Sign In

Vận dụng sáng tạo Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

09:15 29/05/2024
(Cổng ĐT HND) – Chiều ngày 28/5, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Đỗ Văn Phới - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) về tình hình thực hiện Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”, nhằm phục vụ nghiên cứu Đề tài trọng điểm cấp quốc gia (Đề tài).

 

Chủ trì buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương có đồng chí Phạm Tiến Nam - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Ban Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội NDVN.

  
Anh-tin-bai

Đồng chí Đỗ Văn Phới - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương trao đổi tại buổi làm việc với Trung ương Hội NDVN về tình hình thực hiện Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”, nhằm phục vụ nghiên cứu Đề tài trọng điểm cấp quốc gia

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới cho biết: Đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới” do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương làm Chủ nhiệm.

 

Nội dung của buổi làm việc nhằm thu thập các thông tin, số liệu định lượng, định tính liên quan đến các nội dung, nhiệm vụ khoa học của Đề tài, làm cơ sở thực tiễn xây dựng báo cáo Đề tài. Cụ thể như: Đánh giá Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, trong đó Hội NDVN đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng như thế nào; đánh giá những tồn tại để rút ra bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”; trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần có giải pháp gì để vận dụng bài học này vào thực tiễn; nêu kiến nghị đề xuất của Hội NDVN để phát huy bài học này.

 

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam phát biểu tại buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam khẳng định: Quan điểm “Dân là gốc” của Đảng ta chính là sự tiếp nối bài học từ truyền thống dân tộc và kế thừa trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân. Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” có ý nghĩa hết sức to lớn. Đây là bài học của Đảng ta đã được vận dụng tương ứng vào từng thời kỳ cụ thể và có sự sáng tạo phù hợp.

 

Để giúp Đoàn công tác của Ban Dân vận Trung ương có những cơ sở đánh giá về thực trạng cùng những tồn tại, khó khăn, giải pháp để xây dựng báo cáo Đề tài phục vụ cho việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, Phó Chủ tịch Phạm Tiến Nam đề nghị các Ban, đơn vị cơ quan Trung ương Hội NDVN có những ý kiến đóng góp, chia sẻ, thảo luận và nêu ra đề xuất trong quá trình vận dụng bài học này vào công tác Hội và phong trào nông dân.

 

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phan - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN cho biết: Xuất phát từ quan điểm “Dân là gốc” của Đảng ta, những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, Hội NDVN đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức từ Trung ương đến cơ sở. Hiện nay, Hội NDVN với hệ thống tổ chức 4 cấp và có các chi, tổ Hội đến các thôn, bản. Mô hình tổ chức các chi, tổ Hội đa dạng, phong phú theo địa bàn hành chính, nhóm nghề nghiệp và hàng ngàn câu lạc bộ nông dân, thu hút được trên 10,5 triệu hội viên tham gia tổ chức Hội... Từ đó, Hội NDVN trở thành nòng cốt trong phong trào nông dân, xây dựng nông thôn mới.

 

Đến nay, Hội NDVN đã vận dụng sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham mưu, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân qua các thời kỳ.

 

Anh-tin-bai

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội NDVN Nguyễn Văn Phan trình bày báo cáo tóm tắt về việc vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” của Hội Nông dân Việt Nam

 

Cụ thể, Hội NDVN tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hội NDVN đã tập trung củng cố, xây dựng các nguồn lực tài chính nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề, giúp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; thường xuyên quan tâm, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng cộng đồng nông thôn đoàn kết, đồng thuận xã hội. Vận động nông dân tham gia có trách nhiệm các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao sức mạnh của cơ quan quyền lực Nhà nước. Tăng cường công tác hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ cán bộ, hội viên, nông dân đi nghiên cứu, học tập, lao động, quảng bá nông sản ở nước ngoài.

 

Hội NDVN đã chỉ đạo các cấp Hội mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, tập trung hướng mạnh các hoạt động Hội về cơ sở. Trong 20 năm qua, các cấp Hội đã kết nạp được trên 6,2 triệu hội viên mới nâng tổng số trong cả nước hiện có gần 10,2 triệu hội viên, nông dân.

