Sign In

Nhận thức mới về bối cảnh phát triển đất nước trong giai đoạn mới (phần 1)

22:40 07/01/2024


Để có thể xác định rõ hơn định hướng chiến lược và các giải pháp phát triển đất nước trong giai đoạn mới, cần phải nhận rõ bối cảnh, cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra trong giai đoạn mới. Đảng ta nhận định: Giai đoạn hiện nay và các thập kỷ sắp tới là giai đoạn phát triển rất nhanh, đột biến, khó lường, tạo ra những cơ hội lớn lao cùng những thách thức cũng rất lớn đối với sự phát triển của các nước, nhất là đối với các nước đang phát triển và còn kém phát triển, trong đó có Việt Nam.

 

  1. Về bối cảnh quốc tế:

Trong giai đoạn mới, nước ta sẽ tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Sự phát triển của thế giới bị chi phối bởi các khuynh hướng và các lực lượng khác nhau, nhưng về cơ bản vẫn chủ yếu trong môi trường quốc tế do các nước phát triển, các nước lớn, nhất là các nước tư bản phát triển chi phối, thể hiện trên các phương diện chủ yếu sau:

 

i) - Sự phát triển của thế giới, mà dẫn đầu là các nước tư bản chủ nghĩa phát triển vẫn tiếp tục phát triển theo các quy luật khách quan mà Mác đã nêu lên về “sự phát triển lịch sử tự nhiên của loài người” qua các hình thái kinh tế - xã hội. Chủ nghĩa tư bản vẫn đóng vai trò chi phối chủ đạo các xu thế phát triển lớn của thế giới; nhưng sự chi phối này chịu sự tác động, đấu tranh của các xu hướng phát triển lớn khác là: xu hướng phát triển “dân chủ xã hội”, xu hướng phát triển theo chủ nghĩa xã hội (hay “định hướng xã hội chủ nghĩa”), xu hướng “dân tộc chủ nghĩa” với những sắc thái khác nhau, xu hướng “tôn giáo hóa”…, tạo nên những giá trị chung của nhân loại trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

 

ii) - Thực tế cho thấy, trong các nước tư bản chủ nghĩa, nhất là trong các nước tư bản phát triển, do quy luật phát triển “phủ định” biện chứng (khách quan) của quá trình phát triển và xã hội hóa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đang từng bước “nẩy sinh” các nhân tố “xã hội chủ nghĩa” trong lòng nó đúng như dự báo của Mác; cùng với sự đấu tranh, tác động của các xu thể phát triển khác trên thế giới trong quá trình hội nhập quốc tế; làm cho sự phát triển của các nước tư bản chủ nghĩa không thể không chứa đựng một số những giá trị chung của nhân loại (như hòa bình, dân chủ, quyền con người, bình đẳng giữa các quốc gia, chống nghèo đói, phát triển bền vững…). Điều này cho thấy, chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình phát triển vẫn giữ bản chất “bóc lột giá trị thặng dư”, nhưng dưới những hình thái mới[1]; nhất là khi khi tư bản sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghệ cao ngày càng tăng lên. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản “dường như” “buộc phải” ngày càng “nhân bản hơn” thông qua phát triển theo những giá trị chung của nhân loại, nâng cao hơn đời sống mọi mặt của người dân. Đó cũng là kết quả đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trong xã hội, ở ngay trong lòng các nước đó.

 

iii) - Dưới tác động của các xu hướng phát triển khác nhau và quá trình toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề “ý thức hệ” không còn đóng vai trò “độc tôn” chủ đạo chi phối quan hệ quốc tế, quan hệ giữa các nước; mà nổi lên hàng đầu là “lợi ích quốc gia - dân tộc”, “lợi ích tương hỗ” giữa các bên trong quá trình hội nhập quốc tế. Trong đó, sức mạnh và tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự của một quốc gia, nhất là các nước phát triển, các nước lớn, vẫn đóng vai trò quan trọng trong định hình cấu trúc quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vấn đề đấu tranh “ý thức hệ” bị mất đi, bị coi nhẹ.

