Sign In

Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp ủy đảng các cấp của cán bộ nữ hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng

14:23 21/09/2024

Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác cán bộ nữ

 

1. Bối cảnh chung về công tác cán bộ nữ ở nước ta


Bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị sẽ giúp bảo đảm tính đại diện của mỗi giới trong việc giải quyết những thách thức của xã hội, đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của mỗi giới. Đồng thời, sự tham gia bình đẳng của mỗi giới trong lĩnh vực chính trị sẽ giúp cho việc huy động và sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của sự phát triển.

 

Nhận thức rõ vấn đề đó, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) coi Bình đẳng giới (BĐG), trong đó có BĐG về chính trị, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết 11-NQ/TƯ (2007) của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), Chỉ thị 21-CT/TƯ (2018) tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ, cùng các Văn kiện ở các kỳ Đại hội Đảng, v.v. đã thường xuyên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị. Thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013, Luật bình đẳng giới 2006, Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân 2015; v.v. cũng đã đề ra nhiều quy định nhằm bảo đảm tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị ngày càng cao, phù hợp với vị trí và vai trò của phụ nữ Việt Nam hiện nay.

Đối với việc tăng cường vai trò của phụ nữ trong chính trị, nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy có ý nghĩa quan trọng bởi Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và cấp ủy là cơ quan điều hành của Đảng trong công việc này. Sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy công tác cán bộ mang tính trách nhiệm giới, từ đó đóng góp vào việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung.

 

Trong những năm qua Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để chỉ đạo tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy. Trước mỗi kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương đều có những hướng dẫn nhằm bảo đảm cơ cấu cán bộ nữ trong cấp ủy. Nhờ có sự quan tâm tích cực của các cấp ủy Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy trong những năm qua đã tăng lên, đặc biệt là ở các cấp địa phương (tỉnh, huyện, xã). Chẳng hạn, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 là 11,4%, nhiệm kỳ 2015-2020 là 13,3% và nhiệm kỳ 2020-2025 là 16%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp huyện ủy tương ứng là: 15,0%; 14,3% và 20,1%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ cấp ủy cũng tăng lên, mặc dù không mạnh: Cấp tỉnh: từ 7,85% nhiệm kỳ 2015-2020 đến 10,75% nhiệm kỳ 2020-2025; Cấp huyện: từ 12,0% đến 13,2 %; Cấp xã: từ 10,7% đến 13,2%.[4]

 

Tuy nhiên, so với những yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ của Bộ Chính trị, và sau đó đã được thể chế hóa qua Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2011-2020 thì chỉ tiêu 25% cán bộ nữ tham gia cấp ủy vào năm 2020 không đạt được. Tỷ lệ này cũng dao động theo các địa phương. Chẳng hạn, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và ban thường vụ ở các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ cao hơn khá nhiều so với ở khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

 

2. Quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ và sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp.

 

Ngày 29 tháng 11 năm 2006, Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra từ Luận cương chính trị năm 1930. Tiếp đó, ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW thể hiện rõ quan điểm về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”. Điều đó khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

 

Nghị quyết 11/NQ-TW xác định một số nội dung định hướng quan trọng đối với công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ: Xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương; Chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ để chủ động về nhân sự; Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Chỉ tiêu phát triển đội ngũ cán bộ nữ đến năm 2020, trong đó tỷ  lệ tham gia cấp uỷ Đảng đạt từ 25% trở lên. Với việc triển khai tích cực Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngay trong những năm cuối của thập niên thứ nhất thế kỷ 21, một số mục tiêu bình đẳng giới về chính trị, trong đó có chỉ tiêu cán bộ nữ tham gia cấp ủy, đã được thực hiện bước đầu. Số cán bộ nữ được sắp xếp vào các vị trí lãnh đạo cấp ủy đã tăng lên. Chẳng hạn, theo số liệu của Ban tổ chức TƯ và Đảng đoàn Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội LHPNVN) thì cấp Bí thư TƯ và BCHTW (kể cả ủy viên dự khuyết) cũng như cấp ủy viên các cấp tỉnh/thành và cơ sở của nhiệm kỳ 2006-2010 đều tăng so với nhiệm kỳ trước đó. (Đảng đoàn Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 2009).

