Sign In

Chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa

17:06 30/05/2024


Tóm tắt

Xã hội hóa hoạt động văn hóa là một chủ trương lớn của đảng nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa. Qua hơn 30 năm thực hiện, chính sách này đã thực sự đi vào cuộc sống và góp phần đổi mới diện mạo đời sống văn hóa Việt Nam, tạo những bước tiến mới cho nền văn hóa dân tộc theo hướng hiện đại hóa, hội nhập cùng thế giới nhưng vẫn phát huy được những giá trị truyền thống. Những thành tựu lớn của xã hội hóa hoạt động văn hóa được thấy rõ trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật và lễ hội. Tuy nhiên vẫn tồn tại những mặt hạn chế đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu và khả thi để nâng cao hiệu quả của chính sách này.

 

Về cơ bản, có thể hiểu: “Xã hội hoá hoạt động văn hoá là sự vận động và tổ chức nhằm thu hút toàn xã hội, mọi lực lượng trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động sáng tạo, cung cấp và phổ biến văn hoá, tạo điều kiện cho văn hoá phát triển mạnh mẽ, rộng khắp, phong phú và nâng cao dần mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của nhà nước trên lĩnh vực văn hoá” [1, tr. 21].

 

1. Tính tất yếu của việc ban hành và thực thi chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá

 

Như vậy, chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá là xây dựng cơ chế cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội, nhằm huy động các nguồn lực, thu hút các chủ thể tham gia vào hoạt động văn hoá. Mục đích của chính sách này là nhằm biến việc xây dựng và phát triển văn hóa thành công việc chung của toàn xã hội, mà tất cả các chủ thể đều có quyền và trách nhiệm tham gia, đóng góp.

 

Với cơ chế cộng đồng trách nhiệm đó, Nhà nước sẽ không còn là người chỉ huy, mà sẽ chuyển sang vai trò người quản lý, bảo trợ và kiến tạo cho các hoạt động văn hóa, nhường vị trí trung tâm cho các chủ thể sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng văn hóa. Đồng thời, các chủ thể này sẽ được đa dạng hóa, tự nguyện tham gia và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển văn hóa bằng các nguồn lực của mình.

 

Chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hóa là yêu cầu tất yếu của sự phát triển, xuất phát từ các lý do sau:

 

Thứ nhất, Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm văn hóa là một dạng hàng hóa đặc biệt, được sản xuất, lưu thông và tiêu dùng thông qua thị trường. Không chỉ các tác phẩm nghệ thuật được trao đổi, mua bán rộng rãi, mà các hoạt động giải trí vui chơi, du lịch và các hoạt động văn hóa khác cũng đã trở thành những dịch vụ được cung cấp bởi những nhà sản xuất/tác giả sáng tạo cho công chúng/khách hàng theo các quy luật của thị trường.

 

Thị trường này sẽ phát triển tốt khi phát triển 3 chân kiềng: 1/ nhà cung cấp (nhà sản xuất/tác giả), 2/ hàng hóa (sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa), 3/ người tiêu thụ (công chúng/khách hàng). Vì thế chính sách xã hội hóa sẽ thu hút được nhiều chủ thể tham gia vào thị trường văn hóa, thúc đẩy phát triển 3 chân kiềng này.

 

Thứ hai, “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội” [2, tr. 513]. Là mục tiêu hướng tới, nên văn hóa cần được trở thành tài sản chung của toàn dân và mọi người ai cũng có quyền được hưởng tài sản đó, nghĩa là được tham gia vào các hoạt động văn hóa, được thụ hưởng các sản phẩm văn hóa. Quyền này dành cho tất cả mọi người, không có sự phân biệt và không hạn chế đối với ai cả.

 

Là động lực, nên văn hóa cần mang lại cho mọi người dân những giá trị và lợi ích tốt đẹp, tạo điều kiện và thúc đẩy họ trong cuộc sống. Ai cũng có quyền được nhận những giá trị và lợi ích đó từ văn hóa.

