Tóm tắt: Nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đã được thể hiện cô đọng, mới nhất trong tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, trước bối cảnh mới toàn diện và sâu sắc trong nước cũng như trên thế giới hiện nay, việc giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội đang gặp nhiều rào cản cần tiếp tục tháo gỡ. Trong đó việc xác lập hệ nguyên tắc mang tính chất công cụ cho việc thực hiện tốt các chức năng của Nhà nước, thị trường và xã hội cần được coi là giải pháp mang tính đột phá.
1. Tư duy mới về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Đi đôi với việc thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ kết quả tổng kết thực tiễn và lý luận được kế thừa từ nhiều kỳ Đại hội xuyên suốt thời kỳ Đổi mới, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu nhận định một cách có hệ thống, đầy đủ, cơ bản về mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội. Theo đó, Đại hội XIII xác định mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được thể hiện tập trung và rõ hơn hết trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về quan hệ giữa nhà nước với thị trường, Đại hội XIII khẳng định: trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ môi, các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trường hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của nền kinh tế thị trường.
Về khía cạnh xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, Đại hội XIII của Đảng nêu bật việc xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, những mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ủy quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ, trang trại trong nông nghiệp. Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công – tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có tình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động có kỹ năng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực cần ưu tiến phát triển; có liên kết, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu[1]
Về khía cạnh quan hệ thị trường và xã hội, thị trường đóng vai trò quết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Để phát huy vai trò của thị trường, Đại hội XIII chủ trương thực hiện tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ c ác yếu tố thị trường, các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ, kể cả dịch vụ công cơ bản. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực. Phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm... trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng, công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ. Phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường quyền sử dụng đất. Phát triển thị trường lao động linh hoạt gắn với cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ thị trường. Xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phức lợi và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Để kết hợp thị trường và xã hội, Đại hội XIII nêu rõ, phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững. Xác lập nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động phù hợp với sự phát triển của thị trường, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên đưa lao động có tay nghề đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao, an toàn và tiếp tục phát huy nguồn lực này khi về nước trên cơ sở bảo đảm cơ cấy, chất lượng nguồn nhân lực trong nước. Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đạo tạo lại cho người lao động để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động. Chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thưc, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề[2].
Về khía cạnh quan hệ giữa xã hội với nhà nước , Đại hội XIII chỉ rõ: các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản anh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật. Để đảm bảo sự phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, Đại hội XIII nêu rõ sự cần thiết nhận thức và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong chính sách xã hội. Coi đây là phương thức để đảm bảo mối quan hệ nhà nước và xã hội thích hợp với điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phức lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người. Triền khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội. Xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa. Trên cơ sở dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu, xã hội ở nước ta trong những năm tới, xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, quan tâm lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, nhất là với lao động khu vực phi chính thức. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, đảm bảo người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong các địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn, đáp nghĩa”. Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả. Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng đảm bảo những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm[3]. Cùng với đó, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp các nhóm xã hội yếu thế cũng được đề cập như là phương thức để giải quyết tốt hơn mối quan hệ nhà nước và xã hội. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ - bền vững. Triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020- 2030, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển, tập dụng và phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, đồng thời chuẩn bị điều kiện thích ứng với già hóa dân số, nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khỏ, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, phát triển hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Nần cao năng lực chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng. Thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước; xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình; phát triển mạnh ngành công nghiệp dược và thiết bị y tế[4].
