Sign In

Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội

21:11 17/08/2023
Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì và phát biểu khai mạc, đề dẫn Hội thảo. Cổng Thông tin điện tử Học viện xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tại Hội thảo.

---

d1608tdcs-6251

Các đại biểu chủ trì Hội thảo

Thưa các đồng chí,

Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một "điểm sáng" và là một trong những "trụ cột" trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình Đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và phát triển của người dân. Đến nay tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng "đen", giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã cung cấp một nguồn lực quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách xã hội và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững; vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo mới, đa chiều).

Những thành tựu to lớn đó khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn, sáng tạo với những quyết sách kịp thời, nhạy bén, nhất quán trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội lấy người dân là trung tâm, theo phương châm: "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Cụ thể là: Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến tận cơ sở và bắt đầu từ cơ sở và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Đó còn là kết quả của ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, nỗ lực vươn lên làm chủ vận mệnh, hiện thực hóa khát vọng xây dựng một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương và các cấp ủy đảng; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền các cấp ở địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và người dân, những kết quả của tín dụng chính sách xã hội là minh chứng sinh động về ý Đảng hợp với lòng dân, góp phần phát huy sức mạnh nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Cần khẳng định, mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội có tính đặc thù, là sự vận dụng sáng tạo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam; khẳng định và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; gần dân, phù hợp với nhu cầu của nhân dân, đồng thời huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi phục vụ người nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác.

Với phương châm "Trung ương và địa phương đồng hành", "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", hằng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường... bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách phù hợp.

Với hệ thống chi nhánh và mạng lưới rộng khắp, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, thông qua hàng chục chương trình tín dụng khác nhau, nêu cao khẩu hiệu hành động "thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập được kênh tín dụng riêng, bám sát cơ sở, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có được vốn sản xuất, kinh doanh; giúp học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn đi học, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm; hỗ trợ người dân nông thôn, miền núi xây dựng các công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường; cho vay hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống..., góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững. Trong những năm gần đây, mỗi năm đã có bình quân hơn 2 triệu lượt người nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng dành một lượng vốn đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay để giúp các đối tượng chính sách sau khi thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Đồng hành với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội là sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên với vai trò là các đơn vị nhận ủy thác, thực hiện một số công việc trong quy trình tín dụng chính sách xã hội. Đây là một cách làm mới, chưa hề có tiền lệ. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ cơ sở cùng với các sáng kiến bắt nguồn từ thực tiễn như tổ chức các điểm giao dịch tại xã, thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, ấp, bản, làng, tổ dân phố... như là "cánh tay nối dài" của ngân hàng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng, kịp thời đến với các hộ gia đình khó khăn, có nhu cầu vốn cấp bách. Thông qua các hình thức vận động, tuyên truyền, nhiều hội viên của các hội trên đã thay đổi nhận thức rõ rệt: từ tâm lý mặc cảm, tự ti, e ngại tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đến nay nhiều người đã mạnh dạn hơn trong vay vốn sản xuất, kinh doanh; từ quan niệm về việc nhận được nguồn vốn "cho không", các đối tượng chính sách đã ý thức rõ hơn về nguyên tắc "có vay, có trả", có trách nhiệm hơn với đồng vốn vay của mình. Bởi vậy, các rủi ro trong Ngân hàng Chính sách xã hội luôn được kiểm soát và Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt nhất, tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.

Qua hơn 20 năm hoạt động và phát triển, nhất là sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự khẳng định được sứ mệnh, vai trò và trách nhiệm xã hội to lớn của mình, phát huy có hiệu quả mô hình thiết chế sáng tạo, đặc thù trong việc thực hiện tín dụng chính sách, khơi dậy truyền thống nhân văn, nhân ái, "lá lành đùm lá rách" của dân tộc Việt Nam, nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách phát triển và trong suốt tiến trình Đổi mới.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc triển khai tín dụng chính sách xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nguồn vốn để thực hiện tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn tuy đã đa dạng hơn nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo hiện nay vẫn còn bị phân tán, manh mún, chưa tập trung triệt để về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân, trong đó có đối tượng chính sách xã hội đã được nâng lên, nhu cầu vay vốn của nhân dân đã cao hơn nhiều, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng sát hợp hơn nữa với thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều quy định không còn phù hợp của một số chương trình tín dụng chậm được điều chỉnh. Một số địa phương vẫn chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động ủy thác đối với tổ chức chính trị-xã hội cấp dưới, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ.

Thứ nhất, cần phân tích, đánh giá hệ thống các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hiện hành về tín dụng chính sách xã hội, nhất là những quy định liên quan đến huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; kết hợp giữa tín dụng chính sách xã hội với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm mục tiêu an sinh, an ninh và trật tự xã hội... Trên cơ sở đó, kiến nghị sửa đổi những bất cập, những quy định không còn phù hợp với thực tiễn mới, đề xuất bổ sung những vấn đề còn thiếu liên quan đến: đối tượng được vay, thời hạn cho vay, hạn mức cho vay, đẩy mạnh xã hội hóa, khắc phục việc phân tán, dàn trải nguồn lực... góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Thứ hai, đánh giá một cách toàn diện quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đặc biệt trên các mặt: hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội; cụ thể hóa và thể chế hóa trách nhiệm tham gia của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; việc xây dựng, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững; cơ chế tạo lập nguồn vốn, kết quả bố trí nguồn lực (bao gồm cả ngân sách trung ương và địa phương) cho Ngân hàng Chính sách xã hội...

Trong tổng kết, đánh giá cần quán triệt sâu sắc các quan điểm mới của Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị khóa XIII về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, đó là: xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển, đặt trong tổng thể quản lý phát triển xã hội bền vững. Bảo đảm tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người. Đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội phù hợp với khả năng nền kinh tế, trong đó nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo cùng các nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp, xã hội, đóng góp của người dân. Thực hiện chính sách xã hội phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, thực tiễn đã chứng minh mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai trong hơn 20 năm qua là phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Vì vậy, cần tiếp tục khẳng định tính ưu trội và hợp lý của mô hình này, nhưng đồng thời cũng cần phân tích, đánh giá làm rõ một số bất cập, những điểm phải cải thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong thời gian tới.

Trên cơ sở đó, đề xuất nhiều kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội; các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù với sự tham gia của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành ngân hàng; phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ theo hướng hiện đại, tiện lợi, phù hợp với nhu cầu của khách hàng là người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp nhỏ, các hợp tác xã; huy động được nguồn lực ổn định, lâu dài, bền vững, để từ đó có thể mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay, tập trung ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn; tăng cường công tác thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh nhất là sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, khắc phục nguy cơ tái nghèo, vừa bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa đáp ứng mục tiêu xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương, phát triển đội ngũ cán bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội đủ năng lực, phù hợp với đặc thù của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Trân trọng cảm ơn các đồng chí!

Tác giả:

Tag:

File đính kèm