 

Thứ ba, Về thực chất, xã hội hóa các hoạt động văn hóa đã có lịch sử tại nước ta từ xa xưa, như một sự tất yếu, đương nhiên: Tất cả các lễ hội truyền thống tại các làng quê Việt Nam đều do cộng đồng dân cư tự tổ chức, từ việc lựa chọn những người xứng đáng đảm trách những vai trò chủ chốt của lễ hội; phân công nhiệm vụ cho từng giáp, phe; cho tới việc huy động và quản lý nguồn tài chính phục vụ lễ hội. Tất cả mọi việc đều được điều hành bởi bộ máy tự quản của các làng xã. Tương tự như vậy, khi cần xây dựng các thiết chế công cộng, ví dụ đình, chùa của làng, thì cộng đồng dân cư cũng đã phát huy rất tốt vai trò tự chủ của mình trong việc huy động nguồn nhân lực, tài lực, vật lực để hoàn thành công việc. Đó thực chất chính là sự xã hội hóa trong các động văn hóa. Mọi người dân đều là chủ thể, tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

 

2. Quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở VN

Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật lần đầu được Đảng ta đề cập trong Nghị quyết số 04-NQ/HNTW, ngày 14-1-1993, của Hội nghị Trung ương 4 khóa VII “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt” khẳng định, văn hóa, văn nghệ là sự nghiệp của toàn xã hội; phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Đến Đại hội VIII (năm 1996), khi thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1996 – 2000, Đảng ta đã đề ra chủ trương đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thông tin.

 

Hai Nghị quyết quan trọng mở đầu cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa ở nước ta là Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 21/8/1997 về “Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa” và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về “Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao”. Đây là cơ sở để thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá trên cả hai bình diện sáng tạo và hưởng thụ các sản phẩm văn hoá trong nền kinh tế thị trường.

 

Bên cạnh đó là những văn bản pháp lý nhằm thể chế hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: Nghị định số 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 19-8-1999, “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao” và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30-5-2008, “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường”.  Trong hai nghị định này, Chính phủ xác định các nguyên tắc thực hiện chính sách xã hội hóa và các chính sách khuyến khích cụ thể.

 

Tiếp theo, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, bên cạnh những vấn đề cấp thiết của văn hóa, đã nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư bảo tồn, xây dựng và phát triển. Đến Đại hội XII của Đảng (năm 2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định, mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh, cần tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa.

 

3. Kết quả của chính sách xã hội hoá hoạt động văn hoá

Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa, sự huy động và thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư cho các hoạt động văn hóa đã góp phần tạo điều kiện để sáng tạo, lưu hành phổ biến rộng khắp các giá trị văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

 

3.1. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

 

Nhiều khởi sắc đã đến với đời sống văn hoá của người dân, với những chương trình ca nhạc hoành tráng, thậm chí cả những chương trình tầm cỡ quốc tế được tổ chức, để được báo chí khẳng định rằng “Việt Nam trở thành điểm đến mới của loạt nghệ sĩ quốc tế trong năm 2023”: Mở đầu là hai ngôi sao nổi tiếng bậc nhất Kpop: CL (2NE1) và Hyoyeon (SNSD) đã có mặt tai hai sự kiện đón giao thừa ở hai đầu đất nước với hàng trăm nghìn khán giả tham dự. Rồi ban nhạc Super Junior lần thứ 2 xuất hiện ở Việt Nam, mang tour diễn thế giới nổi tiếng “Super Show 9” đến TP. Hồ Chí Minh, thu hút gần 15.000 khán giả, lấp đầy sân vận động Quân khu 7. Ngoài ra là 2 đêm diễn của The Wild Dreams Tour của Westlife tại sân vận động Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh; đêm nhạc AREA 52 của BamBam, nam ca sĩ nổi tiếng của nhóm nhạc GOT7; 2 đêm nhạc “tỷ view” của 4 nghệ sĩ nổi tiếng xứ Hàn HyunA, ZICO, Lee Hyo Ri và Zion.T. Katy Perry - một trong 5 nữ ca sĩ Pop lừng lẫy giới giải trí USUK cũng quay lại Việt Nam lần thứ ba trong năm 2023 này. Và còn sự viếng thăm của nhiều ca sĩ nổi tiếng thế giới khác từ US, UK, các nước Châu Á… Nhưng đáng nói nhất là 2 đêm Concert Born Pink của Blackpink- một nhóm nhạc Kpop với sức ảnh hưởng toàn cầu- với sức thu hút gần 67.000 khán giả tham dự (đêm nào cũng cháy vé) đã là sự kiện âm nhạc có quy mô lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, gây bùng nổ truyền thông năm qua. Doanh thu của 2 đêm diễn này là $13,660,064 (khoảng 333,9 tỷ VNĐ). Thành công của những chương trình này chứng tỏ khả năng tổ chức các sự kiện âm nhạc của chúng ta đã đạt mức chuyên nghiệp và ở tầm cỡ quốc tế [3].

