Cơ sở hạ tầng kiên cố, khang trang của huyện Yên Thế. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Văn Tuyền cho biết, Yên Thế là địa phương có điều kiện tự nhiên, sinh thái, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp đa dạng với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn phù hợp với nhu cầu thị trường. Đây cũng là nền tảng để huyện phấn đấu và nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Yên Thế cũng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng nên chính quyền và nhân dân địa phương trong nhiều năm qua rất đồng lòng, ủng hộ, quyết tâm hưởng ứng và chung tay, góp sức để cùng nhau thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy đây là một chương trình hết sức ý nghĩa, với mục đích chính là giúp nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, xuyên suốt cả chặng đường vừa qua Yên Thế luôn có sự kề vai sát cánh của bà con nhân dân các địa phương.
Để có sự nhất tâm, nhất trí, đồng lòng đó, ngay từ đầu khi thực hiện chương trình, huyện đã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng để giúp nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Yên Thế đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp và ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới đến các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện.
Từ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong hoạt động; thường xuyên quán triệt tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người lao động tinh thần, ý thức trách nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến tổ chức cơ sở đảng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xác định vai trò của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ, trực tiếp lãnh đạo quần chúng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các xã, thị trấn, ban quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã, Ban phát triển thôn, bản, tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên hệ thống đài cơ sở, các buổi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, sinh hoạt đoàn thể để nhân dân có nhận thức đúng về những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
Qua đó, nhận thức của người dân về chương trình từng bước được nâng lên, người dân đã tích cực tham gia chung tay xây dựng, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất...
Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào thi đua "Yên Thế chung sức xây dựng nông thôn mới", triển khai nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư như: Mô hình "Bảo đảm vệ sinh môi trường", "Tổ an ninh trật tự", "Khu dân cư sáng - xanh - sạch"…và các phong trào thi đua giữa các địa phương, thôn, bản, hộ gia đình để phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực; kịp thời khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phong trào thi đua "Yên Thế chung sức xây dựng nông thôn mới" năm 2024, trên địa bàn huyện đã vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ được trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, toàn huyện đã huy động được trên 1.000 ngày công, vận động các hộ dân trên địa bàn các xã hiến đất để thi công các công trình xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, năm 2024 huyện Yên Thế phấn đấu có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới, một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã Đồng Lạc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đến nay xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Đối với xã An Thượng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hiện xã đã đạt 17/19 tiêu chí. Đối với 3 lĩnh vực nổi trội lựa chọn gồm: Kiểu mẫu về lĩnh vực an ninh trật tự, kiểu mẫu về cảnh quan môi trường và kiểu mẫu về lĩnh vực y tế, An Thượng phấn đấu thực hiện cơ bản đã đạt.
Ngoài ra, số thôn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 của Yên Thế có 7 thôn. Đến nay 2 thôn đã có quyết định công nhận gồm thôn Cầu Đá, Đồng Bục xã An Thượng; 2 thôn, bản: Bản Cầu Nhãn xã Xuân Lương, thôn Sỏi xã Tân Sỏi đã tổ chức thẩm định xong và đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND huyện Yên Thế ban hành Quyết định công nhận; 3 thôn (thôn Đồng Nghĩa xã Hồng Kỳ, thôn Tân Sỏi xã Đồng Tâm, thôn Bo Chợ xã Đông Sơn) đang tập trung xây dựng hồ sơ chứng minh các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với số thôn (bản) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn là bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương, hiện UBND xã Đồng Vương đang hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.
Bên cạnh đó, để phát huy thế mạnh địa phương, ngành nông nghiệp của Yên Thế cũng rất phát triển, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện.
Hiện nay, huyện có hơn 500 ha chè, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Lương, Canh Nậu... Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi gà đồi tập trung với quy mô lớn. Mỗi năm, toàn huyện bán ra thị trường gần 12 triệu con gà, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.600 tỷ đồng. Năm 2011, gà đồi Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm; được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước: Trung Quốc, Lào và Singapore. Các sản phẩm này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng, du lịch địa phương.
Với những kết quả đã đạt được, trong những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế Nguyễn Văn Tuyền cho biết, huyện Yên Thế sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là các dự án giao thông, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa. Đồng thời, tiếp tục rà soát và đầu tư cải tạo các công trình thủy lợi, đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.
Cùng với đó, các nhà văn hóa xã và thôn cũng sẽ được hoàn thiện, đảm bảo có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hóa, thể thao của cộng đồng. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tăng cường áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như VietGAP; duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các mô hình tự quản tại thôn bản và các phong trào bảo vệ môi trường như "Ngày Chủ nhật xanh"...
Nguồn bài viết: Chinhphu.vn