Tham dự buổi tiếp có đại diện lãnh đạo Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Viện Quan hệ quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Học viện.
Vui mừng chào đón GS Dominique Méda đến thăm và làm việc tại Học viện, phát biểu tại buổi tiếp, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp với những kết quả cụ thể, ấn tượng.
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện chủ trì buổi tiếp và làm việc
Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 4-1973. Năm 2013, hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, như các chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3-2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4-2019); chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (tháng 11-2018), v.v..
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do vậy, tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.
Nhấn mạnh những kết quả đạt được giữa Học viện với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nói riêng, các đối tác của Pháp, trong đó có vai trò cầu nối quan trọng của Đại sứ quán Pháp nói chung, điển hình như việc tổ chức lớp học tiếng Pháp cho cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Thoả thuận hợp tác giữa Đại sứ quán Pháp và Học viện ký ngày 1/1/1994; Thoả thuận Hợp tác giữa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ký tháng 1/2013, v.v.. PGS,TS Hoàng Phúc Lâm trân trọng cảm ơn những đóng góp, hợp tác tích cực với vai trò cầu nối của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Đại biểu dự buổi tiếp và làm việc
Trân trọng cảm ơn những đánh giá tích cực của PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, trao đổi tại buổi làm việc, GS Dominique Méda khẳng định tiềm năng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp là rất lớn, trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục, quốc phòng an ninh, giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển, v.v… Những con số ấn tượng trong hợp tác giữa 2 nước thời gian qua là minh chứng rõ rệt nhất.
GS Dominique Méda tin tưởng, với quá trình hội nhập quốc tế và hành lang pháp lý ngày càng đồng bộ, kết hợp với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và sự quyết tâm của chính phủ hai nước, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới được đánh giá sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.
Tại buổi tiếp và làm việc, hai bên cùng trao đổi, thảo luận về phương hướng hợp tác giữa Học viện và Đại sứ quán Pháp trong thời gian tới với những đề xuất cụ thể như: thông qua Bộ phận Hợp tác và Hoạt động Văn hóa của Đại sứ quán (Viện Pháp), Học viện và Đại sứ quán Pháp tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực 2 bên cùng quan tâm, với những hình thức đa dạng, thiết thực, như: Đại sứ quán Pháp giới thiệu và mời chuyên gia cao cấp của Pháp sang tọa đàm, hội thảo về các chủ đề mà hai bên cùng quan tâm; phối hợp với các đối tác của Pháp đồng tổ chức các hội thảo, các khóa bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến về các chủ đề do Học viện đề xuất, v.v..
** Sau buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS Dominique Méda đã có bài thuyết trình, chia sẻ thông tin tới cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện với chủ đề “Biến đổi khí hậu buộc chúng ta phải xem xét lại kiến thức của mình, bao gồm cả kiến thức về khoa học kinh tế”.
GS Dominique Méda trao đổi tại buổi chia sẻ thông tin
Tại buổi chia sẻ thông tin, với việc đưa ra các luận điểm về tăng trưởng, “Liệu các nhà sinh thái học có phải đoạn tuyệt với việc phê bình tăng trưởng, chủ nghĩa sinh lợi và chủ nghĩa tư bản, để dẫn dắt cuộc “quá độ sinh thái học” theo cách hiện thực hơn?”, GS Dominique Méda đã cung cấp lại những quan điểm, tranh luận và các nghiên cứu thực chứng xung quanh nội dung này.
Theo đó, vào năm 1972, báo cáo của Câu lạc bộ Roma nhan đề “Những giới hạn tăng trưởng” – được biết đến nhiều hơn dưới tên gọi “báo cáo Meadows”, ký tên Dennis và Donnella Meadows, hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts – đã dự đoán xã hội chúng ta sẽ sụp đổ trước khi thế kỷ 21 kết thúc nếu các biện pháp quyết liệt không được đưa ra nhằm khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại.
Các kết quả này tức thì bị chỉ trích dữ dội bởi một nhà kinh tế học, William Nordhaus, người vào năm 2018 đã dành giải Nobel về khoa học kinh tế.
Tuy nhiên, tính chính xác trong các phỏng đoán mà vợ chồng Meadows đưa ra đã được một nhà nghiên cứu người Australia tên là Graham Turner khẳng định, ông so sánh những phỏng đoán này với dữ liệu thực tế: nhờ vậy mà chứng minh được hiệu lực của phần lớn những phỏng đoán mà ê kíp Viện Công nghệ Massachusetts đưa ra.
Trên cơ sơ các nghiên cứu thực chứng của các nhà khoa học, theo chia sẻ của GS Dominique Méda, điều này không nhất thiết dẫn chúng ta đến chỗ đoạn tuyệt với mọi hình thức tăng trưởng, song ít nhất cũng đưa chúng ta đến chỗ đưa tăng trưởng chọn lọc vào những giới hạn chặt chẽ về vật lý và xã hội, có khả năng vật chất hóa nhờ thông qua hai chỉ số suy tàn ở mọi cấp độ: dấu ấn các bon và chỉ số sức khỏe xã hội.
Đại biểu dự buổi chia sẻ thông tin