 

Không chỉ những buổi biểu diễn riêng lẻ như vậy, mà nhữngchương trình thường niên hoành tráng và tầm cỡ cũng đã được tổ chức tốt: Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa (Monsoon Music Festival) của nhạc sĩ Quốc Trung, được tổ chức thường niên tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2014, trở thành một thương hiệu văn hóa để góp phần đưa Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo. Gió mùa đã “từ con số không trở thành sản phẩm văn hóa thương hiệu của Hà Nội và dần đi vào tâm trí công chúng”, theo lời NS Quốc Trung. Cụ thể, Gió mùa đã xây dựng thành công thương hiệu cho mình, trở thành một thương hiệu của âm nhạc Hà Nội, được khán giả cuồng nhiệt thưởng thức, bất kể trời mưa, và luôn háo hức đón chờ chương trình tiếp theo. Không thể phủ nhận là Gió mùa đã nâng cao thị hiếu âm nhạc của công chúng, giúp họ quen dần với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thực sự, biết lắng nghe để cảm thụ những tác phẩm mới, chứ không chỉ hò reo hú hét với những bản hit quen thuộc. Đồng thời, Gió mùa đã khẳng định đẳng cấp ở tầm quốc tế: Sau 4 năm tổ chức đã đón hơn 225.000 khán giả, hơn 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, 125 nhân sự & ekip chuyên gia trong & ngoài nước, hơn 2.900 tình nguyện viên, cùng sự hỗ trợ, đóng góp của gần 100 đơn vị đồng hành [4].

 

Bên cạnh đó, có thể kể đến các show diễn thực cảnh hoành tráng và thành công như Tinh hoa Bắc Bộ, Ký ức Hội An, những show diễn đã tạo nên “cơn sốt” được nhận nhiều giải thưởng và kỷ lục. Cụ thể, ngoài những giải thưởng và danh hiệu trong nước, Tinh hoa Bắc Bộ được giải Vàng Stevie Awards châu Á- Thái Bình Dương (được ví như giải Oscar dành cho giới kinh doanh) tại hạng mục "Đổi mới trong truyền thông, truyền thông thị giác và giải trí trực quan"; hai kỷ lục Guinness Việt Nam: “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" (4.300 m2) và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam" (150 nông dân), được đài CNN bình chọn là "nhất định phải xem" khi đến Hà Nội [4]. Còn với Ký ức Hội An thì tổ chức World Travel Awards (WTA) "Oscar của ngành du lịch thế giới" vinh danh Đảo Ký Ức Hội An là “Điểm đến giải trí hàng đầu thế giới”, và sau đó là giải “Tổ hợp văn hóa, du lịch và giải trí hàng đầu thế giới”; Hãng thông tấn Reuters thì vinh danh Ký ức Hội An là “show diễn đẹp nhất thế giới”.

 

Những sân khấu xã hội hóa xuất hiện và duy trì hoạt động sôi nổi, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh, như sân khấu Idecaf, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Nhà hát Kịch Phú Nhuận, Nhà hát Nụ cười, Nhà hát Thanh niên, Sân khấu Thế giới trẻ… Những nhà hát này đã dựng hàng trăm vở diễn, tạo nên một kịch mục phong phú cho công chúng lựa chọn, đóng góp lớn vào đời sống văn hóa của người dân, tạo dựng lại và duy trì thói quen đến nhà hát của công chúng. Điều đáng nói là các vở diễn của sân khấu xã hội hóa có sức hút lớn, nhiều vở “cháy vé”, nhiều đêm diễn phải kê thêm ghế phụ, có những vở được diễn hàng trăm suất vẫn đông khách. Ví dụ vở “Lá đơn thứ 72” của sân khấu Lệ Ngọc (sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên tại miền Bắc), chỉ sau 2 năm đã công diễn được tới hơn 140 lần, và vẫn đang được các địa phương mời về diễn là sự thành công quá mức tưởng tượng, bởi lẽ với sân khấu hiện nay, một vở diễn có từ 10 suất diễn trở lên đã được coi là thành công.

 

Với các chương trình và dự án xã hội hoá sáng tạo, các nhà hát công lập cũng đổi mới mình, đạt được những thành quả đáng ghi nhận: Nhà hát Múa rối Thăng Long luôn duy trì 6-8 suất diễn một ngày, đoạt kỷ lục châu Á là “Nhà hát sáng đèn 365 ngày trong năm”. Nhà hát Chèo Hà Nội với những chương trình sáng tạo, đã có thể tự chủ được khoảng 40% kinh phí hoạt động. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đã tự chủ được từ 30% đến 50% [5] nhờ tích cực xã hội hoá hoạt động của mình.

 

Với những ưu thế của mình, chủ trương xã hội hoá đã thu hút rộng rãi các chủ thể tham gia: Hơn 200 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, trong đó có gần 80 đơn vị có đăng ký hoạt động thường xuyên, ổn định; Hơn 700 doanh nghiệp đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn và hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có khoảng 150 đơn vị hoạt động thường xuyên ở loại hình ca múa nhạc; 40 thư viện tư nhân đã được hình thành, trung bình mỗi thư viện này có từ 5000 đến 10.000 đầu sách văn nghệ, khoa học, kỹ thuật, lịch sử, kinh tế... phục vụ cộng đồng rải đều ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam; Gần 10 bảo tàng nghệ thuật tư nhân [6].

 

3.2. Trong lĩnh vực lễ hội

 

Với các lễ hội truyền thống, việc xã hội hóa đã được thực hiện từ trong lịch sử ở nước ta, như đã nói ở phần trên, và hiện nay vẫn tiếp tục được phát huy. Còn những lễ hội mới cũng tiếp nối chính sách này này và đang đạt được những hiệu quả tốt đẹp từ công tác xã hội hoá.

 

Tại Hà Nội, các lễ hội hiện đại và hoành tráng được tổ chức thường xuyên trong năm. Thành phố luôn chú trọng thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào những hoạt động này và đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận. Đơn cử, lễ hội Du lịch Hà Nội là sự kiện được tổ chức thường niên và thu hút được sự góp sức của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn như: Habeco- Bia Hà Nội- nhà tài trợ đồng hành; Hãng hàng không Việt Jet Air- nhà tài trợ vận chuyển đồng hành; Tổng công ty Du lịch Hà Nội; Hiệp hội Du lịch Hà Nội; Hội đầu bếp Việt Nam; Câu lạc bộ Lữ hành Unesco; Flamingo Redtour; Vietravel....

 

Từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế, Hà Nội đã tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ và đóng góp tâm huyết của các đơn vị, tổ chức, trong đó có các tổ chức quốc tế như Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hiệp quốc (UN-HABITAT)... Lễ hội cũng nhận được sự đồng hành của nhà tài trợ VPBank- đơn vị cam kết sẽ đồng tổ chức trong năm 2024, mở ra mô hình hoạt động đối tác công- tư của Lễ hội trong thời gian tới. 

 

Festival Thu Hà Nội năm 2023 lần đầu được tổ chức cũng nhận được sự đồng hành, tài trợ của nhiều đơn vị như Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội- Habeco (Bia Hà Nội), Công ty Cổ phần tiêu dùng Masan (Chin-Su, Phở Story), Hiệp hội nước mắm Việt Nam, nhãn hàng nước đóng chai Blue Zone, Câu lạc bộ áo dài Việt Nam...

Những ví dụ trên cho thấy, các lễ hội lớn của Hà Nội đang thực hiện tốt chính sách xã hội hoá. Không có các số liệu chính thức được công bố, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ thì nguồn thu từ xã hội hóa văn hóa của Hà Nội năm 2020 là gần 468 tỷ đồng [7].

 

VớiLễ hội pháo hoa Đà Nẵng (DIFF), chủ thể đóng vai trò chủ đạo và quyết định là Sun Group, mà năm 2024 là lần thứ 12 Sun Group tiếp tục đồng hành cùng UBND thành phố Đà Nẵng, tài trợ và tổ chức thực hiện lễ hội pháo hoa tầm cỡ quốc tế này. DIFF đã trở thành một thỏi nam châm hút khách đến Đà Nẵng. Năm 2023, trong giai đoạn Lễ hội, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 706.000 lượt- tăng 34,1% so với tháng cùng kỳ năm 2022; Công suất buồng phòng thường xuyên đạt mức 70% và được đặt trước cả tháng; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.874 tỷ đồng. Các chỉ số này đều tăng trưởng so với kỳ DIFF 2019 (trước Covid-19). Số lượng chuyến bay đến Đà Nẵng có giai đoạn lên đến 150 chuyến/ngày (gấp 1,5 lần thường nhật) [8].

