- Thanh Hóa: Chị Lê Thị Hoa Dương khởi nghiệp với bánh Cam Duyên
Khoảng 10 năm trước, chị Lê Thị Hoa Dương, thôn 1, xã Yên Thịnh (Yên Định) được thưởng thức loại bánh rán vừng thơm ngon, từ đó chị đã nảy ra ý tưởng mang hương vị của loại bánh này về sản xuất, quảng bá tại thị trường quê nhà.
Vốn có kinh nghiệm làm bánh gia truyền là bánh lá, bánh răng bừa từ trước nên chỉ cần tìm hiểu qua cách làm bánh rán vừng là chị Hoa Dương đã biết cách chế biến sao cho nguyên liệu, hương vị phù hợp với thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng trong tỉnh. Bánh rán vừng có thể quen thuộc với nhiều người đã từng thưởng thức, nhưng với tư duy nhạy bén thị trường, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, chị Hoa Dương đã “sáng tạo” ra sản phẩm có sự khác biệt về hương liệu, mẫu mã, bao bì và cả tên gọi để dễ đi vào thị hiếu người tiêu dùng hơn. Đó là “bánh Cam Duyên”. Chị Hoa Dương lý giải: “Tên gọi này chính là duyên của tôi với nghề, sau thời gian đưa nghề về quê đã tạo được việc làm cho nhiều lao động”. Đến nay, bánh Cam Duyên đã và đang được thị trường đón nhận. Sản phẩm đã được chị đăng ký tham gia cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp” năm 2023 do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đạt giải triển vọng.
Để nghề “sống” được, cơ sở sản xuất của gia đình chị đã rất cẩn trọng trong sản xuất ở các khâu, từ lựa chọn nguyên liệu phải sạch và an toàn từ thiên nhiên, giàu dinh dưỡng; cách chế biến cân đối giữa các hương liệu; sản phẩm phải có vị vừa thơm mát, dịu ngọt, đậm đà... sao cho phù hợp với mọi đối tượng sử dụng; cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm bắt mắt... Nhờ đó, sản phẩm bánh Cam Duyên cùng với các sản phẩm truyền thống của gia đình đã tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng sản phẩm bánh Cam Duyên vào dịp lễ, Tết, bình quân một ngày, cơ sở đã cung ứng cho thị trường từ 2.000 đến 2.200 chiếc, cao hơn 1,5 - 2 lần so với ngày thường. Sản phẩm có mức giá dao động từ 25 - 35 nghìn đồng/hộp. Sau hơn 10 năm phát triển, nhãn hiệu bánh Cam Duyên đã được chứng nhận an toàn thực phẩm, được cấp mã số truy xuất nguồn gốc và đạt OCOP hạng 3 sao. Sản phẩm đã cung ứng ra cả thị trường ngoài tỉnh, tại thị trường trong tỉnh đã có mặt ở các nhà hàng, khách sạn, siêu thị mini và đặc biệt, qua kênh bán hàng online, sản phẩm được nhiều thực khách đặt hàng và phản hồi tích cực.
Khởi nghiệp ở tuổi 50, chị Hoa Dương không chỉ mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần truyền năng lượng tích cực cho nhiều chị em phụ nữ khác tự tin, nỗ lực thực hiện ý tưởng khởi nghiệp của mình đi vào cuộc sống.
- Quảng Ngãi: Chị Nguyễn Thị Nguyên dần đưa gia đình thoát khỏi hộ nghèo
Sinh ra trong gia đình thuần nông, bản thân là nạn nhân chất độc da cam, chị Nguyễn Thị Nguyên ngụ tại thôn Tân Phú, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, có điều kiện nuôi dạy con cái. Sau nhiều năm vận lộn với cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị đã vươn lên phát triển kinh tế từ chăn nuôi và trồng trọt góp phần ổn định cuộc sống cho gia đình.
Vợ chồng chị Nguyên bên vườn cây ăn quả bắt đầu thu hoạch
Vợ chồng chị được chính quyền địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà; hỗ trợ con giống, máy ghiền thức ăn gia súc. Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, chị tận dụng 1,5 ha đất của gia đình ở đồi Gò Làng để trồng cây, chăn nuôi. Hiện chị Nguyên sở hữu 100 gốc tiêu đã cho thu hoạch, hàng năm xuất bán 3 lứa gà, mỗi lứa 150 con tùy vào thời điểm thị trường, dịp Tết nguyên đán 2023 chị xuất bán 500 con. Đồng thời, vườn cây ăn quả mít, sầu riêng… của gia đình chị cũng bắt đầu cho thu hoạch. “Lúc đầu chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt nên tôi tham gia các lớp tập huấn do địa phương chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt. Từ đó, tôi áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi tại gia đình nên đàn bò, gà luôn khỏe mạnh, ít bị dịch bệnh, đem lại thu nhập cao”, chị Nguyên chia sẻ.
Thu nhập dần ổn định, kinh tế gia đình cũng bắt đầu phát triển thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, chị đã mua sắm được nhiều vật dụng giá trị cho gia đình. Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, chị Nguyên còn đảm đang, chăm lo cho gia đình luôn sống hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, nuôi dạy và đầu tư cho các con ăn học.
Điều đáng quý ở chị Nguyên chính là tinh thần phấn đấu, vươn lên làm kinh tế giỏi. Chị và gia đình luôn gương mẫu thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động tuyên truyền các thành viên trong gia đình và người thân tham gia phong trào của địa phương. Chị Nguyên xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
- Phú Yên: Gương phụ nữ vượt lên thoát cảnh nghèo khó
Năm 2007, Hờ Dưn ngụ tại buôn 2 Klốc, xã Ea Bia lập gia đình, hai vợ chồng không có nghề nghiệp, không có đất, sống trong ngôi nhà tạm với mẹ già bị bệnh của Hờ Dưn, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào việc hai vợ chồng đi làm thuê. Tuy hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng Hờ Dưn luôn cố gắng động viên chồng cùng vươn lên để sau này các con có một tương lai tươi sáng, có kiến thức, thoát khỏi cảnh nghèo khổ.
Sau hơn 10 năm lập gia đình, chăm chỉ làm việc, tiết kiệm, gia đình Hờ Dưn đã có một số vốn và mua được 5ha đất để trồng trọt. Chị trồng xen kẽ các loại cây ngắn ngày và cây lâu năm, như: mì, lúa nước, keo và mua bò chăn nuôi tích lũy vốn. Các loại cây và bò của gia đình Hờ Dưn đều phát triển tốt, bán được giá. Trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, gia đình Hờ Dưn luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm khuyến nông tổ chức; học hỏi kinh nghiệm của bà con đi trước, học tập các mô hình trên các trang mạng xã hội để áp dụng phát triển kinh tế mang lại hiệu quả. Đến năm 2022, thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt trung bình của gia đình chị đạt hơn 150 triệu đồng/năm. Hiện nay, chị đã xây được nhà kiên cố, mua sắm được các loại máy móc phục vụ sản xuất, trang bị một số vật dụng tiện nghi trong gia đình. Hờ Dưn cho biết, trong thời gian tới, chị sẽ tích lũy vốn, mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng trọt, tăng thêm đàn bò, heo rừng lai, mang nhiều nguồn thu cho gia đình.
Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình luôn vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau, hoà thuận, hạnh phúc, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Luôn mẫu mực trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm; chăm sóc, giáo dục hai con chu đáo chăm ngoan, lễ phép. Ngoài ra, Hờ Dưn luôn tích cực tuyên truyền mọi người không thả rông gia súc, gia cầm, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong buôn; tham gia công tác nhân đạo từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Với những cố gắng và nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa, gia đình Hờ Dưn đã góp phần xây dựng và tô thắm thêm truyền thống của buôn làng ngày càng phát triển.