Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, tạo khí thế trong nhiệm kỳ mới
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Gia Lai lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ghi nhận và biểu dương những thành tích mà các cấp Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Theo ông Đính, phong trào nông dân tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể như các cấp Hội có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; tích cực tham gia cuộc vận động do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo về "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bên vững".
Các cấp Hội Nông dân tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức các hoạt động Phiên chợ nông sản an toàn", hội thi "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu", các hội chợ triển lãm thương mại, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản...
Trong nhiệm kỳ qua, đã có 893 cuộc đối thoại của các đồng chí lãnh đạo các cấp với nông dân, trong đó cấp cơ sở 727 cuộc, cấp huyện 62 cuộc và cấp tỉnh 4 cuộc... Với tinh thần hướng về cơ sở, về hội viên và bà con nông dân, hoạt động của các cấp Hội trên địa bàn đã từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân trong nhiệm kỳ qua.
Những kết quả này đã góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội Nông dân; sự gắn kết giữa nông dân với tổ chức Hội ngày càng chặt chẽ; củng cố niềm tin của nông dân với các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và hệ thống chính trị các cấp để từ đó đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, vào thành tích chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
|
Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội Nông dân tỉnh Gia Lai |
Ông Đinh Khắc Đính cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh Gia Lai như nội dung, phương thức hoạt động của Hội vẫn còn chậm được đổi mới; công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao; công tác tham gia xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội của các cấp Hội còn hạn chế; phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, một bộ phận cán bộ Hội thiếu sâu sát, không nắm được tâm tư, nguyện vọng của nông dân; đời sống của một bộ phận nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn...
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở 6 vấn đề quan trọng
Cũng tại Đại hội, ông Đinh Khắc Đính đã gợi mở 6 vấn đề quan trọng để các cấp Hội Nông dân của tỉnh Gia Lai thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Một là:
Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh.
Làm cho mỗi cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả, để từ đó động viên mọi nguồn lực của giai cấp nông dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh tiếp tục có bước phát triển hơn nữa.
Hai là:
Các cấp Hội cần phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân; tăng cường và tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu cũng như những thách thức của sự biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp hóa và đời sống nông dân; giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bên vững, có năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thời kỳ số hóa mạnh mẽ.
Chỉ có như vậy, nông dân mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, nông dân mới có đủ bản lĩnh chính trị và trình độ để làm chủ nông thôn mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng chính trị, văn hóa, xã hội, là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Ba là:
Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, biết tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường.
Bốn là:
Với trách nhiệm là "trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới", Hội Nông dân tỉnh cần phát huy những kết quả đạt được trong thực hiện 3 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội về xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh; tích cực tiếp tục xây dựng và củng cố tổ chức Hội, làm tốt công tác quản lý và nâng cao chất lượng hội viên; chú trọng xây dựng chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp, là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; làm tốt vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.
Muốn vậy, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực tham mưu cấp ủy xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Mỗi cán bộ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần phát huy cao độ truyền thống và những thành tích đã đạt được, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, công tác dân vận, nắm vững nghị quyết, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của địa phương một cách có hệ thống, làm cơ sở để cụ thể hoá những chủ trương, chính sách đó vào thực tiễn, góp phần thiết thực cùng cấp uỷ, chính quyền và nông dân trong tỉnh tìm ra con đường ngắn nhất, có bước đi, cách làm phù hợp và hiệu quả nhất để nâng cao đời sống của nông dân, để nông thôn Tây Nguyên – Gia Lai thực sự là nơi đáng sống của nông dân và cư dân nông thôn, miền núi tỉnh nhà.
Năm là:
Các cấp Hội cần bám sát thực tiễn cuộc sống, dựa vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao chất lượng các hoạt động; chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh những vấn đề quan trọng về chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đồng thời, tích cực tham gia và nâng cao chất lượng giám sát phản biện xã hội về các vấn đề phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, tích cực tham gia xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị các cấp của tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Sáu là:
Đại hội lần này còn có nhiệm vụ hết sức quan trọng là bầu Ban Chấp hành khóa mới và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đảm bảo tiêu chuẩn, có trình độ, năng lực và uy tín, đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của hội viên, nông dân trong tỉnh. Ban Chấp hành được Đại hội bầu ra phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn, cần phát huy và đề cao sự đóng góp của cá nhân các ủy viên chấp hành, nhất là các ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành, các doanh nhân trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ tới.