Nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hơn 215 tỷ đồng
Ông Nguyễn Hoài Anh, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì kỳ họp. Tham dự có ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở sở, ban, ngành liên quan và 41/51 đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận.Tại kỳ họp, các đại biểu tập trung thảo luận, biểu quyết thông qua 11 nghị quyết quan trọng như: Kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2023; Kế hoạch vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư hoàn chỉnh khu tưới hệ thống thủy lợi Tà Pao…
Kỳ họp đã thống nhất thông qua kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2023 với tổng số tiền 215 tỷ 348 triệu đồng (Hai trăm mười lăm tỷ, ba trăm bốn mươi tám triệu đồng).
Với số vốn này, Bình Thuận sẽ tập trung đầu tư, hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 -2025 theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quyết định số 7/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
HĐND tỉnh Bình Thuận cũng biểu quyết thông qua Quy định mức hỗ trợ học phí năm học 2022 - 2023 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
|
Hệ thống thủy lợi đập dâng Tà Pao ở huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ |
Di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô nhỏ lẻ ra ngoại thành
Tại kỳ họp, đại biểu HĐND đã thảo luận và thông qua Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác; chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư nên đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhất là các hộ dân xung quanh các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Do đó, việc di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu vực nội thành nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân là một nhiệm vụ cần thiết trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Riêng tình hình nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh hiện đang có xu hướng gia tăng. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 1.425 cơ sở dẫn dụ và nuôi chim yến. Đa số phát triển một cách tự phát, có nhiều nhà yến xây dựng xen kẽ trong khu dân cư, đã làm phát sinh tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng nhưng chưa được chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ.
Vì vậy, việc quy định vùng nuôi chim yến nhằm hạn chế tình trạng người dân nuôi chim yến tự phát, nhất là các trường hợp sử dụng nhà ở trong khu dân cư để nuôi chim yến gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống người dân.
Bên cạnh việc quy định vùng nuôi chim yến, khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác, nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Thuận cũng quy định hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để giúp người chăn nuôi, di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi...