- Đắk Lắk: Chị Ngô Thị Yến phát triển kinh tế với mô hình dưa lưới
Chị Ngô Thị Yến, hội viên chi hội phụ nữ Tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar xuất thân từ gia đình thuần nông, những năm đầu lập gia đình cuộc sống gia đình chị rất vất vả, khó khăn, điều kiện kinh tế chưa ổn định. Bản thân chị nhiều lúc thấy nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng với bản tính chịu thương chịu khó, cố gắng phấn đấu nỗ lực làm giàu chính trên mảnh đất quê hương.
Được sự động viên, giúp đỡ của chị em phụ nữ trong chi hội, chị đã bàn bạc với gia đình và mạnh dạn xây dựng một mô hình dưa lưới trong nhà kính. Qua 3 năm đầu tư phát triển kinh tế, đến nay gia đình chị đã nhân rộng được 2 mô hình có nguồn thu nhập ổn định. Từ mô hình dưa lưới, bình quân hàng năm gia đình chị đã thu về trên 200 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.
Mô hình dưa lưới
Ngoài ra, bản thân và gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một hội viên, rèn luyện tốt phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Đồng thời, chị còn tham gia vận động các hội viên khác trong chi hội cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Những thành quả đạt được, ngoài sự nỗ lực của bản thân, chị còn nhờ sự động viên, chia sẻ và đồng hành của Hội LHPN Thị trấn Quảng Phú. Với những nỗ lực ấy, chị xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng.
- Nam Định: Gương phụ nữ nỗ lực phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội
Chị Đỗ Thị Nghĩa ngụ tại xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng xuất thân từ gia đình thuần nông, những năm đầu lập gia đình cuộc sống gia đình chị rất vất vả, khó khăn. Năm 2013, anh chị dồn hết diện tích ruộng của gia đình vào khu vực ruộng trũng ven đê để cải tạo thành 3.600m2 ao nuôi cá. Ban đầu, do thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm, thiếu đầu ra tiêu thụ sản phẩm nên thu nhập của gia đình chị không cao, điều kiện kinh tế chưa ổn định, vẫn thuộc diện hộ cận nghèo trong xã.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình chị Nghĩa cho hiệu quả kinh tế cao
Được sự quan tâm của Hội LHPN xã và chi hội giới thiệu nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, chị được xét cho vay 90 triệu đồng với mục đích sử dụng chăn nuôi lợn, tuy nhiên trong 2 năm 2018 -2019 do ảnh hưởng của dịch bệnh vì thế hiệu quả đầu tư cho chăn nuôi lợn không cao. Đến thời hạn trả nợ, chị đề nghị xin được đáo hạn nguồn vốn và gia đình chị được vay 90 triệu đồng với mục đích sử dụng vốn vay chăn nuôi bò sinh sản. Sau khi nhận được nguồn vốn, gia đình chị mua 4 con bò và xây 15m2 chuồng, trồng 4 sào cỏ tiện cho việc chăm sóc. Đàn bò sinh trưởng phát triển tốt, sau 2 năm đàn bò của gia đình chị tăng lên 8 con, qua đó, anh chị cải tạo thêm 12m2 chuồng lợn thành chuồng bò để đảm bảo không gian cho đàn bò. Khi 4 con bò con đến tuổi trưởng thành, chị xuất bán được tổng số tiền trên 70 triệu đồng và được chị sử dụng làm vốn tái đầu tư cho 3.600 m2 ao cá, chăn nuôi thêm 100 gia cầm các loại. Chăn nuôi kết hợp đã tận dụng được nguồn cỏ dư thừa của bò làm thức ăn nuôi cá, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đảm bảo được vệ sinh môi trường. Để có thêm thức ăn cho chăn nuôi gia cầm các loại, chị trồng 1,5 sào ngô để phối trộn với cơm, rau bèo, cá, tạo chất lượng thịt gia cầm có độ giòn, vị ngọt, màu vàng tự nhiên phục vụ người tiêu dùng. Với mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho gia đình chị thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Đến năm 2021, gia đình chị đã thoát hộ cận nghèo.
Khu trang trại của gia đình chị Nghĩa phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm
Đồng thời, chị còn tham gia vận động những hội viên khác trong chi hội cùng nhau xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả. Chị xứng đáng là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo.