Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình KX.04/21-25 phát biểu tại Hội nghị.
Ngày 25/1, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024 của Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025, mã số KX.04/21-25.
Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình; GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình; GS,TS Nguyễn Quang Thuấn, Chánh Văn phòng Chương trình.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình, GS,TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình đã báo cáo kết quả thực hiện Chương trình năm 2023. Theo đó, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tích cực, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023.
Cụ thể, Ban Chủ nhiệm, Văn phòng Chương trình thường xuyên giữ mối quan hệ với các đề tài để trao đổi, góp ý về nội dung nghiên cứu cũng như về các thủ tục hành chính, tài chính. Trên cơ sở đó, để Ban Chủ nhiệm Chương trình kịp thời điều chỉnh quy chế hoạt động cho phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ nhiệm đề tài KX.04.33/21-25 phát biểu tại Hội nghị.
Ban Chủ nhiệm Chương trình đã phối hợp với các Tiểu ban của Hội đồng Lý luận Trung ương, với một số đề tài trong Chương trình tổ chức khảo sát thực tế, nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn về các vấn đề nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông dân; vấn đề trí thức; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; về an sinh xã hội… góp phần phục vụ Hội nghị Trung ương ra các nghị quyết.
Phối hợp với các Tiểu ban Chính trị, Kinh tế, Văn hóa - Xã hội - Con người, Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại của Hội đồng Lý luận Trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu tổ chức 05 cuộc hội thảo lớn. Kết quả Hội thảo đã được Ban Chủ nhiệm Chương trình tổng hợp, chắt lọc báo cáo trình Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương để tổng hợp trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Căn cứ vào tiến độ thực hiện của Chương trình, các đề tài trong Chương trình; Ban Chủ nhiệm Chương trình đã định hướng báo cáo kết quả nghiên cứu lần 2 và lần thứ 3 của các đề tài và tổ chức chắt lọc kết quả nghiên cứu của toàn Chương trình báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo quy định.
Việc tổ chức kiểm tra việc thực hiện về nội dung nghiên cứu, tiến độ nghiên cứu, các nhiệm vụ phục vụ nghiên cứu và quản lý, thanh quyết toán các đề tài đã được chuẩn bị chu đáo. Đã hoàn thành kiểm tra 39 đề tài gọn, tập trung, đúng mục đích, yêu cầu. Thông qua kiểm tra định kỳ đã giúp các đề tài tiếp tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, tiến độ thực hiện, chú ý đến chất lượng nghiên cứu, nhất là việc bám sát các yêu cầu nội dung “đặt hàng” của Ban Chủ nhiệm Chương trình. Nhiều đề tài đã hoàn thành các nhiệm vụ khảo sát thực tế trong nước, ngoài nước, hội thảo, tọa đàm, điều tra xử lý tài liệu phục vụ cho nội dung nghiên cứu. Một số đề tài đã hoàn thành cả nội dung cuối là “Đề xuất các quan điểm, giải pháp đột phá và định hướng chính sách,..” và đang được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy còn số ít đề tài chậm khắc phục những điều còn tồn tại đã nêu từ lần kiểm tra trước nên gặp khó khăn trong tổ chức nghiên cứu, chất lượng nội dung nghiên cứu cũng như các thủ tục về hành chính, tài chính.
Về sản phẩm, đến nay, tất cả các đề tài đã và đang thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu về sản phẩm theo “đặt hàng” của Ban Chủ nhiệm. Tất cả các đề tài đều đã có từ 03 bài báo trở lên; nhiều đề tài đã đạt và vượt chỉ tiêu về số bài báo được đăng trên các tạp chí trong danh mục được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận. Một số đề tài đã có bài báo quốc tế.
Việc tham gia đào tạo sau đại học, đến nay hầu hết các đề tài đã đạt và vượt chỉ tiêu này. Có đề tài đã đào tạo gần 20 học viên cao học và 07 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tuy nhiên, cũng còn vài đề tài đang khó khăn trong việc tham gia đào tạo sau đại học theo thuyết minh.
Về kế hoạch năm 2024, có một số nội dung chính cần thực hiện: Tiếp tục chỉ đạo các đề tài hoàn thành các nhiệm vụ phục vụ công tác nghiên cứu nội dung còn lại như khảo sát thực tế ở các bộ, ngành, tỉnh, thành phố và đi khảo sát nước ngoài; điều tra xã hội học trong Quý I năm 2024; Kiên quyết chỉ đạo các đề tài thực hiện xong các nội dung nghiên cứu trong Quý II, III năm 2024; Nâng cao chất lượng nội dung nghiên cứu, cụ thể là chất lượng báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài, báo cáo tóm tắt, báo cáo kiến nghị của đề tài; Tập trung nâng cao chất lượng 02 báo cáo trung gian rất quan trọng của các đề tài. Báo cáo những vấn đề mới về lý luận và thực tiễn mà đề tài đã nghiên cứu; báo cáo kiến nghị những vấn đề cần đưa vào Văn kiện Đại hội XIV của Đảng; Tổ chức gọn, hiệu quả 02 kỳ kiểm tra định kỳ đề tài vào tháng 6 và tháng 12 năm 2024; Tiếp tục dứt điểm thanh quyết toán đợt I, cấp kinh phí đợt II và kinh phí đợt III cho các đề tài theo quy chế; Mốc thời gian: từ Quý II năm 2024 đến hết năm 2024, các đề tài sẽ hoàn thành “tự đánh giá” (nghiệm thu cơ sở) và cơ bản nghiệm thu cấp quốc gia vào năm 2024.
Tại Hội nghị, đại diện Ban chủ nhiệm các đề tài nhất trí với Báo cáo tổng kết Chương trình, đồng thời, thảo luận và đưa nhiều đóng góp có giá trị, chia sẻ các khó khăn cũng như kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, góp phần triển khai thành công Chương trình KX 04/21-25.
Các chủ nhiệm đề tài cũng đánh giá cao sự sát sao, đưa ra nhiều hướng dẫn, kết nối, triển khai thông báo, nhắc nhở về báo cáo tiến độ của Ban Chủ nhiệm Chương trình.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Ban Chủ nhiệm 39 đề tài cũng như Ban Chủ nhiệm, Văn phòng Chương trình nhằm thực hiện tốt nhất Chương trình cả về tiến độ và chất lượng. Đồng chí nhấn mạnh đây là Chương trình nghiên cứu lý luận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Kết quả của Chương trình nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ sự lãnh đạo chỉ đạo thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; phục vụ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phục vụ việc quy hoạch định đường lối của Đảng mà cụ thể là trực tiếp phục vụ xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Ban Chủ nhiệm các đề tài cần thực hiện hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc, bảo đảm tính lý luận, khoa học; tuân thủ đúng các quy chế của Chương trình.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh năm 2024 là năm nước rút, vì thế Ban Chủ nhiệm các đề tài và Ban Chủ nhiệm Chương trình phải phát huy tinh thần trách nhiệm thật cao, hoàn thành tất cả các báo cáo chuyên đề, dự thảo xây dựng, báo cáo tổng hợp, báo cáo chắt lọc, báo cáo giữa kỳ với chất lượng thật tốt để phục vụ cho việc xây dựng Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
P.V