 

Tiếp theo sau Nghị quyết 11/NQ-TW, Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo  nhằm thực hiện các chỉ tiêu về sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy. Dưới đây lược lại một số văn bản gắn trực tiếp với công tác cán bộ nữ tham gia cấp ủy.

 

(1) Kết luận số 55-KL/TW Ban Bí thư ban hành ngày 18/01/2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW. Kết luận của Ban Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể chế hóa các nội dung Nghị quyết 11; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển; đặc biệt quan tâm đến nội dung thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, nghỉ hưu. Kết luận của Ban Bí thư cũng yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện công tác cán bộ nữ để các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng quy hoạch cán bộ nữ, trong đó tiếp tục nhấn mạnh đến việc phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên.

 

(2) Thông báo số 196-TB/TW, ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”. Thông báo này nhấn mạnh việc các cấp ủy, tổ chức đảng phải làm tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp theo tinh thần “Cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ trong ban thường vụ cấp ủy”.

 

(3) Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Bản Chỉ thị nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt chỉ tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác cán bộ nữ; quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ trẻ, nữ dân tộc thiểu số. Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển đối với một số nhóm phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phù hợp trong từng giai đoạn. Đồng thời bản Thông báo cũng nhắc nhở Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp về việc phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, tích cực tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị.

 

(4) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết này tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp và tỉ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 – 25%.

 

(5) Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bản Chỉ thị nêu rõ cơ cấu và tỷ lệ cấp ủy viên nữ và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy các cấp. Bản Chỉ thị cũng nhấn mạnh rằng cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu phải chủ động và có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đánh giá để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ nữ, …. vào các chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy khóa mới; đồng thời, có giải pháp hiệu quả chuẩn bị nguồn cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Ban thường vụ cấp ủy cấp dưới báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp việc chuẩn bị văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy, khi được cấp trên đồng ý mới tiến hành đại hội. Tuy nhiên, ở Chỉ thị này chỉ tiêu phấn đấu đã có giảm đi so với yêu cầu của NQ11/TƯ và Nghị quyết số 26-NQ/TW (2018), với mức phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ.

 

(6) Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 28/7/2020 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp và Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027. Ở Chỉ thị  này Ban Bí thư nhấn mạnh việc phải phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội trong giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước.

 

(7) Ngày 14/6/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Tuy nhiên, trong Chỉ thị này, mức độ phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ vẫn giữ  nguyên là từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Đồng thời, quy định về độ tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp ủy vẫn giữ nguyên như các khóa trước, như vậy là cán bộ nữ vẫn có hạn chế hơn trong việc tham gia cấp ủy do độ tuổi về hưu chưa thay đổi nhiều so với trước thời điểm ban hành Bộ Luật Lao động 2019.

 

Như vậy, trong thời gian qua Đảng đã ban hành khá nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường đội ngũ cán bộ nữ nói chung và sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy nói riêng. Cùng với điều đó là những hướng dẫn cụ thể và việc triển khai các hoạt động cần thiết ở địạ phương. Tuy nhiên, qua các văn bản nêu trên cũng thấy được rằng các chỉ tiêu nêu ra chủ yếu mang tính định hướng phấn đấu, yêu cầu ràng buộc chưa thật sự chặt chẽ. Ngoài ra, căn cứ vào thực tiễn, chỉ tiêu cần đạt được về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy hạ xuống thấp hơn mức phấn đấu ban đầu.

 

Cũng như vấn đề bình đẳng giới trong chính trị nói chung, kết quả về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chịu tác động của các yếu tố cấu trúc (trình độ phát triển kinh tế-xã hội, nguồn lực, học vấn, v.v.), thể chế (luật pháp, chính sách, bộ máy thực hiện, v.v), văn hóa (phong tục tập quán). Tùy thuộc vào đặc điểm ở từng địa phương mà kết quả sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy có thể khác nhau.

 

3. Kết quả nâng cao sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy đảng các cấp

 

Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực triển khai hoạt động thực hiện các nghị quyết về bình đẳng giới trong chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại thời điểm 6/2024, theo tổng hợp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2024), tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp là: 15,96% với cấp tỉnh, 19,63% với cấp huyện, và 24,77% với cấp xã.

 

Theo tổng hợp tại thời điểm 6/2024 (xem Hình 1), tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp có sự khác biệt giữa các địa phương. Tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam Bộ là cao nhất (lần lượt 31,8% cho cấp xã, 27,3% cho cấp huyện, và 21,3% cho cấp tỉnh) và thấp nhất đối với cấp xã là ở khu vực Miền núi và Trung du phía Bắc (MNTDPB) 22,9%, đối với cấp huyên là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 16,9% và đối với cấp tỉnh là khu vực Tây Nguyên (13,4%).

 

Phân tích sâu hơn có thể thấy rằng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp xã cao nhất là ở Bình Dương 38,1%; tiếp đến là Hải Phòng 36,3% và thấp nhất là ở Đắk Nông 8,8%. Đối với cấp huyện cao nhất là ở Lạng Sơn 30%, tiếp đến là Ninh Bình 28%; Bình Dương 27,2%; Thành Phố Hồ Chí Minh 27,3%; và thấp nhất là ở Bắc Giang 11,6%; Trà Vinh 13,8%. Đối với cấp tỉnh cao nhất là ở Tuyên Quang 29,2%; tiếp đến là Bình Phước 28,3%, và thấp nhất Lâm Đồng 3,9%; Quảng Bình 8,2%.

Hình 1: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp tỉnh, huyện và xã năm 2024

(số liệu tổng hợp của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 6/2024)

 

 

Dưới đây trình bày sâu hơn về sự tham gia cấp ủy đảng của cán bộ nữ ở các cấp khác nhau. Các phân tích này dựa vào đánh giá của Ban Tổ chức, Trung ương Hội LHPNVN, vào thời điểm hoàn thành bầu cử cấp ủy các địa phương (2020) chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.      

 

Sự tham gia cấp ủy đảng cấp cơ sở của cán bộ nữ

 

Tỷ lệ ủy viên ban chấp hành đảng bộ là nữ ở cấp cơ sở (chỉ bao gồm các xã, phường, thị trấn) thuộc 63 tỉnh ủy, thành ủy là 25,6% (cao hơn 4,2% so với cuối nhiệm kỳ trước), trong đó có 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 30% trở lên; không có tỉnh, thành phố nào dưới 15%. Có 81,5% cơ sở trên toàn quốc đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên. So với các nhiệm kỳ trước đây thì tỷ lệ nữ ủy viên tham gia ban thường vụ đảng ủy ở cấp cơ sở là 14,6% (cao hơn 3,9% so với nhiệm kỳ trước) và có 10 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 20% trở lên. Số cơ sở có cán bộ nữ trong ban thường vụ là 48,5%, cao hơn 2,7% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ cán bộ nữ đảm nhiệm vị trí bí thư trong toàn quốc là 11,4% (nhiệm kỳ trước là 8%) và phó bí thư là 14,8% (nhiệm kỳ trước là 11,5%).  

 

Hình 2. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng bộ cấp cơ sở

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/ty-le-can-bo-nu-trong-3-cap-uy-dang-nhiem-ky-2020-2025-20201112154535608.htm

 

Về độ tuổi, tỷ lệ cấp ủy viên nữ dưới 40 tuổi chiếm 36,6% trong tổng số cấp ủy viên dưới 40 và chiếm 57,7% trong tổng số cấp ủy viên nữ. Trình độ học vấn và lý luận chính trị của cấp ủy viên nữ đã tăng lên. Tỷ lệ cấp ủy viên nữ có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 85,8% (nhiệm kỳ trước 61,43%), trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên là 91% (nhiệm kỳ trước 76,8%).

 

Sự tham gia cấp ủy đảng cấp huyện của cán bộ nữ

Tỷ lệ cấp ủy viên nữ cấp huyện (bao gồm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) của 63/63 tỉnh, thành phố là 20,1% (cao hơn 1,9% so với cuối nhiệm kỳ trước). Có 79,2% đơn vị huyện trên toàn quốc đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên, cao hơn so với nhiệm kỳ trước, trong đó có 12 tỉnh, thành phố có 100% đơn vị đạt tỷ lệ này. Tỷ lệ nữ ủy viên ban thường vụ là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước) và tỷ lệ huyện có cán bộ nữ trong ban thường vụ là 92,8% (cao hơn 8,5% so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ bí thư nữ là 9,7% (nhiệm kỳ trước là 7,39%) và phó bí thư nữ  là 9,4% (nhiệm kỳ trước là 5,85%).

 

Cấp ủy viên nữ dưới 40 tuổi chiếm 34,2% trong tổng số cấp ủy viên dưới 40 và chiếm 27,7% trong tổng số cấp ủy viên nữ. Cấp ủy viên nữ có trình độ chuyên môn đại học trở lên là 99,7% (nhiệm kỳ trước 97,8%), trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân là 90,2% (nhiệm kỳ trước 76,5%). Trong 696 huyện trên toàn quốc báo cáo hiện có 650 cán bộ Hội tham gia cấp ủy, chiếm 93,4%.

Hình 3. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia huyện ủy

 Nguồn: https://phunuvietnam.vn/ty-le-can-bo-nu-trong-3-cap-uy-dang-nhiem-ky-2020-2025-20201112154535608.htm

 

Sự tham gia cấp ủy đảng cấp tỉnh của cán bộ nữ

 

Tỷ lệ cấp ủy viên nữ bình quân của 63 tỉnh, thành ủy đạt 16% (tăng 2% so với cuối nhiệm kỳ trước). Có 35 tỉnh có tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên (tăng 5 tỉnh so với nhiệm kỳ trước), cao nhất là Tuyên Quang với tỷ lệ 29,2%; còn 28 tỉnh dưới 15%, trong đó đáng chú ý là có 4 tỉnh dưới 10% (Quảng Bình, Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng). Có 61/63 tỉnh, thành phố có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Cả nước có 9 Bí thư nữ, 14 Phó Bí thư nữ, trong đó tỉnh Bình Phước có 02 đồng chí Phó Bí thư là nữ. Có 59/63 tỉnh có Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp tỉnh trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

 

4. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp

 

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy chịu tác động của các yếu tố khác nhau như trình độ phát triển kinh tế-xã hội; nguồn nhân lực; quy định của luật pháp, chính sách và vấn đề tổ chức thực hiện; định kiến giới; v.v.

 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội: Trong thập niên qua Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ về kinh tế. Năm 2022, GDP tăng ở mức 8,02% so với năm 2021, cao nhất trong 10 năm qua; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Dự báo, năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đương mục tiêu mà Quốc hội đưa ra (khoảng 6%-6,5%)[5]. Những tiến bộ về kinh tế sẽ bổ sung nguồn lực tài chính cũng như con người cho việc thực hiện các chính sách BĐG. Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng, giúp họ có nhiều thời gian và công sức hơn dành cho các hoạt động chính trị, xã hội. Phát triển kinh tế cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, giúp cho phụ nữ tham gia tích cực hơn vào lực lượng lao động xã hội và có vị thế cao hơn trong gia đình.

 

Phát triển nguồn nhân lực: Vấn đề phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm thúc đẩy. Theo xếp hạng quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, công bố năm 2022, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với 2020, chỉ số Vốn con người đứng thứ 38/174 nền kinh tế. Sự khác biệt về học vấn giữa nữ và nam đã giảm đi đáng kể trong những năm qua (Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở-TĐTDS&NO- 2010; 2019). Việc tăng học vấn sẽ hỗ trợ cho sự thay đổi về mặt nhận thức xã hội đối với vấn đề giới, trong đó có vai trò của phụ nữ, đặc biệt trong những người trẻ tuổi, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị.