 

Với Festival Huế, mục tiêu xuyên suốt được BTC đặt lên hàng đầu là tăng cường xã hội hóa. Trên thực tế mục tiêu này đã được thực hiện tốt và Festival Huế luôn nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của nhiều nhà tài trợ; trong đó có những nhà tài trợ truyền thống đã đồng hành cũng lễ hội suốt những năm qua. Chỉ riêng năm 2022 Ban tổ chức Festival Huế đã nhận được tài trợ của 25 đơn vị, với tổng giá trị tài trợ gần 19 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật. Không chỉ thuần túy nhận sự hỗ trợ về vật chất và tài chính, mà với Festival Huế phương thức xã hội hóa đã có sự đổi mới: các mạnh thường quân và nhà tài trợ được huy động tổ chức các chương trình và hoạt động trong lễ hội. Kết quả là đã có nhiều chương trình, hoạt động xã hội hóa có quy mô lớn, đầu tư bài bản về cả hình thức lẫn nội dung được tổ chức thành công, như lễ hội Bia, lễ hội ẩm thực “Kinh đô Ẩm thực Huế với Bốn phương” và lễ hội ẩm thực đường phố, lễ hội khinh khí cầu, đêm nhạc EDM, giải đua thuyền Sup– Hue SUP RACE 2022… trong đó có những chương trình đã trở thành thương hiệu của Festival Huế.

 

Một trong những địa phương làm tốt công tác xã hội hóa lễ hội là Thành phố Hồ Chí Minh. Rất nhiều hoạt động và sự kiện văn hóa lớn của thành phố được tổ chức thành công bằng phương thức xã hội hoá, nổi bật trong số đó là Hội hoa xuân Tao Đàn, Lễ hội Nguyên tiêu và Ngày thơ Việt Nam, Chợ hoa tết Trên bến dưới thuyền, Lễ hội Nghinh Ông… Trong năm 2023 tổng kinh phí xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 120 tỷ đồng. Ngoài ra, lễ hội bắn pháo hoa và các hoạt động văn hóa khác của Thành phố cũng thu được 22,5 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa [9].

 

3.3. Hạn chế của chính sách xã hội hoá hoạt động văn hoá

 

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng mừng như trên, nhưng chủ trương xã hội hoá hoạt động văn hoá vẫn còn không ít hạn chế, chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Trước hết là sự nhận thức chưa đầy đủ về chính sách này, coi xã hội hoá chỉ thuần tuý là biện pháp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách của Nhà nước. Hạn chế này đã làm giảm ý nghĩa và giá trị của xã hội hóa, khiến cho chính sách này đôi khi bị phiến diện, chỉ tập trung vào việc huy động nguồn đóng góp tài chính, mà chưa chú trọng phát huy những tiềm năng của các chủ thể trong sáng tạo và tổ chức các hoạt động văn hóa.

 

Tiếp theo, cơ chế đầu tư công của Nhà nước cũng chưa đủ sức dẫn dắt cho đầu tư của tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa như miễn, giảm thuế … còn hạn chế, chưa thực sự tạo động lực thu hút các chủ thể tham gia.

 

Thêm vào đó, mặc dù các thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động văn hóa đã tương đối nhiều, nhưng chưa phát huy được sự chủ động và sáng tạo của mình, nên nhiều khi các hoạt động xã hội hoá còn mang tính chất “công- tư hợp doanh” hoặc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mà chưa xác lập được vai trò tự quản của các cộng đồng, khuyến khích các cộng đồng tự tổ chức các hoạt động văn hoá. Vì vậy, xã hội hoá tập trung phát triển mạnh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và lễ hội, còn trong những hoạt động văn hoá khác thì chưa thực sự rõ nét.

 

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách xã hội hoá hoạt động văn hoá

 

Để chính sách xã hội hóa đạt hiệu quả cao, thực sự đi vào cuộc sống và mang lại những lợi ích thiết thực, chúng ta cần thực hiện những giải pháp sau:

 

Thứ nhất, tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và bản chất của xã hội hoá các hoạt động văn hoá, rằng: 1/  chính sách này nhằm huy động tổng thể các nguồn lực xã hội chứ không chỉ nguồn tài chính ngoài nhà nước; và 2/ xã hội hoá không có nghĩa là khoán trắng cho xã hội, mà Nhà nước vẫn luôn luôn giữ vai trò chỉ đạo, định hướng cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa.

 

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện chính sách, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và liên ngành trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch, các chương trình, dự án phát triển văn hóa cũng như triển khai hoạt động văn hóa; Đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài về sản xuất và công bố các chương trình (hoặc tổ chức các hoạt động văn hoá) theo hướng khuyến khích sự tham gia của các lực lượng xã hội trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa các bên.