 

iv) - Dưới tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn; cùng với quá trình toàn cầu hóa, thế giới đang diễn ra quá trình “đa cực hóa”, đang hình thành các cực khác nhau về “quyền lực quân sự - chính trị”, về “trung tâm phát triển kinh tế, công nghệ” (các loại cực này có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng không phải khi nào cũng là một); tạo thành các “tầng cực” (hay mạng lưới) các cực khác nhau: tầng trên cùng là Mỹ và Trung Quốc, tầng thứ hai gồm EU, Nhật bản, Nga, Ấn Độ, tầng thứ 3 gồm các nước tư bản phát triển khác trong nhóm G7, G 20; nhóm các nước mới nổi BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi ngày càng lớn mạnh, cuốn hút sự quan tâm của nhiều nước muốn tham gia[2]. Có các cực ở tầm toàn cầu, có các cự ở tầm khu vực. Các tầng cực này lại đan xen với nhau theo các quan hệ lợi ích giữa các nước, và trong quan hệ với các nước khác trên thế giới.

 

Xu thế này đưa đến tình trạng “phân mảnh” trong cấu trúc quan hệ quốc tế, vừa đấu tranh, vừa hợp tác không chỉ giữa các cực, giữa các nước, mà còn giữa các khối liên kết khác nhau, tác động “tiêu cực” đến quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Trong không ít trường hợp, các “cực lớn”, các khối liên kết lớn dùng “thế lực” của mình ép các nước nhỏ hơn phải “chọn bên”, phải phát triển “trong quỹ đạo ảnh hưởng” của mình, hoặc phải chịu thiệt thòi. Quá trình đa cực hóa, “khối hóa” gắn với mạng lưới hóa trong quan hệ quốc tế, cùng với sự tác động của cạnh tranh chiến lược, của biến đổi khí hậu, của cấu trúc địa chính trị, đang diễn ra “tái cấu trúc” quan hệ quốc tế, nhất là đối với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, theo các khối, các nhóm, với tiêu chí “lợi ích” chiến lược làm “điểm đồng chi phối”, trên cơ sở xây dựng “lòng tin chiến lược”, “đồng chí hướng”. Cũng trên cơ sở này, các nước tư bản phát triển triển khai tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các chuỗi cung ứng có tính chiến lược (như về công nghệ cao, về năng lượng, về lương thực…), nhằm đảm bảo an ninh, ổn định, hiệu quả và bền vững trong phát triển.

 

v) - Chủ nghĩa tư bản, mà đại diện là các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, vẫn là lực lượng chủ đạo phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại (cả nền kinh tế thực và nền kinh tế ảo, nền kinh tế số…), nền khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nền giáo dục - đào tạo chuyên gia trình độ và chất lượng cao; là lực lượng chủ đạo phát triển Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy mạnh quá trình “thông minh hóa” nền sản xuất xã hội trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và số hóa.

 

Dưới tác động của các cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc, dưới tác động của đại dịch Covid -19, tác động của các cuộc chiến tranh nóng (điển hình là giữa Nga và Ucraina…), tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và của biến đổi khí hậu toàn cầu, đang diễn ra sự thay đổi và hình thành trật tự kinh tế thế giới mới, với vai trò ngày càng lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi. Sự hình thành của trật tự kinh tế thế giới mới, với xu hướng “phân mảnh” theo các khối liên kết khác nhau, sẽ kéo theo những thay đổi lớn về cấu trúc và thể chế kinh tế thế giới (như hình thành kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, cấu trúc các chuỗi cung ứng mới…; sự thay đổi các luật lệ kinh tế quốc tế, hình thành các trung tâm tài chính mới, các thị trường hàng hóa dịch vụ mới với phương thức và cơ chế hoạt động mới trên quy mô toàn cầu, khu vực; hình thành các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới liên kết các nhóm nước khác nhau; vị trí của đồng USD Mỹ vẫn còn rất mạnh, nhưng sẽ bị giảm đi một cách tương đối trên thị trường thế giới…). Điều này tất yếu đưa đến những đặc trưng, hình thức và cơ chế toàn cầu hóa kinh tế mới. Đồng thời, cũng sẽ diễn ra quá trình các nước tìm các giải pháp để nâng cao năng lực “độc lập - tự chủ” và khả năng thích ứng, “ứng phó”, “chống chịu” của nền kinh tế mỗi nước, trước những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa mới.

