Sign In

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

21:35 16/11/2023

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)


Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi theo Bác, đoàn kết là lực lượng vô địch để khắc phục mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi. Thực hiện lời dạy của Bác, trong hơn 9 thập kỷ qua, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập.

"Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta"

 

Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.


Về vai trò của đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” (1); Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi” (2). Do đó, để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi”, phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững.


Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX bị thất bại có một nguyên nhân sâu xa là cả nước không đoàn kết được thành một khối thống nhất. Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng, muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết. Bác viết: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta” (3).


Không dừng lại ở việc xác định đại đoàn kết là mục tiêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định nhiệm vụ của toàn Đảng là giữ gìn sự đoàn kết. Trong Di chúc, Bác dặn lại rằng "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình" (4).


Như vậy, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn.    

Đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh của cách mạng Việt Nam


Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết toàn dân có nghĩa là phải tập hợp được tất cả mọi người dân vào một khối. Và muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc thì phải có lực lượng và có thành phần làm nòng cốt. Người chỉ rõ “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây” (5). Đây cũng chính là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta thành lập và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.


Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với chức năng tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hiệu triệu, quy tụ nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, chung sức, chung lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết lên những trang sử hào hùng của cả dân tộc, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.


Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch. Mặt trận Việt Minh đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Mặt trận Thống nhất Việt Minh-Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh" (6).


Thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, trong hơn 9 thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi cùng nhau xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc


Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết, Đảng ta luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.


Trong các thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Kế thừa việc nhận thức các vấn đề mang tính chiến lược này, từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII và XIII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011); Nghị quyết 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất; Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội…


Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là: Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đó cũng chính là đích đến, là điểm hội tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy, Đảng luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời luôn tin tưởng vào ý chí cách mạng của nhân dân, vào sức mạnh của nhân dân, vào sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân.


Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) ngày 8/10/2023 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nêu rõ: "Từ khi có Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được xác định là đường lối chiến lược của Đảng; là nguồn sức mạnh, là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi thời kỳ. Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau; giữa người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc làm điểm tương đồng. Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa"./.

Minh Duyên (TTXVN)
       


(1): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.217
(2), (3), (5): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.7, tr. 397, 392, 438
(4): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.12, tr. 510
(6): Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, t.8, tr. 68

Tag:

File đính kèm