 

Tuy nhiên, còn tồn tại những vấn đề giới trong lĩnh vực giáo dục. Trước hết, mặc dù số sinh viên nữ nhiều hơn ở cấp đại học và cao đẳng, nhưng nam sinh viên và nữ sinh viên vẫn tiếp tục tách biệt ở các ngành học khác nhau do định kiến giới: nam giới tập trung nhiều hơn vào các ngành kỹ sư, chế tạo máy, xây dựng, dịch vụ, trong khi đó nữ sinh viên lại nghiêng về các ngành khoa học xã hội, giáo dục, nghệ thuật, khoa học nhân văn. Phụ nữ tham gia các cơ sở đào tạo nghề cũng được phân luồng vào các ngành vốn truyền thống có nhiều phụ nữ làm các nghề có lương thấp như may mặc, cắt tóc (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UNFPA, 2020). Điều này dẫn đến tình trạng khó tìm nguồn cán bộ nữ cho các lĩnh vực vốn lâu nay vẫn là thánh địa của nam giới như các lĩnh vực kinh tế và công  nghệ, làm hạn chế sự đóng góp của cán bộ nữ.

 

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động xã hội ở Việt Nam tương đối cao. Trong giai đoạn 2009-2019, luôn có khoảng hơn 71% phụ nữ tuổi 15 trở lên tham gia lực lượng lao động xã hội. (Tổng cục Thống kê 2015, 2018). Điều này giúp làm tăng vị thế của phụ nữ. Tuy nhiên, do phụ nữ vẫn phải thực hiện các vai trò giới truyền thống, đảm nhiệm việc nội trợ gia đình, nên họ phải chịu gánh nặng kép về công việc, hạn chế sự tham gia chính trị cùa họ.  Ngoài ra, chất lượng lao động nam và nữ còn có sự tách biệt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của phụ nữ thấp hơn nam giới (23,9% so với 28,7% năm 2022).[6] Điều này tạo ra nhiều thách thức đối với lao động nữ trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng và làm hạn chế sự đóng góp của họ vào hoạt động chính trị. Khoảng cách về thu nhập giữa lao động nam và nữ còn đáng kể (theo Tổng cục thống kê, 2023, thu nhập của nam giới cao hơn nữ giới ở tất cả các nhóm chuyên môn kỹ thuật và có sự chênh lệch thu nhập theo giới tính ở mức khoảng 12,2%) đã củng cố khuôn mẫu phân công lao động theo giới, theo đó nhiều phụ nữ chấp nhận trách nhiệm chính trong công việc nhà, ưu tiên công việc ngoài xã hội cho nam giới.

 

Quy định của luật pháp, chính sách và việc tổ chức thực hiện: Như đã nêu ở phần trên, hệ thống các văn bản pháp luật và chính sách về bình đẳng giới ở Việt Nam tương đối hoàn thiện. Công tác triển khai các văn bản, chỉ thị Nghị quyết của Đảng, của địa phương liên quan đến bình đẳng giới nhìn chung được chỉ đạo triển khai khá tốt. Công tác cán bộ nữ về cơ bản được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển các vị trí hướng tới đảm bảo cơ cấu cán bộ phù hợp về giới tính.

 

Tuy nhiên, trong một số văn bản chỉ đạo của Đảng chưa có sự thống nhất, đồng bộ về chỉ tiêu cần đạt trong công tác cán bộ. Chẳng hạn, các chỉ tiêu nêu ra ở Nghị quyết 11/NQ-TƯ năm 2007 và một số văn bản sau đó như Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012; Nghị quyết 26-NQ/TƯ ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương; Chỉ thị 35-CT/TW ngày 30/2/2019 của Ban chấp hành Trung ương chưa thực sự thống nhất.

 

Một số chính sách liên quan đến công tác cán bộ chưa tạo thuận lợi cho nữ giới trong tiếp cận các cơ hội học tập nâng cao trình độ. Một số quy định chung về tiêu chí đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ còn chưa linh hoạt, chưa mang tính nhạy cảm giới. Ví dụ: Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, hình thức tổ chức học tập trung ở độ tuổi trẻ tạo ra những rào cản nhất định đối với cán bộ nữ. Theo Quy định Số: 57-QĐ/TW, ngày 08 tháng 02 năm 2022, đối tượng cán bộ học không tập trung đối với hệ Trung cấp lý luận là nữ từ 33 tuổi và nam từ 35 tuổi; hệ Cao cấp lý luận là nữ từ 38 tuổi và nam từ 40 tuổi. Sự chênh lệch này thoạt nhìn là sự tạo điều kiện cho nữ giới, nhưng độ tuổi dưới 33 và 38 thường là độ tuổi thai sản, nuôi con nhỏ làm hạn chế khả năng tham gia của cán bộ, công chức nữ.