Như vậy, xét về tổng thể, tư duy về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội của Đảng ta đã được nâng lên tầm cao mới so với các kỳ Đại hội trước đó. Trong các kỳ Đại hội từ Đại hội XII trở về trước Đảng ta mới nhấn mạnh việc phân định và xác lập mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường, khía cạnh mối quan hệ giữa thị trường và xã hội, xã hội và nhà nước chưa được tổng kết thành hệ quan điểm toàn diện. Đến Đại hội XIII, tư duy về các mối quan hệ này trong tổng thể cấu trúc quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội đã được nêu rõ và đẩy đủ. Không những vậy, một số phương thức cơ bản về giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội cũng đã được nêu lên trong Văn kiện Đại hội XIII. Trong đó thông qua kết hợp vai trò của các chính sách và chức năng của thị trường cũng như các chính sách xã hội dựa trên nguyên tắc thị trường đã được lưu ý trong giải quyết mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội. Thành tựu mới này thể hiện tư duy sâu sắc, có cơ sở khoa học, thực tiễn xác đáng, được đúc kết trong gần bốn thập kỷ Đổi mới của Đảng ta. Tuy vậy, xét về khía cạnh các nguyên tắc cơ bản và tiêu chí mang tính chất như là bộ công cụ cho việc thực hiện giải quyết tốt các mối quan hệ nêu trên là vấn đề cần phải được tiếp tục bổ sung, làm sâu sắc hơn nữa.
2. Một số điểm cần tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn trong tư duy lý luận về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh mới
Trước bối cảnh phát triển mới, trong đó có nhiều điểm rất bất thường và khó dự bảo của bối cảnh quốc tế, việc giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội hiện nay ở Việt Nam đang cần phải cụ thể hóa nhiều khía cạnh, cơ bản có thể tổng hợp thành một số nhóm như sau:
Thứ nhất, nhóm các tiêu chí và nguyên tắc để định vị rõ mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong quản trị phát triển đất nước vừa thiếu, vừa trùng chéo.
Về khía cạnh này, nổi bật rõ nhất là hệ thống các nguyên tắc và tiêu chí phân định chức năng của các bộ phận cấu thành chủ thể tổng hợp dưới phạm trù Nhà nước. Trong hệ thống chính trị ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc phân định mang tính nguyên tắc khái quát nhất trong sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan thuộc cấu trúc Nhà nước trên nền quyền lực nhà nước là thống nhất của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, khi đặt hệ quy chiếu các nhiệm vụ quyền lực được phân công của các cơ quan thuộc cấu trúc Nhà nước trong quan hệ với thị trường và xã hội, nhất là đối với cấu trúc các chủ thể quyền lực nhà nước được phân công (Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân) với thành tố thị trường và các tổ chức xã hội (cũng như phạm vi xã hội rộng lớn hơn) sẽ cần phải dựa trên nguyên tắc và tiêu chí cụ thể nào là chưa rõ. Việc thực thị quyền lực của các cấp chính quyền địa phương được phân công, có phối hợp về mặt nguyên tắc định hình chung thì đã được nêu. Đó là thực hiện theo cấu trúc thể chế hiện hành. Tuy nhiên, các thể chế hiện hành mới chỉ định hình được chức năng của các cơ quan thuộc cấu trúc chính quyền địa phương mà chưa nêu được mối quan hệ của các cơ quan này với thị trường và trong việc giải quyết mối quan hệ với thị trường cũng như xã hội. Điều này làm cho các cấp chính quyền địa phương đang có rất nhiều lúng túng trong giải quyết các mối quan hệ phát triển gắn với địa phương. Lằn ranh giữa thực hiện chức năng phát triển (đòi hỏi phải chủ động) với các quy định thể chế nhiều điểm trùng chéo, mâu thuẫn, có thể được áp dụng khác nhau trong cùng một hoàn cảnh thể chế là chưa rõ ràng. Làm cho việc phát huy vai trò của cả nhà nước và thị trường trên phạm vi các địa phương là không rõ. Việc thiếu rõ ràng thể hiện trong các khía cạnh quản trị phát triển địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia vừa quá tải, vừa lúng túng, thiếu hiệu quả và tính đồng chiều giữa các véc tơ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội đang gặp nhiều trở ngại.