 

vi) - Quá trình toàn cầu hóa chủ nghĩa tư bản tiếp tục được đẩy mạnh (hình thành chủ nghĩa tư bản toàn cầu), sẽ tác động tới sự phát triển của tất cả các nước trên thế giới. Điều này thể hiện ở sự phát triển ngày càng nhiều với quy mô kinh tế ngày càng lớn các tập đoàn kinh tế “đa quốc gia”, “xuyên quốc gia” (nhất là các tập đoàn công nghệ gắn với đầu tư, thương mại, dịch vụ toàn cầu); đưa đến một hình thái “độc quyền mới” - đó là độc quyền về nền tảng công nghệ, đồng thời thông qua nền tảng công nghệ đó sẽ “độc quyền” sở hữu dữ liệu (thông tin về mạng lưới sản xuất và tiêu dùng, mạng lưới tài sản xã hội…), sử dụng và chi phối các dữ liệu về nguồn lực phát triển, về mạng lưới khách hàng trên toàn cầu (đây không chỉ là dữ liệu - vấn đề kinh tế, mà còn gắn liền với các vấn đề xã hội, quyền riêng tư, quyền con người, hình thành các giá trị xã hội…).

 

Bản thân cấu trúc sở hữu của các tập đoàn này cũng thay đổi mạnh mẽ từ sở hữu riêng của các nhà tư bản sang sở hữu xã hội (với sự ham gia góp cổ phần của hàng triệu cổ đông trên toàn thế giới, trong đó phần đông là những người lao động, công chức, nhất là khi xuất hiện thị trường chứng khoán toàn cầu; dù là tỷ trọng cổ phần của những người lao động còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn); như vậy quá trình tích lỹ tư bản không còn chỉ là “thâu tóm” để tăng quy mô, mà đi theo phương thức xã hội hóa “liên kết”, “kết nối” theo chuỗi, theo mạng.

 

Điều đó làm thay đổi quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối trên toàn cầu. Đối với các tập đoàn này, tính chất “dân tộc” ngày càng giảm đi, lợi ích và lợi nhuận thu được từ rất nhiều nước khác nhau trên thế giới; ngay tại các nước “chính gốc” của các tập đoàn cũng đang phải ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách để “buộc” các tập đoàn đó thực hiện nghĩa vụ đối với quốc gia “chính gốc” (như việc cấm hay hạn chế đầu tư và chuyển giao công nghệ cao vào nước khác; buộc các tập đoàn công nghệ không được vi phạm, làm tổn hại đến lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự và đạo đức xã hội[3]; việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu[4] của chính phủ các nước có xuất xứ FDI có thể sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư FDI tại các quốc gia đang phát triển dựa chủ yếu vào ưu đãi thuế để thu hút FDI…). Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa sẽ đưa đến sự ra đời của những thể chế “quản lý” toàn cầu mới đối với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia (hay phi dân tộc) này. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, với những đặc trưng mới, cũng làm cho thể chế, cơ chế, chính sách quản lý - quản trị riêng của từng nước bị “hạn chế” vai trò tác động, không đáp ứng được hiệu quả cao, nếu không thích ứng với sự thay đổi của các thể chế toàn cầu.

 

vii) - Nhìn tổng thể, quá trình dân chủ hóa các lĩnh vực, các mặt, các phương diện của xã hội ngày càng tăng lên (điều này diễn ra dưới “sức ép”, tác động của sự phát triển khách quan, nội tại của mỗi nước theo quy luật phủ định biện chứng mà Mác đã nêu; mặt khác là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với sự đấu tranh, phát triển các giá trị chung của nhân loại). Quá trình dân chủ hóa được diễn ra trong từng nước và giữa các nước trong quan hệ quốc tế với những cấp độ khác nhau. Nhưng, song hành với quá trình này, vẫn có sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa nước lớn cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ thiên lệch, áp đặt, tác động tiêu cực đến quá trình dân chủ hóa.

 

viii) - Trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các quốc gia luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc mình lên trên hết, nhưng phải đặt trong tương quan và tôn trọng các lợi ích chính đáng của các quốc gia - dân tộc khác. Sự “tùy thuộc lẫn nhau” ngày càng tăng lên; các nước đều mong muốn xây dựng các quan hệ “bền vững”, “ổn định” với các nước khác, nhất là với các nước đối tác chiến lược, các đồng minh chiến lược. Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào “lòng tin chiến lược”, sự tin cậy lẫn nhau, được xây dựng như thế nào giữa các đối tác, thể hiện tập trung ở sự tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ - thể chế phát triển, lợi ích phát triển của nhau.

 

ix) - Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, do có sự chênh lệch (khoảng cách) lớn về trình độ sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghệ, trình độ số hóa, sở hữu vốn, sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao - trình độ cao giữa các nước phát triển và các nước còn lại, dẫn đến xu hướng phân hóa ngày càng cao về lợi ích (giá trị gia tăng) thu được giữa các quốc gia (các doanh nghiệp) nắm giữ các “công đoạn” khác nhau trong các chuỗi sản xuất, cung ứng; các nước (doanh nghiệp) chủ yếu tham gia vào công đoạn gia công, lắp ráp sẽ thu được lợi ích thấp nhất. Điều này đặt ra vấn đề hệ trọng là, một quốc gia không vươn lên làm chủ được công nghệ, sẽ luôn là nước đi sau (dù có là công xưởng lắp ráp của thế giới), trở thành “bãi rác công nghệ” của các nước tiên tiến, sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

 

x) - Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng về mọi mặt, với tư duy chỉ đạo xuyên suốt là “lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết”, quan hệ quốc tế của một quốc gia với các nước khác, sẽ có thể có sự “phân ly” nhất định (cấp độ khác nhau, tính chất, quy mô khác nhau…) giữa các quan hệ về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…Đây là điều khác biệt với quan hệ quốc tế theo kiểu “chọn phe” rạch ròi như trước đây.

 

xi) - Những vấn đề toàn cầu ngày càng tăng lên, liên quan đến lợi ích, “vận mệnh” của tất cả các nước, của cả nhân loại. Trong đó phải kể đến vấn đề hòa bình và phát triển; tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu, vấn đề suy thoái môi trường sinh thái toàn cầu, vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên toàn cầu; vấn đề an ninh con người, an ninh phi truyền thống, an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh xã hội, an ninh năng lượng, an ninh tài chính, tiền tệ…, mà từng nước không thể (hoặc khó) giải quyết một cách hiệu quả, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa các nước trên bình diện toàn cầu.

 

xii) - Phát triển bền vững là một xu thế, một yêu cầu, một giá trị chung của nhân loại, của tất cả các nước. Sau hàng thế kỷ, nhất là trong những thập kỷ cuối thể kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, loài người, nhất là các nước phát triển, đã đẩy mạnh phát triển theo chiều rộng, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và “tàn phá” môi trường sinh thái, “vay mượn” nguồn sống của các thế hệ sau, “hy sinh môi trường vì tăng trưởng kinh tế”, tạo nên tình trạng phát triển không bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Giờ đây, cả các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển và các nước còn kém phát triển, đều nhận thức rõ phải xây dựng phương thức phát triển bền vững đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái; coi đây là một giá trị chung của nhân loại. Chính vì vậy mà Liên hiệp quốc đã nhất trí cao đưa ra Mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu (Sustainable Development Goals - SDG), hướng tới một “nền sản xuất xã hội xanh, tiêu dùng xanh”. Đây là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người ở mỗi quốc gia thành viên được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.

 

Phát triển xanh đang trở thành một xu hướng lớn trên thế giới. Các nước phát triển có xu hướng ngày càng nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn về phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng xanh, sạch, thân thiện với môi trường của nước mình và trong quan hệ hợp tác - hội nhập quốc tế; đặt ra các yêu cầu rất cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng môi trường trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và xuất nhập khẩu (ví dụ, một số nước Bắc Âu, như Phần Lan, đang thí điểm thị trường Carbon cá nhân, trong đó đưa ra tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm soát mức thải Carbon từ hoạt động và tiêu dùng của từng cá nhân trong từng tháng; hay như EU đưa ra quy định từ năm 2025 sẽ đánh thuế Carbon trên các sản phẩm nhập khẩu, cấm buôn bán tiêu thụ các sản phẩm nông sản được trồng trên đất phá rừng; cũng EU đưa ra quy định “phạt thẻ vàng, thẻ đỏ” IUU về đánh bắt cá bất hợp pháp, làm cạn kiệt nguồn hải sản tự nhiên…).

