Đảng bộ Khối có 38 đảng bộ trực thuộc (32 đảng bộ cấp trên cơ sở, 06 đảng bộ cấp cơ sở), trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước và 02 đảng bộ cơ quan với 1.463 tổ chức cơ sở đảng, 237 đảng bộ bộ phận, 8532 chi bộ trực thuộc với 143.138 đảng viên. Trong 36 đảng bộ doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối, có 19 đảng bộ theo mô hình toàn tập đoàn, tổng công ty, 17 đảng bộ theo mô hình đảng bộ công ty mẹ. Các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Khối hoạt động rộng khắp trên toàn quốc và một số ở nước ngoài.
Hơn 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 01/6/2012 về một số vấn đề chính sách xã hội Đảng ủy Khối đã đồng bộ triển khai và đạt được một số kết quả rõ rệt, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã tổ chức quán triệt đến các đảng bộ trực thuộc để triển khai thực hiện. Đảng ủy Khối đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo quán triệt về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu đối với các lĩnh vực xã hội nhất là giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi người có công, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là trách nhiệm đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, trên cơ sở phát huy vai trò lực lượng vật chất quan trọng của các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Khối. Đảng ủy Khối đã ban hành 31 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện công tác an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo. Hướng dẫn các đảng ủy xây dựng chương trình hành động, ban hành nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết của Hội đồng thành viên (HĐQT) lãnh đạo xây dựng kế hoạch an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm, gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh với công tác an sinh xã hội, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng của các doanh nghiệp trong Khối.
Công tác an sinh xã hội được các đảng ủy trực thuộc xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hàng năm, các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị cụ thể hóa các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Khối thành Chương trình, Kế hoạch hành động về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nhiều đảng ủy đã lập Ban chỉ đạo, bộ phận thường trực thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; (có đơn vị thành lập bộ phận chuyên trách hoặc Ban xóa đói giảm nghèo, Ban xã hội từ thiện, Ban triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia,...) và phân công trách nhiệm cụ thể từng đồng chí thành viên, quy định các tiêu chí theo dõi, kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; phối hợp với địa phương tổ chức đánh giá hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn. Hàng năm, căn cứ năng lực thực tế, kết quả kinh doanh của năm trước, kế hoạch kinh doanh năm tiếp theo và văn bản đề nghị hỗ trợ của địa phương, đảng ủy và lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị đã thống nhất ban hành nghị quyết, đề ra các nội dung hỗ trợ phù hợp, đúng mục đích, đối tượng.....Các đảng ủy, lãnh đạo đơn vị chủ động phối hợp với địa phương, đơn vị nhận hỗ trợ tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch, đánh giá kết quả thực hiện các công trình, nội dung các hạng mục an sinh xã hội, tiến độ và các bước triển khai tiếp theo; chủ động thực hiện việc xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm tại cơ sở về công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ, ưu tiên các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có vị trí trọng điểm về an ninh quốc phòng; đa dạng hóa hình thức và nội dung tài trợ; tài trợ trực tiếp đến đúng đối tượng; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo bàn các giải pháp triển khai công tác hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế,....
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 15-NQ/TW, hơn 10 năm qua các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương luôn chú trọng với các phương châm: nghiên cứu những nội dung, mô hình mới về xóa đói giảm nghèo; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ; ưu tiên cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; mở rộng địa bàn đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ven biển và hải đảo, biên giới, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có vị trí trọng điểm về an ninh quốc phòng, thực hiện nhiều chương trình, dự án: uống nước nhớ nguồn, tri ân với các gia đình liệt sỹ, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các thương, bệnh binh, hỗ trợ phụng dưỡng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; tôn tạo, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ; thực hiện cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, cuộc vận động “Vì Trường Sa thân yêu”; ủng hộ xây dựng các công trình biển đảo phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo; xóa cầu khỉ vùng đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm; giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, bão lũ... với trị giá hơn 46.000 tỷ đồng.
Về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo: Xây dựng 2.055 trường học, nhà bán trú và tặng học bổng, hỗ trợ trang, thiết bị, đồ dùng học tập, sửa chữa, xây dựng mới nhà ở công vụ cho giáo viên, bếp ăn cho học sinh, đóng mới bàn ghế; cấp học bổng, hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, mua sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh,...Các doanh nghiệp, đơn vị của các đảng bộ thuộc Khối đã tài trợ, ủng hộ 2.633 tỷ đồng để xây dựng 623 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế cấp huyện; hỗ trợ xe cứu thương được trang bị hiện đại và các trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khoẻ và khám, chữa bệnh cho nhân dân; phối hợp tổ chức các đợt thăm, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí đồng thời tham gia hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho công tác truyền thông, cung cấp các dịch vụ y tế; hỗ trợ 941 tỷ đồng đầu tư cho 26.931 hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung vào các lĩnh vực như: giao thông, thủy lợi, hệ thống lưới điện, hạ tầng viễn thông và các công trình phục vụ dân sinh (nhà văn hóa, chợ, hồ chứa nước sinh hoạt….), được thi công, bàn giao theo hình thức “Chìa khoá trao tay”, UBND các tỉnh, huyện tạo điều kiện pháp lý, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát, tổ chức đấu thầu thi công theo quy định, các doanh nghiệp trong Khối hỗ trợ theo tiến độ. Các công trình sau khi hoàn thành đều đạt chất lượng và sử dụng có hiệu quả phục vụ lợi ích trực tiếp đến đời sống của nhân dân như: nâng cao dân trí, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động canh tác, năng suất cây trồng được tăng lên, bảo đảm an ninh lương thực tại địa phương.