Không chỉ có vậy, nguyên tắc cho việc phân cấp, phân quyền, phối hợp trong phát triển và giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội cũng là vấn đề còn trống về mặt lý luận hiện nay. Sẽ phải thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với phát huy vai trò của thị trường như thế nào trên cơ sở sự giám sát của xã hội với các chính sách phát triển và gắn với mục tiêu chính sách xã hội trong điều kiện các nguồn lực về cơ bản vẫn dựa trên sự phân bổ theo nguyên tắc xin – cho mang tính phổ biến hiện nay. Mặc khác, việc phân cấp, phân quyền cần dựa trên kết hợp nguyên tắc minh bạch của thị trường với tính hành chính của nhà nước và sự đa dạng của phạm vi các tổ chức xã hội sẽ phải được thực hiện dựa trên các công cụ thể chế nào để đảm bảo không dẫn tới sự buông lỏng, lạm dụng hoặc tác động ngược chiều nhau là vấn đề cần tiếp tục phải được minh định về tư duy lý luận. Về khía cạnh này, tư duy mới nhất của Văn kiện Đại hội XIII mới đủ rõ về nguyên tắc: thị trường quyết định việc hình thành giá cả hàng hóa, dịch vụ, trong khi Nhà nước chủ trì việc huy động và phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, làm thế nào để thị trường có thể trở thành căn cứ cho việc xây dựng, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển là vấn đề chưa rõ về mặt lý luận. Về điểm này, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, căn cứ cho việc xác định các chính sách và do đó, tính tới quy mô, hiệu quả sử dụng các nguồn lực phải dựa trên giả định tổng phúc lợi xã hội kỳ vọng phải đạt được là tối ưu. Phạm vi chức năng của Nhà nước, của thị trường và xã hội cần phải được đặt trong hệ quy chiếu chung là sự gia tăng phúc lợi xã hội chứ không đơn thuần chỉ là quy mô GDP.
Phân cấp, phân quyền, ủy quyền chưa rõ thể chế, và phương thức thực hiện dẫn tới chờ đợi, không tạo dư địa cho sự bứt phá trong các cấp chính quyền địa phương. Đây cũng đang là vấn đề lớn trong tính toán phát triển liên kết vùng hiện nay. Giữa các vùng đều đã có nghị quyết để thúc đẩy phát triển, song vấn đề phân bổ nguồn lực hiện nay lại được tính toán trên cơ sở tính địa phương trong từng vùng cho nên cơ hội để có thể phối hợp phát triển gần như rất thấp và nhiều khía cạnh xã hội có thể nói là không thể thực hiện được. Chức năng xã hội của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp là chung trên phạm vi cả nước, song khi đi vào thực tế địa phương thì tính địa phương là rất điển hình, vậy đâu là nguyên tắc cho việc thực hiện chức năng xã hội trong tương quan với chính quyền và thị trường trên phạm vi từng địa phương và giữa các địa phương trong mỗi vùng và giữa các vùng với cả nước. Trong khi xét về mặt thị trường thì phạm vi lại không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tiêu chí nào để xác lập mối quan hệ như vậy trong khi phải đảm bảo tính hiệu quả của phúc lợi xã hội tối ưu khi thực hiện các quy hoạch và chính sách phát triển khi nguồn lực được phân bổ dựa trên xác định và đề xuất nhu cầu của các địa phương và thông qua sự tổng hợp của Chính phủ cùng các Bộ liên quan làm căn cứ để trình ra Quốc Hội phê chuẩn.
Nhóm thứ hai, trách nhiệm, cơ chế đảm bảo phối hợp thiếu, yếu và lỏng, không rõ trách nhiệm.
Thực tiễn quản trị phát triển trong bộ ba quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội gần đây trên phạm vi cả nước đang cho thấy tính thiếu chặt chẽ và sự chưa thường xuyên của quá trình phối hợp dọc cũng như phối hợp ngang trên phạm vi các cấp chính quyền nhà nước cũng như phạm vi các chủ thể xã hội. Do cấu trúc đặc thù chức năng trên thực tế, các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, về mặt lý thuyết là có thể tham gia phản biện, giám sát xây dựng, ban hành và thực thi chính sách, từ đó phát huy được mối quan hệ giữa xã hội với nhà nước dựa trên hệ quy chiếu nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự phát huy vai trò của mối quan hệ này là hết sức lỏng và mờ nhạt. Thể chế đồng bộ cho việc tham gia của các bên mang tính xã hội vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách và đặc biệt là khâu phân bổ nguồn lực là thiếu cụ thể, gần như tuyệt đại bộ phận các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp mang tính chất chính thống không có cơ hội thể hiện tiếng nói của mình trong các quyết định phân bổ nguồn lực của các cơ quan chức năng, đối với phạm vi rộng lớn là người dân thì quan hệ này lại càng xa vời.
Về phối hợp trong nội bộ giữa các cấp chủ thể mang tính nhà nước trong toàn phạm vi hệ thống cũng như giữa các cơ quan được phân công mới rõ về mặt nguyên tắc chung, trong khi để đi vào thực tế cuộc sống lại cần phải cụ thể hóa trên phạm vi cấp địa phương. Tuy nhiên, các quy định mang tính tiêu chí đánh giá và yêu cầu bắt buộc cho sự phối hợp này trong quan hệ với thành tố thị trường là mảng trống lớn về thể chế. Thành thử, việc điều hành, phối hợp như trên gần như dựa vào năng lực cá nhân của các chủ thể trong tổ chức bộ máy lãnh đạo. Quan điểm cá nhân nhiều khi được lồng vào các quyết định không phải là kết quả của sự bàn bạc tập thể đã dẫn đến nhiều biến tướng vừa bóp méo vai trò của nhà nước, vừa không thấy được vai trò của thị trường, càng khó tìm thấy vai trò của các tổ chức xã hội trong việc thể hiện nhiệm vụ của mình trong phân bổ, giám sát sử dụng nguồn lực, kể cả nguồn lực đất đai. Hệ quả của hiện tượng này là hàng loạt các sự sai phạm đã xảy ra trên phạm vi cả nước thời gian vừa qua.
Nhóm thứ ba, các nguyên tắc cho việc phân định chức năng xã hội của Nhà nước với chức năng của các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp và yêu cầu phải thực hành chức năng xã hội của doanh nghiệp thiếu rõ ràng. Về khía cạnh này, việc thực hiện chức năng xã hội của Nhà nước mới chủ yếu thể hiện ở việc xây dựng các chính sách xã hội. Tuy nhiên, vai trò của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước về thực hiện chức năng xã hội của nhà nước thay vì chỉ thực hiện xây dựng các chính sách xã hội cần phải được cụ thể hóa. Chức năng của các cấp chính quyền và các nhánh quyền lực được phân công trong thực hiện chức năng xã hội của nhà nước nên được xâm nhập đến mức độ và phạm vi như thế nào vào đời sống của xã hội và thị trường cần được định vị theo các nguyên tắc minh định. Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế hoặc buông lỏng vai trò quản lý dẫn tới sự lũng đoạn, chụp giật của thị trường đều thể hiện mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội là có vấn đề. Không những vậy, các nguyên tắc chuẩn mực cho việc tham gia của các chủ thể xã hội vào quá trình huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả c ác nguồn lực cho phát triển cũng là vấn đề mang tính khoảng trống hiện nay. Những khoảng trống này cần phải được sớm có các giải pháp tối ưu.
3. Một số đề xuất nhằm xây dựng sinh thái thể chế cho việc giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh mới
Trên cơ sở một số nhóm khía cạnh vấn đề nêu trên, các đề xuất cụ thể sau nên được các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội chú ý tham khảo:
Một là, về phía chủ thể nhà nước, ngoài những nguyên tắc chung về phân công và phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống nhà nước trên nền tảng quyền lực là thống nhất của dân, do dân, vì dân, các nguyền tắc mang tính tiêu chí cho việc xác định yêu cầu bắt buộc trong việc thực hiện xây dựng, thực thi, hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách đi liền với huy động và sử dụng nguồn lực phải có sự tham gia của người dân cần phải được cụ thể hóa một cách thực chất. Đi liền với đó, việc xây dựng các chính sách phải đảm bảo nguyên tắc phát huy tính tham chiếu và dựa trên các nguyên tắc thị trường trong huy động, sử dụng và phân bổ nguồn lực cần được cụ thể hóa sớm. Trong đó các quy định manh tính thể chế bắt buộc về quy hoạch, kế hoạch phát triển phải tính tới và dựa trên xu hướng phát triển thị trường và khả năng hoàn thiện của thị trường cần được coi là nguyên tắc thường trực trong mỗi chủ thể tham gia xây dựng, thực thi chính sách phát triển. Đi liền với đó, các ranh giới cho việc phát huy vai trò của thị trường, các doanh nghiệp đến đâu để không xâm nhập, đưa lợi ích nhóm của các doanh nghiệp này vào trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách cần được xác định cụ thể.
Hai là, xây dựng mới hệ các nguyên tắc hoặc bộ công cụ cho việc thực hiện phân cấp, phân quyền thực chất hơn trong mối quan hệ với sự giám sát của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp. Trong bối cảnh số hóa và từng bước hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ, cần xác định lại chức năng và cấu trúc bộ máy quản trị phát triển phù hợp với yêu cầu minh bạch của thị trường trong phân cấp, phân quyền. Việc thực hiện nguyên tắc một việc phải do một chủ thể chủ trì, một chủ thể có thể thực hiện quản trị nhiều việc song đâu là nguyên tắc để đánh giá hiệu quả của việc thực hiện các phần việc đó trong nền tảng quan hệ thị trường và sự giám sát của các tổ chức xã hội và sự giám sát của toàn dân cần phải được ban hành sớm. Trước mắt, việc lấy hiệu quả gia tăng phúc lợi xã hội thông qua các tiêu chí về việc làm, thu nhập, an sinh xã hội, việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, thực hiện bộ chỉ số tiến bộ xã hội vào trong quá trình phát triển làm tiêu chí đánh giá tính hiệu quả theo nguyên tắc thị trường giàm thiểu chi phí trong khi lợi ích là tối ưu.
Ba là, đồng bộ hóa vai trò của nhà nước, thị trường và xã hội trong hệ quy chiếu nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên phân định chức năng xã hội của nhà nước, chức năng xã hội của doanh nghiệp với chức năng của các tổ chức xã hội cũng như năng lực làm chủ của nhân dân trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như trong suốt quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc thực hiện vai trò giám sát trực tiếp của người dân cần phải dựa trên thể chế minh bạch hóa thông tin về quản trị phát triển của nhà nước, thông tin về thực hiện chức năng xã hội của doanh nghiệp và sự chống việc “bắt tay” giữa doanh nghiệp với quan chức lãnh đạo trên phạm vi tất cả các cấp trong khi thiếu cơ hội được thể chế hóa thực chất của các tổ chức xã hội và người dân tham gia vào quá trình quản trị phát triển.
Tóm lại, tư duy lý luận về mối quan hệ nhà nước, thị trường và xã hội trong thời kỳ Đổi mới của Đảng ta đã có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, để đi vào chiều sâu của quá trình phát triển đất nước, hệ thống thể chế manh tính tiêu chí đánh giá, các nguyên tắc để cho việc phát huy vai trò cảu các thành tố nhà nước, thị trường, xã hội một cách thực chất và hiệu quả cần được tiếp tục bổ sung, làm rõ và hoàn thiện hơn nữa./.
PGS.TS Ngô Tuấn Nghĩa*
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dianie Coyle (2020), Thị trường, Nhà nước và người dân – kinh tế học về chính sách công, Bản dịch tiếng Việt, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tập I.
* Viện Kinh tế chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.128 -129,134, tập I.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.128 -129,149-150, tâp I.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.128 -130,148-149, tập I.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.128 -130,149-152, tập I