Sign In

Giỗ Tổ Hùng Vương: Tự hào về cội nguồn dân tộc

18:03 18/04/2024


Lễ hội đền hùng (Ảnh minh họa)


“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Thời điểm này mỗi năm, người dân ở khắp các vùng miền trên cả nước lại hướng về đền Hùng, thành kính tưởng nhớ đến tổ tiên, nguồn cội. Trong tâm thức của người Việt Nam, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương luôn có vị thế đặc biệt, được lưu truyền, gìn giữ trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

 

Tưởng nhớ và biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng

 

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao to lớn của các Vua Hùng trong việc khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang ta ngày xưa. Khắc ghi công lao to lớn ấy, từ hàng ngàn năm trước, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là thuỷ tổ của dân tộc.


Giỗ tổ Hùng Vương (hay còn gọi là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương) là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Ngày lễ chính của Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ …) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.

 

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.
Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Kể từ đó, Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp. Điều này đã được ghi lại trên tấm bia (lập năm Bảo Đại thứ 15 - 1940) hiện đang đặt ở Đền Thượng.


Kế tục truyền thống của ông cha, ngay sau cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc. Người cũng đã hai lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954 và lần thứ hai ngày 19/8/1962. Trong lần về thăm thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ở lần thứ hai về đền Hùng, Người nhắc nhở: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

 

Từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Sau đó, ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đây, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ trọng của toàn dân, là Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.


Đến ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là: di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.         

Trở về nguồn cội

 
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Đền Hùng cách trung tâm thành phố Việt Trì 7km về hướng Bắc, cách thủ đô Hà Nội 80km.


Từ thời vua Đinh Tiên Hoàng, Đền Hùng được xây dựng trên núi Nghĩa Lĩnh. Đến thời Hậu Lê (thế kỷ XV) khu di tích dần được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay. Quần thể Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung, đền Thượng và Lăng Vua Hùng, đền Giếng, đền Tổ Mẫu Âu Cơ, đền Quốc Tổ Lạc Long Quân. Cùng với đó là các công trình phụ trợ nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của đồng bào cả nước về Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.
Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt Nam, ai cũng luôn quan niệm rằng: Chúng ta là người được sinh ra cùng một bọc (đồng bào) là con cháu Lạc Hồng - dân cả nước đều là anh em một nhà. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết.


Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam khác các dân tộc khác ở chỗ cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Chính điều này tạo nên một bản sắc riêng có của Việt Nam, được UNESCO công nhận. Với Việt Nam, tín ngưỡng Hùng Vương là một biểu tượng của quốc gia.


Bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, đến nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung.  Theo thống kê của Cục văn hoá thông tin cơ sở - Bộ Văn hoá thể thao Du lịch, cả nước có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ… Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 340 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian.


Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới hàng năm cũng tổ chức trọng thể Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc, thúc đẩy truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Đây cũng là hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ Việt Nam tại nước ngoài; đồng thời, quảng bá đến bạn bè quốc tế hình ảnh, phong tục đẹp của quê hương.


Như vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đồng thời còn là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài; là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Năm 2024, Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ diễn ra từ ngày 9-18/4 (tức ngày 1 đến ngày 10 tháng 3 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (thành phố Việt Trì) và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ. Phát biểu tại lễ khai mạc (ngày 9/4), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng nhấn mạnh, tại Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay, người dân và du khách thập phương không chỉ được chứng kiến các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các vua Hùng mà còn được trải nghiệm, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Từ những lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa đặc biệt, đến những giải đấu thể thao sôi động… nhằm ôn lại tiến trình lịch sử, tôn vinh các di sản văn hóa của dân tộc; đồng thời thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giao lưu và hội nhập.../.

 


Theo TTXVN

Tag:

File đính kèm