Lương y như từ mẫu
Bác sỹ Chuyên khoa II Lê Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình là người giỏi chuyên môn, hết lòng vì người bệnh. Gần 30 năm gắn bó với nghề y, bác sỹ Thu chưa bao giờ ngại khó, luôn cần mẫn tận tụy với nghề đúng như lời dạy “Lương y phải như từ mẫu” của Bác Hồ kính yêu.
Từ nhỏ, chị Thu đã luôn mơ ước được khoác lên mình chiếc áo Blouse trắng trở thành một lương y chuyên chữa bệnh cứu người, để biến ước mơ thành hiện thực, chị không ngừng phấn đấu học tập và bước vào công tác trong ngành Y tế từ năm 1993 tại Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch.
Sau gần 30 năm gắn bó với nghề, hiện chị là một bác sỹ vững về chuyên môn, hết lòng với người bệnh, gần gũi với đồng nghiệp và giản dị trong đời thường. “Những năm đầu gắn bó với nghề là khoảng thời gian khó khăn nhất của y tế cơ sở… Tôi đã luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng đặt mình vào vị trí người bệnh, xem họ như người nhà của mình để tạo dựng niềm tin, khi đó mới thấu hiểu được bệnh nhân đang cần gì”, bác sỹ Thu chia sẻ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị đã không ngừng nỗ lực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.
Đến nay, trên cương vị là Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc kiêm phụ trách khoa Liên chuyên khoa, Trưởng ban Nữ công bệnh viện... chị luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, xây dựng tập thể đoàn kết thống nhất, cùng nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo niềm tin cho người dân trên địa bàn và các vùng lân cận khi đến thăm, khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
Với những thành quả đóng góp cho ngành Y tế, bác sỹ Lê Thị Lệ Thu được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế. Đặc biệt năm 2021, chị vinh dự được Bộ Y tế tặng bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chống dịch Covid-19 tại tỉnh Quảng Bình.
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Chị Nguyễn Thị Đoàn, sinh năm 1983, hội viên chi hội phụ nữ thôn Cừa Thôn, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân ở vùng biển bãi ngang, từ nhỏ chị đã theo mẹ thu mua tôm, cá ở các thuyền về chợ bán kiếm thêm đồng lời phụ giúp gia đình. Năm 14 tuổi, mẹ qua đời, là chị lớn trong nhà, chị phải thay mẹ cùng cha tần tảo kiếm sống và nuôi các em nên người. Những ngày đó, khi cha đi biển về, chị có nhiệm vụ đi chợ để bán hải sản cha đã đánh bắt được để lấy tiền mua gạo. Cũng từ đó, tình yêu kinh doanh, buôn bán đã dần ngấm sâu vào máu thịt của chị lúc nào không hay. Sau này dù đã trở thành giáo viên, niềm đam mê kinh doanh, buôn bán trong chị vẫn chưa bao giờ nguôi...
Chị Nguyễn Thị Đoàn tại Diễn đàn doanh nghiệp hành lang kinh tế Đông Tây
Nhận thấy ở địa phương có nguồn thủy hải sản tươi ngon và dồi dào ngư dân đánh bắt được mỗi ngày, nhưng lại khó tiêu thụ vì thương lái mua ít, ép giá, nhiều khi được mùa nhưng giá cả lại quá thấp. Vì vậy, ngoài giờ dạy học trên lớp, chị vay mượn vốn của anh chị em trong gia đình đầu tư thu mua hải sản và chế biến để góp phần hỗ trợ cho bà con tiêu thụ sản phẩm, giá cả ổn định hơn. Sản phẩm làm ra dần cũng có chỗ đứng trên thị trường, quy mô cơ sở chế biến ngày càng lớn, lượng hàng ngày càng nhiều, đòi hỏi chị phải dành nhiều thời gian hơn. Vì vậy, năm 2018, sau 18 năm dạy học, chị đã quyết định chia tay với nghề giáo để chuyên tâm cho việc buôn bán, chế biến thủy hải sản.