 

Một số quy định của Trung ương về chỉ tiêu quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ còn mang tính định hướng, chưa bắt buộc và không có chế tài kèm theo. Các quy định về quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có cơ chế, lộ trình dài hạn để đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh.  Ví dụ, còn có  khoảng cách giữa quy định và việc thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Cho đến trước Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW năm 2012 và Hướng dẫn số 06 HD/BTCTW năm 2017 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ phấn đấu vẫn là bảo đảm tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, ban thường vụ các cấp không dưới 15%. Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, theo Quy định số 50-QĐ/TƯ ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị, tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch phấn đấu bảo đảm từ 25% trở lên, song trên thực tế tỷ lệ này ở cấp tỉnh chưa đạt được. Cũng đáng quan tâm là độ tuổi quy hoạch vẫn được quy định căn cứ vào tuổi nghỉ hưu, vì vậy trên thực tế một bộ phận cán bộ nữ sẽ bị thiệt thòi trong vấn đề quy hoạch vì độ tuổi nghỉ hưu sớm hơn so với nam giới.

 

Gắn với việc bảo đảm nguồn quy hoạch là công tác đào tạo bồi dưỡng. Mặc dù Nghị quyết 11-NQ/TƯ năm 2007 quy định phải bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị và quản lý nhà nước từ 30% trở lên nhưng theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ thì trên thực tế chưa đạt được tỷ lệ này. Về tỷ lệ cấp ủy viên là nữ, trong Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14/6/2024, chỉ tiêu đặt ra vẫn là: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ.

 

Chưa có quy định chi tiết về tỷ lệ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý nữ cần luân chuyển. Quy định 65-QĐ/TW năm 2022 về luân chuyển cán bộ vẫn nhấn mạnh đến thời gian công tác “Có đủ sức khoẻ và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Như vậy, với những khác biệt về tuổi về hưu hiện nay, việc luân chuyển cán bộ nữ cũng sẽ gặp trở ngại. Quy định về độ tuổi luân chuyển và bổ nhiệm như trên có thể khiến nhiều cán bộ nữ bị lỡ cơ hội được đào tạo, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm, trong khi đó, đội ngũ cán bộ nữ từ 40 tuổi trở lên có khả năng đóng góp lớn do đã tích lũy được nhiều kiến thức và kỹ năng công việc, đồng thời các công việc chăm sóc gia đình đã đỡ hơn. Một số chế độ chính sách cho cán bộ không chuyên trách còn nhiều hạn chế như không được hưởng chế độ thai sản, mức lương thấp so với thực tế chế độ hưởng theo bằng cấp. Trong khi số lượng cán bộ nữ đảm nhận các chức danh không chuyên trách khá nhiều…

 

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách chưa được ban hành kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Ví dụ, theo Nghị định số 48/2009/NĐ-CP, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới ba mươi sáu tháng tuổi. Tuy nhiên, đến năm 2023 vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ về tổ chức thực hiện. Do vậy, hầu hết các địa phương khi xây dựng quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không đề cập đến nội dung trên (Phùng Thị An Na, 2020). Điều này gây ra những khó khăn trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và suy giảm động lực học tập và cơ hội thăng tiến của cán bộ, công chức nữ khi độ tuổi được đi đào tạo, bồi dưỡng thường trùng với thời gian sinh và nuôi con nhỏ.

 

Định kiến giới : Định kiến giới vẫn tồn tại đáng kể trong xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và cơ quan khác, 2021), gắn đàn ông với quyền lực và khả năng quản lý, từ đó dẫn đến thái độ không ủng hộ phụ nữ tham gia lãnh đạo. Chính sự tác động của khuynh hướng thiên vị này đưa đến hệ quả phụ nữ lãnh đạo, quản lý thường bị dò xét và đánh giá khắt khe hơn nam giới. Một số cán bộ ở hai tỉnh được khảo sát trao đổi cho biết, phụ nữ luôn bị phán xét là chỉ biết lo cho gia đình và thường bị đánh giá thấp hơn nam giới nếu có sai sót trong quá trình lãnh đạo, quản lý. Nhiều nam giới và thậm chí một số phụ nữ không thích lãnh đạo của mình là phụ nữ. Điều này gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đối với sự nghiệp chính trị của phụ nữ, tạo nên rào cản đối với họ ngay từ khâu lựa chọn nhân sự.