 

Đến nay, có 9.907/10.614 xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội với 80.410 chi Hội, 143.053 tổ Hội. Các cấp Hội đã thành lập được 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 36.636 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên tham gia. Đáng chú ý, Trung ương Hội NDVN đã xây dựng được 73 mô hình “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”; thành lập mạng lưới trên 5.000 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các cơ sở...

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích cực triển khai các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao vị thế của hội viên, nông dân.

 

Đặc biệt, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, Hội NDVN đã xây dựng và triển khai Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân” đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện đã được kiện toàn ở cả ba cấp, gồm: Trung ương, tỉnh, huyện.

 

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 và Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho trên 220.000 hội viên, nông dân. Đã có trên 80% nông dân có việc làm ổn định sau khi học nghề. Đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

 

Anh-tin-bai

Toàn cảnh buổi làm việc

 

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến và thảo luận. Trong đó, tập trung vào việc nêu ra 4 vấn đề cùng 5 giải pháp để tiếp tục phát huy việc thực hiện Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”.

 

Bốn vấn đề đặt ra gồm: Thứ nhất, xu hướng nông dân làm nông nghiệp giảm, già hóa nhưng đòi hỏi phải tăng nhanh năng suất lao động, giá trị và sức cạnh tranh nông sản hàng hóa bền vững theo hướng sinh thái. Nhận thức của nông dân về kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết chưa cao, một bộ phận không nhỏ thường bằng lòng, chấp nhận điều kiện sản xuất sẵn có với tâm lý an phận, ngại thay đổi là rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

 

Thứ hai, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi đó, trình độ của nông dân còn thấp; phần lớn chưa qua đào tạo, thiếu các kỹ năng mềm, làm việc nhóm, tác phong sản xuất công nghiệp, hạn chế về khả năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất.

 

Thứ ba, nông dân có cơ hội để tiếp cận, tham gia chuỗi sản xuất giá trị nhưng cũng đặt ra những rủi ro đối với quyền lợi hợp pháp, chính đáng khi tham gia hợp tác, liên kết. Việc sản xuất theo hợp đồng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường là thách thức trước thói quen, ý thức kỷ luật lao động của đa số nông dân và tính bền vững trong hợp tác, liên kết với doanh nghiệp.

 

Thứ tư, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, xu thế biến đổi xã hội nông thôn, tác động tiêu cực của mạng xã hội, hội nhập quốc tế đặt ra những yêu cầu mới đối với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân với Đảng, Nhà nước.

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Lê Ngọc Thắng- Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hội NDVN tham gia ý kiến tại buổi làm việc

 

Trung ương Hội NDVN đề xuất năm giải pháp để thực hiện hiệu quả Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và phát triển của Hội trong tình hình mới như sau:

 

Một là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nông dân, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực, sức mạnh của nông dân để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

 

Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

 

Ba là, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, học vấn, xây dựng người nông dân văn minh, có năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, làm chủ nông thôn.

 

Bốn là, củng cố, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực tham mưu hoạch định chính sách giải phóng các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 

Năm là, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên cơ sở đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động, chuyển trọng tâm công tác về cơ sở.

 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới đánh giá cao nội dung báo cáo toàn diện của Hội NDVN đã vận dụng rất sáng tạo bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tham mưu, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân qua các thời kỳ. Đồng chí cũng đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, ghi nhận một số vấn đề mới đặt ra, dự báo các xu hướng, những yếu tố tác động trong việc tiếp tục vận dụng bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” trong tình hình mới của Hội NDVN đã trình bày.

 

“Hoạt động của Hội NDVN từ Trung ương đến cơ sở đã tập trung hướng về người nông dân, lấy người nông dân làm gốc, làm trung tâm để xây dựng tổ chức Hội và chương trình hoạt động. Qua đó, tập hợp đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội, hội viên, nông dân ngày càng gắn bó với tổ chức Hội, vai trò của Hội NDVN ngày càng được thể hiện và khẳng định rõ nét hơn trong hệ thống chính trị” - Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới nhấn mạnh.

 

“Về những trao đổi tại buổi làm việc, Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận, tổng hợp để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp trong quá trình thực hiện Đề tài trọng điểm cấp quốc gia “Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới”- Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới khẳng định.

Tag:

File đính kèm