 

xiii) - Trong một số năm sắp tới, kinh tế thế giới nói chung, nhất là kinh tế các nước tư bản phát triển, sẽ có thể phát triển chậm lại, thậm chí có nước có thể rơi vào suy thoái (có những đánh giá cho là khủng hoảng chu kỳ của chủ nghĩa tư bản); điều này cho thấy sự phát triển của thế giới, thể hiện trước hết ở các nước tư bản phát triển, đang bước vào một giai đoạn có tính chất bước ngoặt trong sự phát triển, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, internet vạn vật…), của biến đổi khí hậu; đòi hỏi hỏi phải có sự tái cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế, thể chế phát triển kinh tế trong phạm vi từng nước và trên phạm vi toàn cầu. Quá trình tái cấu trúc này, trong giai đoạn đầu, sẽ có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung trong một thời gian nhất định, nhất là đối với các nước đang phát triển và kém phát triển (vì các nước phát triển thường là thị trường lớn của các nước đang phát triển và kém phát triển cả về xuất nhập khẩu, về nguồn đầu tư FDI). Những nước không thích ứng được, không vượt qua được quá trình tái cấu trúc này, sẽ bị tụt lại và lệ thuộc nhiều hơn vào các nước phát triển.

(còn tiếp)

 

                             PGS.TS Trần Quốc Toản

                                    Chuyên gia cao cấp

(Ghi chú: Sản phẩm của Đề tài cấp nhà nước: Chủ nghĩa tư bản hiện đại - vai trò, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới và định hướng chình sách của Việt Nam; mã số KX.04.08/21-25).

 



[1] Trong cuốn sách “Capital in the Twenty-First Century - Tư bản trong thế kỷ 21”, Thomas Piketty chỉ ra rằng: thu nhập từ tư bản, có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với thu nhập từ sức lao động (thường thấp hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế). Hiên nay, ở các nước phát triển, thu nhập từ tư bản vào khoảng 4-5%/năm, trong khi đó tốc độ tăng trưởng thu nhập quốc dân của các nước này chỉ vào khoảng 1-2%/năm. Thomas Piketty đưa ra “quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản”: ở các nước phát triển tổng giá trị tư bản của nền kinh tế so với tổng thu nhập quốc dân hàng năm thường ở mức 5-6 lần. Ví dụ ở các nước như Pháp, Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, thu nhập quốc dân đầu người chừng 30.000-35.000 euro/năm, còn tổng sản nghiệp đầu người (tức tư bản) chừng 150.000-200.000 euro. Do đó, nếu tổng tư bản bằng sáu năm tổng thu nhập quốc dân và nếu tỷ lệ thu nhập từ tư bản là 5% thì phần chia cho tư bản từ thu nhập quốc dân là 30%.

 

[2] Đến tháng 8/2023, Hội nghị thượng đỉnh BRICS đã chấp nhận thêm sự tham gia chính thức, bắt đầu từ 1/2024, của 6 nước, gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE, tạo nên một khu vực kinh tế có GDP khoảng 65.000 tỷ USD (theo ppp), chiếm khoảng 37% GDP toàn cầu, trong khi GDP của G7 chỉ chiếm khoảng 29,9% GDP toàn cầu; còn khoảng hơn 20 nước đã đề xuất nguyện vọng được tham gia nhóm BRICS).

 

[3] Google LLC (Công ty TNHH Google) là một công ty công nghệ đa quốc gia của Mỹ, nhưng 1/2023, Chính phủ Mỹ đã kiện Google vì độc quyền công nghệ quảng cáo trực tuyến (Bộ Tư pháp và 8 bang của Mỹ đã kiện, yêu cầu giải thể mảng kinh doanh quảng cáo của Google với cáo buộc công ty này độc quyền bất hợp pháp công nghệ quảng cáo kỹ thuật số).

 

[4] Thuế tối thiểu toàn cầu được đưa ra vào ngày 8/10/2021 tại Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) dự kiến áp dụng từ 2024. Nguyên tắc này cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư. Việc đó tác động nhiều chiều đến những nước đang phát triển như Việt Nam, nhất là trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI.  

 

Tag:

File đính kèm