GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Viện
Dự buổi Lễ có GS,TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các đơn vị tại Trung tâm Học viện; tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, học viên Viện Văn hóa và Phát triển qua các thời kỳ.
Ngày 19/8/1984, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc đã ký Quyết định chuyển Tổ Bộ môn Văn hoá xã hội chủ nghĩa trực thuộc Khoa Triết học sang trực thuộc Giám đốc. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự ra đời của một đơn vị thuộc Trường Đảng, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Trải qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự nỗ lực và cống hiến của các thế hệ cán bộ, giảng viên, Viện Văn hoá và Phát triển đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đáng tự hào, đạt được nhiều thành tích trên các mặt công tác.
40 năm qua, Viện đã xây dựng và liên tục bổ sung, cập nhật các giáo trình cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị, giáo trình dành cho các hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị của cán bộ Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; xây dựng các chương trình, đề cương bài giảng phục vụ công tác đào tạo sau đại học; xây dựng các tài liệu phục vụ cho công tác bồi dưỡng theo chức danh. Hàng năm, Viện đảm nhiệm giảng dạy học phần Văn hóa và phát triển cho khoảng 40-45 lớp cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị; tham gia giảng dạy các lớp dành cho cán bộ của các đảng bạn, nước bạn.
Hoạt động đào tạo sau đại học của Viện cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Viện đã mở mã ngành và đào tạo Tiến sĩ Mỹ học, Tiến sĩ Văn hóa học, Thạc sĩ Văn hóa học và Thạc sĩ Quản lý văn hóa. Hệ thống các đề tài luận án tiến sĩ, luận văn cao học luôn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá và những vấn đề thực tiễn xây dựng, phát triển văn hoá Việt Nam.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm
Công tác nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động nổi bật của Viện. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa, văn nghệ, …. đã được Viện triển khai nghiên cứu, tổng kết. Viện đã chủ trì hàng trăm đề tài, đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện. Bên cạnh đó, Viện cũng đẩy mạnh hoạt động phối hợp nghiên cứu khoa học với các địa phương; hợp tác với một số tổ chức quốc tế, trường đại học nước ngoài trong nghiên cứu khoa học.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Giám đốc Học viện tại Lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Viện Văn hóa và Phát triển, Viện đã xây dựng thành công Đề án xuất bản Tạp chí Nghiên cứu văn hóa và phát triển. Từ 2022 đến nay, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa và phát triển được phát hành định kỳ mỗi quý một số, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, trở thành diễn đàn khoa học có uy tín công bố các nghiên cứu, trao đổi những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa và con người.
Với những thành tựu đã đạt được, Viện Văn hoá và Phát triển đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (1999), Huân chương Lao động hạng Hai (2004), Huân chương Lao động hạng Nhất (2009) và Huân chương Độc lập hạng Ba (2014), Bằng khen của Đảng ủy Khối (2023). Nhiều cán bộ, giảng viên của Viện có học hàm, học vị cao, nhiều thầy cô được trao tặng những danh hiệu cao quý như: Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc; được tặng thưởng Huân chương của Nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, … Tại Lễ kỷ niệm, Viện vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Nhìn lại chặng đường đã đi qua, phát biểu tại buổi lễ, PGS,TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển trân trọng ghi nhận, tri ân những người đã đặt nền móng cho sự ra đời của đơn vị và sự đóng góp, đồng hành của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Viện. Tự hào là một thành viên trong lịch sử phát triển của đơn vị, PGS,TS Vũ Thị Phương Hậu khẳng định sẽ nỗ lực cống hiến tâm huyết, trí tuệ, đoàn kết cùng tập thể, xây dựng Viện ngày càng phát triển; đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện, cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại buổi lễ, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chúc mừng tập thể cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên Viện Văn hóa và Phát triển nhân kỷ niệm 40 năm thành lập và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện ghi nhận và biểu dương, đánh giá cao những thành tích, đóng góp của Viện Văn hóa và Phát triển trong hoạt động chung của Học viện trên các lĩnh vực trọng yếu như đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học; góp phần khẳng định vị thế, uy tín và bản sắc của trường Đảng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Trong thời gian tới, để góp phần hiện thực hóa ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc "xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", sánh vai cùng các cường quốc năm châu, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị trên tinh thần bám sát quá trình xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và việc triển khai, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Viện Văn hóa và Phát triển cần chủ động biên soạn, bổ sung, cập nhật chương trình, giáo trình, bài giảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đơn vị, để ngay sau Đại hội XIV của Đảng, kịp thời hoàn thiện, sớm đưa vào giảng dạy; tích hợp hiệu quả nội dung tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào trong từng đơn vị kiến thức bài giảng một cách hợp lý, hiệu quả.
Tập thể lãnh đạo và cán bộ, giảng viên cần quán triệt sâu sắc những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 75 năm truyền thống vẻ vang của Học viện để vận dụng vào công tác nghiên cứu, giảng dạy, hướng đến xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bản sắc, hiện đại, hội nhập, đóng góp xứng đáng vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Đồng chí Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hóa trong hành trình phát triển của đất nước, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Viện cần tập trung triển khai các nghiên cứu, qua đó góp phần cung cấp những luận cứ khoa học sâu sắc về hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam; về vị trí, vai trò của văn hóa trong quản trị quốc gia, quản trị phát triển trong bối cảnh thế giới nhiều biến đổi; những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó khơi dậy, phát huy được tinh thần, ý chí tự hào, tự cường dân tộc; góp phần tạo lập cơ sở vững chắc để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng của đất nước trên con đường phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Đảng, Nhà nước trong việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, qua đó tranh thủ các ý kiến góp ý, xây dựng báo cáo chắt lọc, báo cáo kiến nghị, góp phần cung cấp luận cứ cho việc tư vấn, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để xây dựng, phát triển và chấn hưng nền văn hóa dân tộc.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Viện cần xây dựng một tập thể đoàn kết, gương mẫu, công bằng, hóa thân vì công việc; cần có sự chuẩn bị chủ động về nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy; thường xuyên kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện trong việc chia sẻ, trao truyền tri thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trẻ; thiết lập cơ chế phối kết hợp chặt chẽ giữa Viện với các đơn vị, các Khoa Văn hóa và Phát triển của các Học viện khu vực, các trường chính trị, đảm bảo tính hệ thống với tinh thần đồng bộ, chia sẻ, đoàn kết trong triển khai nhiệm vụ chung.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tin tưởng, với bề dày truyền thống và đội ngũ cán bộ dày dặn kinh nghiệm, vững vàng về chuyên môn, Viện Văn hóa và Phát triển sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành địa chỉ uy tín của cả nước trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng, dẫn dắt, đảm bảo về mặt chuyên môn với các đơn vị khác cùng chung tay xây dựng bản sắc văn hóa trường Đảng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trước Đảng, Tổ quốc, nhân dân.