Ủng hộ biên giới, hải đảo; gia đình cán bộ, chiến sỹ, ngư dân bám biển: Quán triệt sâu sắc và thực hiện có kết quả tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh. Các đảng bộ trực thuộc đã chú trọng phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, các công trình phục vụ quốc phòng, an ninh, đặc biệt chú trọng đến các vùng trọng điểm, nhạy cảm như Biển Đông, Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã hỗ trợ xây dựng các công trình trên đảo Trường Sa và tại các địa phương khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, biên giới, hỗ trợ gia đình cán bộ, chiến sỹ, ngư dân bám biển,... với kinh phí 496 tỷ đồng.
Công tác cứu trợ thiên tai, bão lũ, từ thiện nhân đạo: Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã vận động cán bộ, công nhân viên, người lao động tích cực ủng hộ chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ từ hoạt động tình nguyện và tham gia công tác an sinh xã hội của Đoàn Khối. Chủ động triển khai công tác an sinh xã hội, kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ lớn gây ra tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Miền Trung và Nam Trung bộ, các đảng ủy trong Khối đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đoàn thể kêu gọi cán bộ, đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức và người lao động đóng góp, ủng hộ chia sẻ khó khăn với đồng bào các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ lớn với tổng kinh phí 2.708 tỷ đồng.
Về bảo đảm nhà ở tối thiểu: Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà hư hỏng, dột nát cho các hộ nghèo, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối phát huy vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, bằng sự vào cuộc của hàng trăm đơn vị thành viên thuộc 38 đảng bộ đã hỗ trợ 2.934 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, xây mới được 47.378 nhà tình nghĩa, nhà nhân ái, nhà đại đoàn kết cho đồng bào.
Công tác an sinh xã hội tại đơn vị, doanh nghiệp: Đảng ủy các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng đã lãnh đạo Công đoàn triển khai phong trào "Xây dựng mái ấm Công đoàn" được công nhân lao động tại các đơn vị nhiệt tình hưởng ứng thu được kết quả tốt, tạo uy tín trong hoạt động Công đoàn. Đã hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn nhà “Mái ấm Công đoàn” cho gia đình công nhân lao động khó khăn. Đồng thời ủng hộ Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, công nhân lao động khó khăn; hỗ trợ vở viết cho học sinh nghèo nhân dịp năm học mới với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần, giúp người lao động làm kinh tế gia đình và giải quyết khó khăn, yên tâm làm việc. Cấp ủy các cấp thường xuyên coi trọng, chăm lo vật chất và tinh thần, các điều kiện làm việc, đi lại, sinh hoạt, rèn luyện nâng cao thể lực, hưởng thụ văn hoá, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, nhiều cơ sở điều dưỡng của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối ngày càng được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, tiện ích, chất lượng cao hơn.
Ngoài những kết quả nêu trên còn một số hạn chế đó là: việc xác định đối tượng hộ nghèo còn bất cập so với thực trạng nghèo ở địa phương; các quy định về đối tượng khó khăn cần nhận tài trợ, đối tượng được hỗ trợ lãi suất chưa được cập nhật kịp thời làm hạn chế ý nghĩa tài trợ của doanh nghiệp và thiệt thòi cho một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc nhóm đối tượng do Nhà nước quy định.
Công việc khảo sát, lập dự án và dự toán ban đầu so với thực tế sau khi hoàn thành bàn giao, thanh quyết toán công trình thường có sự chênh lệch lớn do khối lượng phát sinh nhiều, có hạng mục phát sinh hoàn toàn mới; sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn bản chưa xuyên suốt khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình triển khai; các cơ quan liên quan phối hợp chưa đồng bộ, việc hoàn thiện chứng từ giải ngân còn chậm và thiếu chính xác. Các thủ tục, quy trình thực hiện đầu tư và việc giải phóng mặt bằng công trình xây dựng thường phức tạp, một số cấp ủy địa phương chưa thực sự quan tâm, nhận thức của người dân chưa đầy đủ nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thời gian hoàn thành các công trình theo kế hoạch.
Một số kinh nghiệm:
Một là: Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và các cấp ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp, đơn vị thống nhất quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW trong toàn Đảng bộ, kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện công tác an sinh xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác năm của doanh nghiệp, đơn vị.
Hai là: Việc xây dựng, triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội phải phù hợp với khả năng huy động, cân đối nguồn lực của doanh nghiệp, chú trọng ưu tiên những người có công, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Ba là: Có chương trình hành động cụ thể, khả thi và thực hiện quyết liệt, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong doanh nghiệp.
Bốn là: Tổ chức phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua lao động sản xuất với các phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng”, “Cả nước chung tay vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau”, ủng hộ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”…
Phát huy vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao đời sống người lao động; tiếp tục đi đầu thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, để tạo thêm việc làm, thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhiệm vụ giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến 2045 Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tập trung các nội dung sau:
Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tiếp tục chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc, lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị thống nhất tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW (khóa X) và Kết luận 92-KL/TW, xác định công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài; cụ thể hóa vào chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, trong các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền dưới nhiều hình thức các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Khối về thực hiện nhiệm vụ chính trị; trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội; phát động các phong trào thi đua chung tay vì người nghèo.
Đổi mới cách thức và giải pháp tổ chức thực hiện chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo phù hợp với năng lực của các doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị trong Khối; khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Phối hợp với các địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, ký kết phối hợp, triển khai các dự án đầu tư kết hợp với hoạt động an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các đảng ủy trực thuộc phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, lãnh đạo đảm bảo việc đầu tư, hỗ trợ hiệu quả; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Đảng ủy Khối theo quy định. Ban Dân vận Đảng ủy Khối chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các đảng ủy trực thuộc theo dõi, tổng hợp, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.
Nguyễn Văn Tám - Chi bộ Ban Dân vận,
Đảng ủy Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương