Sign In

75 năm tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những giá trị còn mãi

15:05 15/05/2024

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Nhân dân Việt Nam, hội tụ tinh hoa và khí phách dân tộc, là tấm gương mẫu mực sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người luôn đề cao và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, đồng thời yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện những đức tính quý báu đó. Trước khi đi xa, Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trước tác để lại, có thể thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh các phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính là nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng. Vì vậy, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, giữa năm 1949, với bút danh Lê Quyết Thắng, Người đã viết bốn bài báo có tiêu đề: “Thế nào là Cần”, “Thế nào là Kiệm”, “Thế nào là Liêm” và “Thế nào là Chính” đăng trên báo Cứu quốc, nhằm giáo dục cho cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, bảo đảm cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” thắng lợi. 75 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm Cần kiệm liêm chính vẫn giữ nguyên tính thời sự và có giá trị lý luận-thực tiễn sâu sắc.

“Thiếu một đức, thì không thành người”

 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vấn đề bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta. Người đã có nhiều bài viết, bài nói về vấn đề này. Trong đó Người nhiều lần đề cập đến “tứ đức”: “cần, kiệm, liêm, chính” trong các bài nói bài viết của mình, như trong: "Đường Cách mệnh" (1927), "Sửa đổi lối làm việc" (1947)... và cuối cùng là trong bản Di chúc lịch sử, 1969.


Nếu trong tác phẩm Đời sống mới (3/1947), Người nhấn mạnh phải thực hành “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” thì đến tác phẩm “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” (là tập hợp 4 bài báo, đăng trên Báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949), Người coi “tứ đức” là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc và luận giải “tứ đức” trong tổng thể của trời, đất, con người và mối quan hệ của mùa - trời; của phương - đất; của đức - người.


Mở đầu tác phẩm, Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc.
          Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông
          Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
          Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
          Thiếu một mùa thì không thành trời
          Thiếu một phương thì không thành đất
          Thiếu một đức thì không thành người” (1).


 Sau đó, Người đi vào phân tích về từng đức tính để “cho mọi người hiểu rõ, mọi người đều thực hành” (2).


Trong đoạn viết về “Cần”, Bác giải thích rõ: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai” (3). Bác nhấn mạnh: “Người siêng năng thì mau tiến bộ. Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no. Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh. Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu” (4). Bác cũng chỉ rõ: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng… Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau” (5). Bác cũng chỉ ra: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần... Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Do vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc” (6).


Giảng giải về “Kiệm”, Người khẳng định: “Kiệm “là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người” (7). Rồi Người chỉ rõ mối quan hệ giữa Cần và Kiệm “KIỆM mà không CẦN, thì không tăng thêm, không phát triển được…” (8). Không chỉ dựng lại ở tiết kiệm của cải, Bác còn nhắc nhở: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được… Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa" (9). Kết thúc bài báo, Người kết luận: “Kết quả CẦN cộng với kết quả KIỆM là: bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới... Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm” (10).


Phân tích về “Liêm”, Bác cho biết: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Liêm phải đi đôi với Kiệm, “Có KIỆM mới LIÊM được” (11) vì nếu sống xa xỉ, phung phí thì ắt sẽ sinh tham lam, ích kỷ. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…” (12). Để thực hiện chữ Liêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “cần có tuyên truyên và kiểm soát, giáo dục và pháp luật” (13). Và “cán bộ phải thực hành chữ LIÊM trước, để làm kiểu mẫu cho dân” (14). Mặt khác, Bác cũng cho hay, “Quan tham vì dân dại”. “Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan” dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM” (15) … Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ” (16).


Giải thích về “Chính”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chính “nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà. CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn” (17). Bác đã chỉ ra 3 mặt của một người trong xã hội và yêu cầu của mỗi mặt đó: Đối với mình - “Chớ tự kiêu tự đại…”; Đối với người - “Chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh kẻ dưới…”; Đối với việc - “Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà…” Người kết luận: “Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc” (18).

Tấm gương sáng ngời của Bác và sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân

 
Bằng cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Người đã thực hành triệt để tất cả những quan niệm đạo đức mình đưa ra, thậm chí còn làm nhiều hơn, tốt hơn những gì Người đã nói.


Về “cần”, Bác đã lao động, học tập, nghiên cứu không ngừng để tìm ra con đường cứu nước; rồi cùng với Đảng lên kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công. Về “kiệm”, Bác chính là tấm gương điển hình hiếm có về tính giản dị, thanh bạch. Dù là lãnh tụ của cả một quốc gia, nhưng Người luôn giản dị hết mức, từ ăn (cơm nắm, muối vừng, cà muối); mặc (bộ bà ba sờn cũ với đôi dép cao su hay bộ ka ki màu vàng với đôi giày vải); đến ở (lúc ở chiến khu thì ở chung với cán bộ, nhân viên, về Hà Nội ở nhà của người thợ điện, sau này ở trong nhà sàn đơn sơ với vài vật dụng cá nhân tối cần thiết). Ngay cả trong công việc Bác cũng đề cao tính tiết kiệm, “khi không nên xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu” … Về “liêm”, sự thanh liêm của Người đã được thể hiện rõ nét qua từng lời nói, hành động. Không những không bao giờ có ý nghĩ tư lợi cá nhân, người còn luôn trăn trở, nghĩ cách làm sao để dân mình có cuộc sống tốt hơn, làm sao để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Về “chính”, Người luôn khiêm tốn, yêu thương, quan tâm đến mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là những người nghèo khổ. Đặc biệt, Người luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trước hết và đã hy sinh cả cuộc đời để mang lại nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân...


Có thể thấy, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hội đủ và thể hiện sáng rõ cả bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Chính điều này đã củng cố thêm giá trị cho tư tưởng của Người về những phẩm chất đạo đức cách mạng trên và tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống nhân dân.


Noi gương Người, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, các thế hệ người Việt Nam, từ cán bộ đảng viên cho đến Nhân dân, đã thi đua thực hiện tốt cần, kiêm, liêm, chính. Nhờ đó, dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng với tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, ta vẫn huy động được một nguồn lực lớn về sức người sức của, đảm bảo cho các cuộc chiến giành thắng lợi. Đã có hàng vạn người con của Tổ quốc ngã xuống vì độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước; hàng vạn người con đã hy sinh thân mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Chính họ đã nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam yêu nước, cần cù, sáng tạo, hy sinh, vì một xã hội ngày mai tươi đẹp hơn.


Trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên cả nước đã có hàng hàng triệu cán bộ, đảng viên, những “người tốt, việc tốt”, những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua… tiêu biểu cho ý chí tự lực, tự cường của dân tộc; cần cù, sáng tạo, lao động với tinh thần “mình vì mọi người”, “mỗi người làm việc bằng hai”, có ý thức tiết kiệm của công, không tham ô, lãng phí... Nhờ vậy, sự nghiệp kiến thiết đất nước trước đây và công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Không ngừng chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng

 
Ngày nay, thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước ta đã không ngừng chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân, coi đó là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” đã đi vào nếp nghĩ, thói quen, phong cách, lối sống của đa số cán bộ, đảng viên; đồng thời cũng là tiêu chuẩn phấn đấu, tiêu chí để phân loại, đánh giá chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người.


Tuy vậy, bên cạnh những tấm gương tiêu biểu đó, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm trước công việc, chức trách được giao; lười học tập, ngại rèn luyện, sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh; quan liêu, tham nhũng, lãng phí… làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước.


Trong khi đó, công cuộc đổi mới đất nước ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức đan xen đặt ra những yêu cầu cao cả về phẩm chất và năng lực đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên - không chỉ là tăng cường trau dồi kiến thức, nâng cao học vấn mà còn phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Do đó, việc đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho cán bộ, đảng viên là một yêu cầu vừa mang tính cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.


Tuy vậy, phải hiểu một cách sáng tạo các vấn đề mà Bác đề cập đến theo nghĩa rộng hơn, phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện nay. Ngày nay, không thể hiểu Cần chỉ là sự cần cù, chịu khó, tự lực, tự cường, mà còn là trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện; sự năng động, sáng tạo trong xử lý các tình huống nảy sinh của thực tiễn. Kiệm không chỉ là ý thức tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, tiết kiệm công quỹ của tập thể... mà còn đòi hỏi sự tỉnh táo, tinh tường, nắm bắt thời cơ, vận hội, cạnh tranh có hiệu quả để làm giàu cho đất nước; đồng thời, khắc phục có hiệu quả những thách thức, rủi ro, thất thoát đối với tài sản của Nhà nước, tập thể. Liêm, bên cạnh yêu cầu phải sống trong sạch, không tham tiền của, không nịnh trên, dối dưới... còn phải đấu tranh loại bỏ bệnh tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, tính ưu việt của chế độ ta. Chính, vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác; còn phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi quần chúng, gần gũi cơ sở, tự phê bình và phê bình chân thực, thẳng thắn...


Có thể thấy, dù 75 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng, những bài học sâu sắc và tấm gương Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng nói chung và “cần, kiệm, liêm, chính” nói riêng vẫn luôn có giá trị to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước hiện nay./.


Minh Duyên (TTXVN)

(1) - (18): trích tác phẩm CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH - sách Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.115-131

Tag:

File đính kèm