Tham gia đoàn còn có ông Nguyễn Văn Nhiên, Ủy viên BTV Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang; cùng các đồng chí là lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Châu Thành.
Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cùng đoàn công tác Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương kiểm tra hoạt động Quỹ HTND tại xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Hồng Cẩm
Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận cho biết: Tính đến nay, nguồn vốn quỹ HTND xã chuyển về Hội Nông dân huyện là 95,589 triệu đồng, trong đó nguồn vận động là 71,589 triệu đồng, nguồn ngân sách là 24 triệu đồng. Kết quả vận động và ngân sách cấp năm 2023 là 11 triệu đồng, vượt 105% so với chỉ tiêu năm 2023.
Hiện nay trên địa bàn xã có 2 dự án Quỹ HTND của Trung ương và của huyện, với tổng số tiền là 1,1 tỉ đồng, gồm dự án "Trồng và chăm sóc cây ăn trái" (cho 10 hộ vay, số tiền) và dự án "Trồng cây sầu riêng" (với 4 hộ vay, số tiền 300 triệu đồng).
Nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến 18/3 là 14.126,6 triệu đồng thông qua 9 Tổ vay vốn tiết kiệm do Hội Nông dân xã quản lý, ủy quyền; số dư hoạt động tiết kiệm đến nay là 1,111 triệu đồng; nợ quá hạn là 341 triệu đồng.
Theo ông Khoa, 100% hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả phí và hoàn vốn đủ và đúng thời gian quy định; các hộ vay tích cực trong sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, giải quyết lao động của địa phương, nâng cao uy tín, chất lượng hoạt động Hội, thu hút nông dân tham gia thành viên Hội Nông dân, nâng cao hiệu quả vận động Quỹ HTND.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Giá cả thị trường không ổn định, việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn, nên nông dân cũng chưa mạnh dạn chuyển đổi thêm diện tích; một số nông dân ngoài dự án còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận cũng đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh, huyện tiếp tục xem xét và tăng nguồn vốn Quỹ HTND cho xã Vĩnh Nhuận vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp để hội viên, nông dân xã sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của xã, hướng đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam đã đánh giá cao tinh thần lao động, dám nghĩ dám làm của hội viên, nông dân xã Vĩnh Nhuận. Về công tác Hội và phong trào nông dân, xã đã bám sát chương trình kế hoạch, đẩy mạnh phong trào nông dân SXKD giỏi; chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; Quỹ HTND và nguồn vốn ủy thác ngân hàng Chính sách xã hội được tổ chức sử dụng đúng mục tiêu định hướng, hiệu quả.
Đặc biệt, công tác Hội phong trào nông dân rất được sự quan tâm của Đảng uỷ, chính quyền, tạo điều kiện cho Hội Nông dân xã hoạt động đạt nhiều kết quả.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận cụ thể hóa chương trình, nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh, Hội tham mưu cấp uỷ, chính quyền lãnh, chỉ đạo xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.
Đối với Quỹ HTND và nguồn vốn ủy thác ngân hàng cần tiếp tục đánh giá lại và phát huy cái đạt được, rút kinh nghiệm cái chưa làm được, tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp để thực hiện nguồn vốn tốt hơn; tăng cường hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn vay tốt hơn, giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống mức thấp nhất.
Hội Nông dân tỉnh, huyện, đặc biệt là Trung tâm Hỗ trợ nông dân cần hỗ trợ Hội Nông dân xã tư vấn hỗ trợ, chăm lo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho hội viên, nông dân; cần tăng cường hơn nữa tập chung chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đặc biệt là cây sầu riêng, có hướng hỗ trợ Quỹ HTND bài bản; hỗ trợ xây dựng vùng trồng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu… đảm bảo hiệu quả ổn định lâu dài.
Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đi kiểm tra thực tế 2 mô hình sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND, gồm mô hình trồng sầu riêng hộ ông Bùi Văn Cưởng (ấp Vĩnh Hòa 1, nguồn vốn của huyện), vay 80 triệu đồng để trồng 1ha sầu riêng và mô hình ông Ngô Minh Nhật trồng nhãn Phát tài kết hợp trồng chanh không hạt, sử dụng hệ thống tưới phun tự động, xử lý trái nghịch vụ (nguồn vốn Trung ương) giải quyết việc làm cho 20 lao động tại chỗ.