Tháng 10 năm 2018, chị đứng ra vận động thành lập HTX sản xuất, mua bán, chế biến thủy sản Vương Đoàn với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng cùng 11 thành viên tham gia. Qua hơn 4 năm hoạt động, nhờ sự chủ động sáng tạo, HTX của chị phát triển tốt, các sản phẩm của HTX được tiêu thụ khá nhanh trên thị trường; phân phối tại các siêu thị, nhà hàng chủ yếu là địa bàn tỉnh và hầu hết có mặt tại các tỉnh phía Bắc, một số sản phẩm của HTX còn có mặt trên thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Lào…
Bình quân mỗi ngày HTX Vương Đoàn thu mua từ 3 - 10 tấn hải sản các loại. Nhờ phát triển bền vững, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 13 nhân công với thu nhập từ 6 - 8 triệu/đồng. Những lúc vào vụ mùa, chị thuê thêm lao động thời vụ có khi lên đến 100 người với 200.000 đồng/người/ngày.
Với những đóng góp tích cực trong việc phát triển kinh tế, chị Đoàn được UBND huyện Quảng Ninh, Hội phụ nữ các cấp tặng giấy khen “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Ngoài ra, chị còn đi đầu trong các phong trào tình nguyện, là một người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con, chị xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.
Bông hoa giữa đại ngàn Trường Sơn
Em Cao Thị Hằng, sinh năm 2004, là người thiểu số, đồng bào Rục, thuộc dân tộc Chứt đầu tiên ở Quảng Bình đỗ Đại học Sư phạm Huế với tổng số điểm 25,5.
Gia đình Hằng thuộc diện hộ nghèo của địa phương, bố mất năm 2006, lúc đó em mới gần 2 tuổi, là con thứ 6 trong nhà có 8 chị em, một mình mẹ em tần tảo làm lụng quần quật cũng không đủ sống và nuôi các con ăn học. Trong những năm tháng khó khăn, nhiều lúc Hằng đã từng nghĩ, cứ cố học đến đâu hay đến đó, khi nào khó quá thì ở nhà phụ mẹ. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các chú bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng và sự nỗ lực vươn lên, Hằng vẫn theo đuổi "con chữ". Năm 2016, để em được tiếp tục đến trường, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã nhận chăm sóc em trong Chương trình "Nâng bước em đến trường" với mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, nhờ vậy, Hằng đã có điều kiện theo học đến hết cấp 3 và thi vào Đại học.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, chủ nhiệm lớp 12B, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình, nơi Hằng từng theo học cho biết: Lớp có 29 học sinh là con em các dân tộc thiểu số nhưng duy nhất Hằng là người Rục. Trong quá trình học tập, Hằng là người luôn có ý thức học tập tốt và học được các môn xã hội. Vì thế, em luôn được cô giáo chủ nhiệm và các cô giáo bộ môn quan tâm, hỗ trợ về mặt học tập.
Nhờ sự động viên, giúp đỡ của các chú bộ đội và thầy cô, Hằng đã phấn đấu học tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp, với tổng điểm xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Huế, khoa Giáo dục Mầm non là 25,5 điểm. Đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Huế nhưng em lại quyết định học tại Khoa Sư phạm Trường Đại học Quảng Bình, bởi lẽ sẽ giảm được chi phí học tập và sinh hoạt trong 4 năm em ngồi trên ghế giảng đường.
Sau gần một năm trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Quảng Bình, được sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, cô gái người Rục giờ đây đã dần làm quen với cuộc sống sinh viên. Cánh cửa Đại học mở ra, Hằng sẽ phải tiếp tục nỗ lực, bước đi trên chính đôi chân của mình để viết tiếp giấc mơ, mai này ra trường về với bản làng góp một phần công sức nhỏ bé nuôi dưỡng những mầm non thế hệ tương lai của đất nước.