 

Ở cấp độ tổng thể, các đặc điểm về cấu trúc, thể chế và văn hóa nêu trên đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình đấu tranh cho bình đẳng giới trong chính trị nói chung cũng như sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy nói riêng ở Việt Nam.

 

5. Một số hàm ý chính sách nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cấp ủy đảng các cấp hướng đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng

 

Thứ nhất, Trong thời gian tới, việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền tham chính của phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội song cũng gặp nhiều thách thức, nhất là khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, do đó điều kiện phát triển của phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, các cấp ủy đảng cần tiếp tục lãnh đạo việc thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW, Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản của tỉnh ủy đến các chi bộ, đảng bộ, và cán bộ, công chức để xây dựng mục tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể. Chính quyền các cấp cần chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách pháp luật về bình đẳng giới, nhất là Luật Bình đẳng giới 2006, qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình.

 

Thứ hai, cân nhắc nâng chỉ tiêu tỷ lệ nữ trong ứng cử viên cấp ủy các cấp và ban hành các quy định mang tính bắt buộc cao hơn đối với việc thực hiện những chỉ tiêu về cán bộ nữ tham gia cấp ủy. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cho thấy rằng những quy định mang tính luật pháp về tỷ lệ nữ ứng cử viên (quy định 35% trở lên, trong thực tế ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tỷ lệ nữ ứng cử viên đạt tới 40%) đã đem lại kết quả rất tốt đẹp: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã lần đầu tiên sau mấy thập niên đạt được trên 30%. Vì vậy nếu đưa ra các chỉ tiêu mang tính bắt buộc hơn (không phải chỉ nêu “phấn đấu” hay “khuyến khích”) thì việc thực hiện các chỉ tiêu này của các địa phương sẽ quyết liệt hơn.

 

Thứ ba, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và có hình thức xử lý đối với việc không thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ. Đối với các địa phương không thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về công tác cán bộ nữ thì cần có những hình thức đánh giá hiệu quả thực hiện và xử lý phù hợp.

 

Thứ tư, việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất. Cân nhắc điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy. Chẳng hạn, cân nhắc có chính sách linh hoạt đối với cán bộ nữ trẻ cũng như các cán bộ nữ từ 40 tuổi trở lên về độ tuổi đào tạo, bổ nhiệm; tiêu chí đào tạo; hình thức đào tạo chuyên môn và lý luận chính trị (tập trung hay tại chức); phương thức và điều kiện luân chuyển; chính sách cân bằng công việc gia đình-xã hội; v.v. Chính sách linh hoạt đối với cán bộ nữ trẻ có ý nghĩa quan trọng để giúp họ thu xếp thời gian cho cả cuộc sống gia đình và công tác, nhất là trong giai đoạn mới lập gia đình và có con nhỏ. Đối với đội ngũ cán bộ nữ từ 40 tuổi trở lên, cần đặc biệt chú ý đến các chính sách phát huy vai trò của họ, vì ở độ tuổi này cán bộ nữ thường có điều kiện tập trung thời gian và công sức nhiều hơn vào công tác xã hội và chuyên môn. Chẳng hạn, có thể mở rộng độ tuổi đào tạo và luân chuyển để họ có thể phát huy tốt kiến thức và kỹ năng tích lũy được qua thời gian. Cũng cần quan tâm đến việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách, trong đó có nhiều cán bộ nữ, nhằm tạo nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy.

 

Thứ năm, cần xây dựng hệ thống dữ liệu và tập hợp các chỉ tiêu liên quan đến sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy, từ đó nắm được và so sánh giữa các địa phương về số lượng nam/nữ cán bộ tham gia cấp ủy. Đây là một hệ thống chỉ tiêu phục vụ lãnh đạo, cấp ủy theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết và chỉ thị về bình đẳng giới trong cấp ủy, đồng thời tạo ra sự thi đua giữa các địa phương về vấn đề này.

 

Thứ sáu, tăng cường các nghiên cứu, tổ chức hội thảo, hội nghị bàn về chủ đề lãnh đạo, quản lý, công tác cán bộ nữ, nữ tham gia cấp uỷ. Đây là lĩnh vực khó nghiên cứu hơn và hiện ít các nghiên cứu liên quan.

 

GS.TS Nguyễn Hữu Minh[1], PGS.TS Đặng Thị Ánh Tuyết[2]

TS Vũ Thái Hạnh[3] và nhóm nghiên cứu

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Trung ương, (2019). Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019. Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  2. Ban Chấp hành Trung ương, (2024). Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024. Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
  3. Ban Chấp hành Trung ương, (2022). Quy định số 57-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.
  4. Ban Chấp hành Trung ương, (2022). Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/4/2022 về Luân chuyển cán bộ.
  5. Ban Chấp hành Trung ương, (2022). Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 18/8/2022 về Phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
  6. Ban Chấp hành Trung ương, (2021). Quy định số 50-QĐ/TW của Bộ Chính trị, ngày 27/12/2021 về Công tác quy hoạch cán bộ.
  7. Ban Chấp hành Trung ương, (2015). Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 của Ban Bí thư “Cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân phải xác định công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và thường xuyên ở từng cấp, từng ngành”.
  8. Ban chỉ đạo TĐTDS&NO Trung ương 2010.Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009: Một số kết quả chủ yếu. NXB Thống kê. Hà Nội.
  9. Ban chỉ đạo TĐTDS&NO Trung ương 2019.Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019: Một số kết quả chủ yếu. NXB Thống kê. Hà Nội.
  10. Ban Tổ chức tỉnh ủy Bình Dương 2024. Báo cáo về tăng cường cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
  11. Ban Tổ chức Trung ương 2012. Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 05 tháng 11 năm 2012 “Hướng dẫn về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 30/11/2004 của Bộ Chính trị (Khóa IX) và Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI)” (thay cho Hướng dẫn số 22-HD/BTCTW ngày 21-10-2008 của Ban Tổ chức Trung ương).
  12. Ban Tổ chức Trung ương 2017. Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW, ngày 24 tháng 2 năm 2017 “Sửa đổi bổ sung một số nội dung về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu tại Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW, ngày 05 tháng 11 năm 2012 của Ban Tổ chức Trung ương”.
  13. Ban Tổ chức Trung ương 2022. Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW, ngày 15 tháng 2 năm 2022 “Hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ”.
  14. Ban Tổ chức Trung ương Hội LHPNVN 2020. Tỷ lệ cán bộ nữ trong 3 cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025. https://phunuvietnam.vn/ty-le-can-bo-nu-trong-3-cap-uy-dang-nhiem-ky-2020-2025-20201112154535608.htm, truy cập 14/6/2024
  15. Barbar Kellerman và Deborah L. Rhode 2009. Women and Leadership: The State of Play and Strategies for Change, tr 359-360.
  16. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam 2007. Nghị quyết 11-NQ/TU về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 27/4/2007.
  17. 17. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, UNWomen tại Việt Nam, Australian Aids, 2021. Báo cáo rà soát tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
  18. 18.Chính phủ, (2020). Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, ngày 18/11/2020. Quy định về tuổi nghỉ hưu.
  19. 19.Kết luận số 55 – KL/TWcủa Ban Bí thư, ngày 18/01/2013. Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
  20. 20.Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, (2024). Tổng hợp số liệu báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương về cơ cấu cấp ủy phân theo giới tính ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện, xã.


[1] Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam

[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[4] Báo cáo của Đồng chí Trương Thị Mai, UVBCT, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, tại hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 08/4/2023.

[5] https://kinhtevadubao.vn/kinh-te-viet-nam-giai-doan-2020-2023-va-du-bao-nam-2024-28160.html

[6] Niêm giám thông kê 2022, TCTK.

Tag:

File đính kèm