh đạt giải cao trong Chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, một cuộc thi của các thí sinh có hiểu biết đúng và rộng với các kiến thức xã hội, lịch sử, truyền thống của dân tộc.
Trước sự phản đối của dư luận cùng sự vào cuộc của Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái và các cơ quan chức năng, Vinh đã nhận thức được tính chất nghiêm trọng của sự việc và viết bài xin lỗi trên trang Facebook cá nhân, thừa nhận sai lầm, bày tỏ sự hối hận của bản thân. Theo Vinh, khi viết những dòng này lên MXH, Vinh chưa ý thức được hậu quả của sự việc và bản thân không bao giờ có ý định cực đoan trong việc liên hệ với các tổ chức phản động để làm hại lợi ích của dân tộc. Những phát ngôn vừa qua chỉ xuất phát từ những quan sát và trải nghiệm ít ỏi của bản thân. Vinh đã nhận trách nhiệm về những phát ngôn không đúng và mong nhận được sự tha thứ của mọi người.
Đáng nói là, lợi dụng phát ngôn của Vinh, tổ chức phản động lưu vong Việt Tân cùng các các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất trong và ngoài nước đã liên tục lợi dụng phát ngôn ngây thơ, nông cạn này để quy chụp, đánh đồng Việt Nam không có tự do ngôn luận. Trong khi đó, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khẳng định rõ ràng quyền tự do ngôn luận của công dân, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền này. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không đồng nghĩa với việc phát ngôn vô trách nhiệm, không kiểm chứng, gây hại đến lợi ích chung của xã hội. Mục đích của Việt Tân và các tổ chức phản động khác muốn lợi dụng không gian mạng (KGM) để vu oan cho chính quyền, đề cao những phát ngôn của Vinh với âm mưu cực kỳ thâm độc, kích động những phát ngôn vô tổ chức, vô ơn, chống đối Đảng, Nhà nước trên KGM, nhất là với thanh niên - đối tượng dễ bị lợi dụng và nhận thức còn non kém trước các vấn đề xã hội.
Đây chỉ là một trong rất nhiều “chiêu thức” mà các thế lực thù địch, phản động hay sử dụng với thủ đoạn “thay thang, đổi thuốc” để chống phá chế độ, bôi xấu vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chúng đã tạo lập hàng loạt trang, kênh, hội nhóm trên các nền tảng MXH như: Facebook, Youtube, Tiktok... hòng phát tán các tài liệu có nội dung phản động, bịa đặt nhiều thông tin sai lệch, lấp lửng, giật gân, hướng dư luận theo quan điểm sai trái; tạo ra các diễn đàn để nhiều người truy cập và kích động, hướng lái những bình luận theo chiều tiêu cực.
Đối tượng mà chúng hướng đến đầu tiên khi thực hiện những âm mưu thâm độc này không ai khác chính là thanh niên, bởi đây là lực lượng trẻ tuổi, rất nhanh nhạy, thành thạo trong việc tiếp cận công nghệ nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm sống, dễ bị lôi kéo, kích động và hay có tâm lý chán nản, bi quan trước những thất bại, vấp ngã đầu đời. Những đặc điểm đó chính là kẽ hở, cơ hội để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội triệt để chú ý, lợi dụng, tấn công.
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 100% cơ sở Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) cấp huyện, thành, thị, đơn vị và cơ sở đã thành lập trên 230 Fanpage, tài khoản Facebook, thu hút hàng triệu lượt thích, theo dõi. Thông qua các hình ảnh, videoclip, bài viết, các cấp bộ Đoàn, Hội đã tích cực tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo ĐVTN.
Trên thực tế, qua theo dõi, nắm bắt thấy rằng, hiện nay còn một bộ phận thanh niên đang có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, xa rời mục tiêu, thậm chí “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và các thông tin xấu, độc trên MXH; thực trạng này không chỉ đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, tương lai, cách nghĩ của thanh niên mà còn đe dọa đến tương lai của đất nước. Từ đó, đặt ra cho tổ chức Đoàn nhiệm vụ phải thực hiện tốt việc giáo dục, bồi dưỡng cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có lý tưởng, nhận thức, ý chí, bản lĩnh chính trị vững vàng, không bị dụ dỗ, kích động, lôi kéo trước các thế lực thù địch với những âm mưu thâm độc.
Hoạt động của các Câu lạc bộ “Lý luận trẻ” có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng tư tưởng cho thanh niên trước những thông tin xấu, độc.
Nâng cao “sức đề kháng” cho giới trẻ
Đều đặn vào ngày mùng 10 hàng tháng, Câu lạc bộ (CLB) “Lý luận trẻ” huyện Tân Sơn lại tổ chức sinh hoạt với nhiều hình thức phong phú, tổ chức tọa đàm, diễn đàn, hội thảo theo các Chủ đề như: “Tuổi trẻ sắt son niềm tin theo Đảng”, “Vai trò, trách nhiệm của thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, “Thanh niên sử dụng MXH an toàn, chống tin xấu độc”... Tại các buổi sinh hoạt, 18 thành viên của CLB đã thảo luận các vấn đề về đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc và sinh hoạt lý luận chính trị tư tưởng. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho ĐVTN, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Tùng Linh - Chủ nhiệm CLB “Lý luận trẻ” tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1 CLB “Lý luận trẻ” cấp tỉnh gồm 12 thành viên, 18 CLB “Lý luận trẻ” cấp huyện với tổng số trên 300 thành viên. Các CLB đã hoạt động tích cực, sôi nổi, phát huy được vai trò là những cây bút phản biện sắc bén, đặc biệt là tại các “điểm nóng” trên KGM. Các mô hình, phần việc thanh niên xung kích bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên KGM được xây dựng và nhân rộng ở hầu khắp các cơ sở Đoàn trong tỉnh.
Đồng thời, thực hiện Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, trong nhiệm kỳ 2019-2024, tuổi trẻ Đất Tổ đã đăng tải và chia sẻ trên 200.000 tin tốt, câu chuyện đẹp trên Website, Fanpage của Đoàn, Hội. ĐVTN toàn tỉnh tích cực tham gia các cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; thường xuyên đăng tải các bài viết đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc, xuyên tạc trên các trang MXH. Qua đó, giúp ĐVTN nâng cao nhận thức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Đồng chí Đỗ Tùng - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho biết: “Để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cho thế hệ trẻ nói riêng, người dân nói chung, trước hết tự bản thân mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, từ đó nâng cao khả năng tự “miễn dịch”. Bên cạnh đó, cần nắm vững và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp cận, khai thác thông tin, nhất là Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH. Mỗi thanh niên phải đề cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, phát huy trách nhiệm nêu gương trong chấp hành Điều lệ và các quy định của Đảng, của Đoàn, cơ quan, đơn vị; thận trọng trong phát ngôn, chia sẻ, bình luận, nhận định, đánh giá các vấn đề trên MXH”.
Ninh Giang - Hà Trang
Theo Báo Phú Thọ