Hiện, sản phẩm DLCĐ của tỉnh Hà Giang đang được thực hiện theo mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo bộ tiêu chí được ban hành theo Quyết định số 1324, ngày 5.7.2021 của UBND tỉnh Hà Giang; từng bước nâng cao chất lượng, áp dụng phù hợp một số tiêu chí trong xây dựng làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN.
Đến nay, các làng, bản sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thu hút sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, thu hút được lượng khách lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy tốt giá trị tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương.
|
Cột cờ Lũng Cú – biểu tượng cho điểm cực Bắc của Việt Nam |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Hồng Hải chia sẻ: Để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang đã ban hành các nghị quyết, chương trình, dự án, kế hoạch, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư; lồng ghép với các cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương, của tỉnh và huy động từ các nguồn đầu tư thuộc các chương trình phát triển KT - XH, các chương trình mục tiêu, đề án, dự án của các bộ, ngành Trung ương, tổ chức phi chính phủ. Hỗ trợ và giải ngân cho trên 270 hộ dân làm homestay thực hiện xây dựng mới nhà vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường, mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc với số tiền trên 16 tỷ đồng và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất nghề thủ công truyền thống. Mặt khác, ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch; có cơ chế thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư trong phát triển DLCĐ hoặc các dự án gắn kết khai thác DLCĐ, nhằm tăng cường sự tham gia, hưởng lợi của người dân…
Sau khi UBND tỉnh Hà Giang ban hành bộ tiêu chí, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và tổ chức công bố “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm”, các sở, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển DLCĐ tại địa phương, tranh thủ lồng ghép các nguồn lực thực hiện.
Do đó, đến nay có 16 làng được UBND tỉnh Hà Giang công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Hầu hết các làng có tính đặc trưng gắn với các sản phẩm du lịch điển hình, phù hợp với nhu cầu của du khách trong và ngoài nước; trong đó, gắn kết khai thác DLCĐ với chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Tiêu biểu như năm 2022, Làng Văn hóa DLCĐ dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc) đón trên 250 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu gần 125 tỷ đồng; thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ) đón trên 8,5 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 4,25 tỷ đồng; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) đón trên 200 nghìn lượt khách, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng; thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) đạt 28 nghìn lượt khách, khách lưu trú trên 10,6 nghìn lượt, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng…
Khai thác lợi thế, tiềm năng, tỉnh Hà Giang đã tập trung triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển du lịch nông thôn của 40 làng đã đăng ký theo chương trình xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phục vụ du lịch, bồi dưỡng nghề cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý cho biết: Hà Giang sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình, nghị quyết của tỉnh về phát triển du lịch, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII về đột phá trong lĩnh vực du lịch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025; ưu tiên các nguồn lực phát triển hạ tầng du lịch; bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa làm cơ sở để phát triển du lịch; xây dựng chuỗi liên kết, cung ứng dịch vụ; xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra, Hà Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phát triển du lịch; đưa du lịch trở thành mục tiêu trong xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, nhất là những vùng có tiềm năng, khả thi khai thác, phát triển du lịch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách có tính khả thi, ổn định, đáp ứng với thực tiễn tình hình mới trong phát triển du lịch nông thôn hiện nay. Tăng cường các giải pháp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch; nâng cao chất lượng các mô hình du lịch nông thôn, DLCĐ để giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.
Với việc xác định phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng cùng với phát huy nội lực, huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ; phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật du lịch đối với các điểm DLCĐ có tiềm năng; đảm bảo điều kiện phục vụ, thu hút khách, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa địa phương…, tin rằng, Hà Giang luôn là “địa chỉ đỏ” đầy sức lôi cuốn và là điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện đối với mỗi du khách.