Sign In

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị

17:41 31/03/2024
Chiều ngày 29/3/2024, Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội nghị lần thứ nhất. PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Biên tập dự và chủ trì hội nghị.

Tham dự Hội nghị có TS Nguyễn Mậu Tuân - Giám đốc, Tổng Biên tập, Ủy viên thường trực cùng các thành viên Hội đồng Biên tập và cán bộ, biên tập viên Nhà xuất bản Lý luận chính trị.

Ngày 07/3/2024, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 23221-QĐ/HVCTQG về việc thành lập Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị và Quyết định số 23222-QĐ/HVCTQG về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị. Theo đó, Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản gồm 11 thành viên, do PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện làm Chủ tịch Hội đồng. 

1

PGS,TS Dương Trung Ý phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị, TS Nguyễn Mậu Tuân - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Ủy viên thường trực thông báo về Quyết định về việc thành lập Hội đồng Biên tập và ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng Biên tập. Đồng thời, trình bày báo cáo công tác biên tập, xuất bản năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Nhà xuất bản Lý luận chính trị xin ý kiến Hội đồng. 

Báo cáo nêu rõ, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII, Nghị quyết của các cấp uỷ đảng; đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động xuất bản sách lý luận chính trị cả về hình thức và nội dung để đáp ứng tốt yêu cầu công tác tuyên truyền của Đảng; đặc biệt là các xuất bản phẩm phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; các xuất bản phẩm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.

Dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành, phát huy tinh thần đồng thuận, đoàn kết, trách nhiệm, năm 2023, Nhà xuất bản Lý luận chính trị đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác biên tập đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và Học viện trong lĩnh vực xuất bản, không để xảy ra sai sót, vi phạm; thực hiện nghiêm, chặt chẽ quy trình xuất bản, có nhiều thay đổi tích cực trong phương thức, cách thức triển khai công việc.

3

TS Nguyễn Mậu Tuân trình bày báo cáo tại hội nghị

Nhất trí với báo cáo được trình bày tại hội nghị, các thành viên Hội đồng biên tập khẳng định những thành tựu đạt được trong công tác biên tập, xuất bản năm 2023. Các ý kiến cho rằng, nhìn chung phản hồi của bạn đọc với các ấn phẩm xuất bản năm 2023 của Nhà xuất bản là tích cực, đánh giá cao tính nghiêm túc, chuyên nghiệp, chất lượng về nội dung khoa học và chính trị cũng như hình thức trình bày. Chỉ rõ một số tồn tại hạn chế cần khắc phục như: chưa có nhiều cuốn sách tiêu biểu; chưa phát huy được nhiều cộng tác viên bản thảo, việc tìm kiếm nguồn bản thảo sách tự kinh doanh còn hạn chế; đến nay, do nhiều nguyên nhân, Nhà xuất bản chưa có phương thức xuất bản hiệu quả mảng sách quan trọng này, việc chuyển đổi số, thực hiện xuất bản điện tử của Nhà xuất bản chưa được triển khai thực hiện, v.v.. các ý kiến cho rằng cần tiếp tục chú trọng việc xây dựng kế hoạch biên tập, xuất bản, phân tuyến, phân luồng công việc; duy trì nền nếp họp chuyên môn định kỳ, góp phần kiểm soát tốt hơn tiến độ, chất lượng công tác biên tập, xuất bản, v.v..

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, PGS, TS Dương Trung Ý cho biết, mục đích thành lập Hội đồng Biên tập nhằm nâng cao chất lượng khoa học của các xuất bản phẩm, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện, đồng thời đóng góp thiết thực vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.

Hội đồng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị có trách nhiệm: Tổ chức chỉ đạo định hướng chuyên môn cho Nhà xuất bản về chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động, nội dung trọng tâm tổ chức bản thảo và biên tập; tham gia thẩm định, phản biện hoặc biên tập nội dung bản thảo khi có đề nghị của Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản; chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng mạng lưới cộng tác viên, phát triển thương hiệu của Nhà xuất bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của Học viện; các hoạt động khác góp phần nâng cao uy tín, chất lượng khoa học các xuất bản phẩm của Nhà xuất bản.

Đồng thời, Chủ tịch Hội đồng cũng nêu rõ quyền hạn của các thành viên trong Hội đồng Biên tập: Được báo cáo cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của Nhà xuất bản theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng biên tập được hưởng chế độ liên quan đến công tác chỉ đạo định hướng hoặc tư vấn thẩm định, phản biện theo quy định.

2

PGS,TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, thành viên Hội đồng Biên tập trao đổi tại hội nghị

Đồng tình với định hướng công tác biên tập, xuất bản năm 2024 được nêu trong báo cáo, PGS,TS Dương Trung Ý nhấn mạnh: bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị (giáo trình, tài liệu, kỷ yếu hội thảo, đề tài khoa học…) phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của hệ thống Học viện, công tác biên tập, xuất bản của Nhà xuất bản Lý luận chú trọng mảng sách về đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; mảng sách về nghiên cứu vận dụng và phát triển lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khóa XIII; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Mở rộng cộng tác viên để tăng nguồn bản thảo cho Nhà xuất bản (đặc biệt là ở các trường chính trị trong cả nước), triển khai thực hiện chuyển đổi số; xây dựng và đưa vào thực hiện Đề án xuất bản điện tử...

Hội nghị cũng thông qua Chế độ làm việc của Hội đồng Biên tập: Hội đồng Biên tập hoạt động theo chế độ chuyên gia; thành viên Hội đồng Biên tập tham gia các sinh hoạt chuyên môn của Nhà xuất bản và được hưởng thù lao theo quy định; mọi thông tin trao đổi và tư vấn được thực hiện thông qua hình thức trao đổi bằng văn bản, gửi văn bản đến Nhà xuất bản theo hình thức bưu điện hoặc email, điện thoại; Hội đồng biên tập họp định kỳ mỗi năm một lần, có thể được triệu tập họp bất thường khi có đề nghị của Giám đốc, Tổng Biên tập, Ủy viên thường trực Hội đồng.

0

Quang cảnh hội nghị

----------------

Hội đồng biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị được thành lập gồm 11 thành viên: PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng; TS Nguyễn Mậu Tuân, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Ủy viên Thường trực; PGS,TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Ủy viên; PGS,TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Uỷ viên; PGS,TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Uỷ viên; PGS,TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Ủy viên; PGS,TS Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Ủy viên; PGS,TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Ủy viên; TS Đậu Tuấn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, Ủy viên; TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị, Ủy viên; TS Mai Hoài Anh, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Ủy viên, Thư ký.

Tác giả: Đức Mạnh

Tag:

File đính kèm