 

Thứ ba, chú trọng tính kinh tế của văn hoá, xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong lĩnh vực văn hóa; tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa thu hút các nguồn lực xã hội để hoạt động và phát triển, sáng tạo nhiều sản phẩm và hoạt động văn hoá đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Thứ tư, đổi mới và hoàn thiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Đồng thời, chú trọng vai trò của cộng đồng nhân dân với tư cách vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng thụ văn hóa; tạo cơ chế thích hợp để người dân phát huy sức sáng tạo và tham gia nhiệt tình vào các hoạt động văn hoá, thực sự thể hiện vai trò chủ thể văn hoá của mình.

 

PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi[1]

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đinh Xuân Dũng, Xã hội hoá hoạt động văn hoá – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Hà Nội, 2000
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010
  3. Trần Hà. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tạp chí Cộng sản Online, ngày 06-05-2022. https://www.tapchicongsan.org.vn/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825339/day-manh-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-van-hoa%2C-gop-phan-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh%2C-hanh-phuc.aspx?fbclid=IwAR3XHTUU0jyhc5xX0bZELHuobpzXr5a9Nj9i4ILHEq9i13NNL0rOLY7uOvE_aem_AV55lo7BY2gCiT4GB1247Wpp27un-55aE_4ALZ1WwVq6jiadN3bhD7qcc62KwrcwM90lI9k5fpA_HBxAPUHaFqA3 Truy cập ngày 18/4/2024
  4. Phương Thuý. Tổng đạo diễn Monsoon lên tiếng việc 'năm nào cũng bán biệt thự để làm Gió Mùa': "Nói thế người ta tưởng giàu lắm". Báo điện tử Tổ quốc, ngày 10/05/2023. https://toquoc.vn/tong-dao-dien-monsoon-len-tieng-viec-nam-nao-cung-ban-biet-thu-de-lam-gio-mua-noi-the-nguoi-ta-tuong-giau-lam-2023051009560202.htm Truy cập ngày 18/4/2024
  5. Yên Nga. Bài 3: Nghệ thuật truyền thống và cầu nối xã hội hóa. Hà Nội mới Online, ngày 16/04/2019. https://hanoimoi.vn/bai-3-nghe-thuat-truyen-thong-va-cau-noi-xa-hoi-hoa-545365.html. Truy cập ngày 14/4/2024
  6. Đào Duy Quát. Vì sao chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật chưa thực sự vào cuộc sống? Chuyên trang Văn hoá và Đời sống của Báo Thanh Hoá, ngày 29/11/2018. https://vhds.baothanhhoa.vn/vi-sao-chu-truong-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-van-hoc-nghe-thuat-chua-thuc-su-vao-cuoc-song-11984.htm Truy cập ngày 19/4/2024
  7. An Nhiên. Kỳ 2: Chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá đã mang lại những kết quả tích cực. Pháp luật và Xã hội Online, ngày 13/12/2023. https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-2-chinh-sach-xa-hoi-hoa-cac-hoat-dong-van-hoa-da-mang-lai-nhung-ket-qua-tich-cuc-363396.html?fbclid=IwAR0cj-Ok5Xg4jqzLyiQTjPipaNbHsRUvTsYNdPOIrdXPE3qFWq-dYwwZJaM_aem_AV6-c8xoMKka40n8H5pkXB6zAO_U1ACn0lHPqSrwoCAPFlXD_EdxfcwofddS4xTIUwljtLPGGRmY3UMC5VOUwKMz Truy cập ngày 18/4/2024
  8. Thu Hà. Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 được tổ chức rất thành công. Báo Đà Nẵng Online, ngày 19/07/2023. https://baodanang.vn/channel/5399/202307/le-hoi-phao-hoa-quoc-te-da-nang-2023-duoc-to-chuc-rat-thanh-cong-3950688/ Truy cập ngày 18/4/2024
  9. N.Trinh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong tổ chức các lễ hội, sự kiện. Báo Giáo dục TP Hồ Chí Minh Online, ngày 10/1/2024. https://www.giaoduc.edu.vn/day-manh-cong-tac-xa-hoi-hoa-trong-to-chuc-cac-le-hoi-su-kien.htm Truy cập ngày 19/4/2024

 



[1] Nguyên phó hiệu trưởng Đại học Văn hoá Hà Nội

Tag:

File đính kèm