Cùng chủ trì có PGS,TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; dự họp có các đồng chí thành viên Ban Tổ chức, Tổ thư ký giúp việc Cuộc thi.
GS,TS Lê Văn Lợi và PGS,TS Lê Hải Bình chủ trì cuộc họp
Báo cáo kết quả triển khai phát động Cuộc thi và dự kiến phương hướng công tác thời gian tới, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện, Ủy viên thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết, sau hơn 5 tháng phát động, Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ ba, năm 2023 đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực tuyên truyền phổ biến về Cuộc thi đến đông đảo tầng lớp nhân dân. Thông tin họp báo phát động Cuộc thi và nội dung cơ bản của kế hoạch, thể lệ đã được đăng tải trên tất cả các cơ quan báo chí lớn, đưa tin trên Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình địa phương. Ngay sau họp báo, đơn vị Thường trực Cuộc thi đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất trailer tuyên truyền về Cuộc thi và phát trên Đài Truyền hình Việt Nam (03 lần/ngày, một số thời điểm phát vào khung giờ “vàng” có nhiều người theo dõi), tạo được sự lan tỏa rất rộng rãi, tích cực.
Để cung cấp thông tin, kết quả triển khai Cuộc thi, Ban Tổ chức đã xây dựng website baovenentang.org.vn và giới thiệu rộng rãi đến các cơ quan đơn vị, địa phương. Website đăng tải thông tin về kế hoạch, thể lệ, chủ đề tác phẩm dự thi, công tác tổ chức, triển khai Cuộc thi ở các đơn vị, địa phương, các bài viết đạt giải tại Cuộc thi lần thứ nhất, thứ hai đã được xã hội hóa trên các báo/ tạp chí để các đơn vị địa phương tham khảo.
Quang cảnh cuộc họp
Đến ngày 31/7/2023 Ban Tổ chức Cuộc thi đã thu nhận được 256.859 tác phẩm dự thi. Một số đơn vị, địa phương có nhiều tác phẩm dự thi là Quân ủy Trung ương 111.897 tác phẩm, gấp 02 lần năm 2022; Thành phố Hà Nội 55.000 tác phẩm, gấp 9 lần so với năm 2022… Về tác phẩm của các tác giả nước ngoài, đến nay Ban Tổ chức thống kê được 06 tác phẩm, gồm 01 tác phẩm truyền hình của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, 03 tác phẩm của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Lào và 01 tác phẩm của tác giả người Mỹ. Sự lan tỏa rất rộng rãi của Cuộc thi tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Để đạt được những kết quả bước đầu đó, TS Nguyễn Anh Tuấn cho biết, quán triệt Kế hoạch số 16-KH/HVCTQG ngày 03/01/2023 của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương về hoạt động năm 2023 của Ban Chỉ đạo; ngày 31/1/2023, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 1712-KH/HVCTQG, Thể lệ Cuộc thi và định hướng chủ đề tác phẩm dự thi. Tiếp đó, ngày 01/2/2023, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các cơ quan phối hợp tổ chức họp báo phát động Cuộc thi, với sự tham gia, đưa tin trực tiếp của các cơ quan báo chí, tham gia trực tuyến của các địa phương trên toàn quốc.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện, Ủy viên Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi báo cáo tại cuộc họp
Ban Tuyên giáo Trung ương – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đã ban hành văn bản gửi Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tuyên truyền, đôn đốc tham gia, hưởng ứng Cuộc thi sâu rộng trong các cấp, các ngành, địa phương. Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản đề nghị các cấp Hội, các cơ quan báo chí phổ biến thể lệ cuộc thi, động viên các hội viên, nhà báo hưởng ứng cuộc thi, tích cực thể hiện vai trò xung kích của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hàng tuần, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo 35 Trung ương đều có thông báo đôn đốc Ban Chỉ đạo 35 các đơn vị, địa phương quan tâm tham mưu triển khai Cuộc thi hiệu quả ở đơn vị/ địa phương mình.
Qua nắm tình hình sơ bộ, Ban Chỉ đạo 35 các đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai phát động Cuộc thi rộng rãi trong hệ thống chính trị và toàn dân, nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Cuộc thi ở cấp mình. Điển hình như Quân ủy Trung ương đã ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi trong toàn quân từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương. Các Học viện trực thuộc, các đơn vị trong hệ thống Học viện, Đoàn Thanh niên Học viện, 73/73 trường chính trị, trường bộ, ngành đã triển khai Cuộc thi sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, học viên các hệ đào tạo, bồi dưỡng, v.v..
Trên cơ sở báo cáo được trình bày tại cuộc họp, các đại biểu tham dự làm rõ hơn nội dung công việc đã được triển khai theo phân công nhiệm vụ, những vướng mắc, khó khăn cần giải quyết và những nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
TS Lê Hải, Trưởng ban Tạp chí Cộng sản điện tử, Ủy viên Ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại cuộc họp
TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá cao những kết quả bước đầu đã đạt được và sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên Ban Tổ chức, Tổ thư ký giúp việc Cuộc thi.
PGS,TS Lê Văn Lợi nhấn mạnh, Cuộc thi năm 2023 được tổ chức trên quy mô toàn quốc, với sự tham gia phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu của nhiều cơ quan, đơn vị nên đến nay Cuộc thi đã được triển khai bài bản, đồng bộ, sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, tạo được hiệu ứng lan tỏa và thu hút được sự tham gia sâu rộng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi khẳng định, từ nay đến khi kết thúc nhận bài và công bố kết quả, khối lượng công việc của Cuộc thi là rất lớn và phải xử lý nhiều tình huống đặt ra. Vì vậy, PGS,TS Lê Văn Lợi yêu cầu các thành viên Ban Tổ chức, Tổ thư ký giúp việc Cuộc thi bám sát phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; cơ cấu các tiểu ban giám khảo và tiêu chí chấm cụ thể để đảm bảo sự công bằng giữa các tiểu ban; đối với những bài chấm sơ khảo chất lượng cần gửi đến các báo và tạp chí để giới thiệu, tuyên truyền; đảm bảo kinh phí cho việc tổ chức, triển khai Cuộc thi hiệu quả và thành công; yêu cầu đơn vị Thường trực Cuộc thi sớm đề xuất thành lập Hội đồng Giám khảo, ban hành Quy chế chấm thi, tiêu chí chấm điểm các bài viết dự thi theo từng thể loại…/.