GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ thực hiện Đề án (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); các đồng chí trong Ban Điều hành Đề án, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dự hội nghị có PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện; PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Phó Giám đốc Học viện; GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện,Trưởng ban Điều hành Đề án; PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; PGS,TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Thường trực Ban Điều hành; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị
Ngày 05/9/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Đây là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng nhằm thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về quyền con người. Việc thực hiện Đề án đánh dấu bước ngoặt không chỉ thay đổi về nhận thức mà còn bằng hành động thực tiễn nhằm thúc đẩy tôn trọng và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam lên tầm cao mới. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trực tiếp triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Báo cáo tổng hợp hoạt động của Đề án, GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện, Trưởng ban Điều hành Đề án khẳng định sau thời gian hơn 6 năm triển khai thực hiện Đề án, nhìn chung các cơ quan đã nhận thức khá sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Đề án. Việc triển khai thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người; trang bị kiến thức, kỹ năng về quyền con người cho nhiều đối tượng, đặc biệt là cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và người học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các cơ quan tham gia Đề án đã hoàn thành một khối lượng lớn các nhiệm vụ thông qua nhiều nội dung hoạt động khác nhau. Các sản phẩm của Đề án đã được xã hội hoá đến với người học và công chúng, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và hiệu quả đào tạo về quyền con người trong các các cơ sở giáo dục, đào tạo.
GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện,Trưởng ban Điều hành Đề án báo cáo tại Hội nghị
Việc triển khai thực hiện Đề án đã thu hút được sự chú ý của các cơ quan truyền thông, báo chí và công chúng về chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về quyền con người, giáo dục quyền con người, qua đó góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về quyền con người. Hoạt động của Đề án đã được đưa vào báo cáo về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam cũng như trong các cuộc đối thoại về quyền con người giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế và quốc gia khác, góp phần tích cực vào công tác ngoại giao về quyền con người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế.
Việc tổ chức các chuyến nghiên cứu khảo sát nước ngoài là cơ hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về giáo dục quyền con người của Việt Nam. Nhờ đó, thành tựu về giáo dục quyền con người đã lan tỏa tới nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao ở trong và ngoài nước. Về cơ bản, các hoạt động của cơ quan chủ trì thực hiện Đề án (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, mặc dù do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bối cảnh khó khăn dịch bệnh nghiêm trọng, cùng với sự chậm trễ, khó khăn về mặt tài chính, nhưng nhìn chung các cơ quan tham gia đề án đã nỗ lực thực hiện được một số hoạt động theo nhiệm vụ được phân công của.
Phát biểu tại Hội nghị GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.
Với tính chất quan trọng của Đề án, các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương cần khẩn trương đưa quyền con người vào hệ thống giáo dục tất cả các cấp học từ Mầm non. Căn cứ vào Chỉ thị, các bộ, ban, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đôn đốc để tập trung làm tốt nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Nhấn mạnh với mục tiêu đề ra đến hết năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học, trong khi thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều, các nội dung cần thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra còn khá lớn, GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, Thường trực Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần quan tâm quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao; sớm có văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý về nội dung giáo dục quyền con người để các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân làm căn cứ tổ chức triển khai giáo dục về quyền con người; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công, đảm bảo các hoạt động được triển khai đầy đủ, toàn diện, đúng tiến độ và chất lượng, hiệu quả; các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục tăng cường tuyên truyền về kết quả thực hiện Đề án giáo dục quyền con người, nhất là quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, về giáo dục quyền con người ở trong nước và cả ở nước ngoài; làm cơ sở cho đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc về quyền con người, giáo dục quyền con người ở nước ta.
Các địa phương phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải thống nhất nhận thức từ lãnh đạo chủ chốt đến các đơn vị thực hiện. Cần thiết rà soát lại nội dung chương trình xem việc gì phải làm trước để chủ động bố trí nguồn lực thực hiện. Thẩm định những văn bản nào cần kiến nghị để Trung ương có ý kiến giải đáp kịp thời. Các biện pháp thực hiện cũng cần phải cụ thể bắt đầu từ những sáng kiến, cách làm, chia sẻ những cách làm hay, làm mới.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
Ghi nhận và biểu dương Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan chủ trì Đề án - đã triển khai thực hiện và hoàn thành hầu hết các hoạt động theo Kế hoạch tổng thể đề ra, về cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã thể hiện tốt vai trò chủ trì của mình đối với các cơ quan tham gia thực hiện Đề án trong việc tích cực hỗ trợ các cơ quan về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là cung cấp kiến thức, kỹ năng về quyền con người.
Để đảm bảo đạt được mục tiêu của Đề án khi thời gian còn lại là không nhiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan tham gia thực hiện Đề án cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ được phân công, đối chiếu với Kế hoạch tổng thể, để có sự điều chỉnh sớm, triển khai kịp thời các hoạt động của Đề án theo sự phân công. Bố trí những người có năng lực, tâm huyết và có đủ điều kiện để tham gia thực hiện các hoạt động của Đề án cho đến khi kết thúc.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần tập trung làm tốt hơn vai trò chủ trì, điều phối, hỗ trợ của mình đối với các cơ quan tham gia thực hiện Đề án, tổ chức triển khai việc kiểm tra, giám sát, đánh giá và định kỳ báo cáo Chính phủ theo quy định. Các cơ quan tham gia Đề án cần sớm chủ động xây dựng phương án cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của Đề án sau khi kết thúc vào năm 2025, trên cơ sở các nhiệm vụ chưa triển khai và các nhiệm vụ mới phát sinh, đặc biệt nghiên cứu mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người trong hệ thống chính trị, căn cứ vào yêu cầu của tình hình thực tiễn đất nước trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người./.
Các đại biểu chụp ảnh chung